OECD: Tăng trưởng kinh tế thế giới 2022 giảm 1/3 so với mức dự báo
(VOVTV) - Cuộc xung đột tại Ukraine sẽ khiến nền kinh tế thế giới giảm 1,5 điểm tăng trưởng, chỉ đạt 3% trong năm 2022, trong khi lạm phát tăng cao kéo dài.
Đây là dự báo mới được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 8/6. Tổ chức có trụ sở ở Paris này cũng dự báo sự tăng trưởng thiếu bền vững có thể kéo dài sang năm 2023.
Trong bản báo cáo dài hơn 200 trang, tổ chức OECD đã điều chỉnh hạ thấp mức tăng trưởng trong năm 2022 của hầu hết các nền kinh tế lớn thế giới do tác động tiêu cực từ cuộc xung đột tại Ukraine.
OECD dự báo khu vực đồng Euro chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm 2022, thấp hơn so với mức dự báo 4,3% đưa ra cuối năm 2021. Hai nền kinh tế lớn nhất của Euro là Đức và Pháp lần lượt dự kiến tăng trưởng ở mức 1,9% (giảm 2,2%) và 2,4% (giảm 1,8%).
Các nền kinh tế lớn thế giới khác như Mỹ cũng giảm từ 3,7% xuống còn 2,5%, Trung Quốc từ 5,1% xuống còn 4,4%, Vương quốc Anh từ 4,7% xuống 3,6%. Kinh tế Nga được dự báo sẽ rơi vào suy thoái, giảm 10% do tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Paris (Pháp), Tổng thư ký OECD- ông Mathias Cormann, đánh giá triển vọng kinh tế thế giới sẽ bi quan hơn mức dự báo đưa ra cách đây vài tháng.
“Cuộc xung đột tại Ukraine đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, khiến tăng trưởng của thế giới vì thế sẽ thấp hơn rất nhiều. Dự báo kinh tế thế giới năm 2022 chỉ đạt mức tăng trưởng 3%, giảm 1,5% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 12/2021. Dự báo đà tăng trưởng cũng sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2023, đạt khoảng 2,8%" - Tổng thư ký OECD cho biết.
Trước công bố OECD, hầu hết các tổ chức kinh tế lớn đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022. Ngân hàng thế giới (WB) ngày 7/6 cho rằng kinh tế thế giới chỉ đạt 2,9% trong năm nay, trong khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 4/2022 điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng thế giới xuống còn 3,6%.
Bản báo cáo của OECD cũng đặc biệt nhấn mạnh thế giới sẽ phải đối mặt với mức lạm phát tăng cao kéo dài. Nguyên nhân bắt nguồn sự rối loạn chuỗi cung ứng và leo thang của giá năng lượng, thực phẩm hay sắt thép sau khi xung đột Ukraine nổ ra.
Tỷ lệ lạm phát trung bình của các thành viên OECD sẽ là 8,8% trong năm 2022, mức cao nhất kể từ năm 1988. Sức mua của người tiêu dùng châu Âu sẽ tiếp tục sụt giảm khi niềm tin của các hộ gia đình được đánh giá xuống thấp hơn so với đợt phong tỏa đầu tiên do Covid-19 vào đầu năm 2020. Các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ bị đe dọa bởi tình trạng thiếu lương thực và giá thực phẩm tăng cao.
OECD dự báo áp lực lạm phát sẽ giảm nhẹ vào năm 2023 khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU dự kiến sẽ điều chỉnh sách tiền tệ vào quý III/2022. Tuy nhiên, triển vọng này chưa là chắc chắn nếu giá năng lượng tiếp tục tăng cao hoặc Nga đột ngột dừng nguồn cung khí đốt sang châu Âu để trả đũa các biện pháp trừng phạt.