Ổ dịch ở thị trấn Mỹ hé lộ cách chấm dứt đại dịch Covid-19
Qua nghiên cứu ổ dịch ở thị trấn nghỉ dưỡng Provincetown, bang Massachusetts của Mỹ, giới khoa học đã có những phát hiện quan trọng về vaccine Covid-19 cũng như tương lai của đại dịch.
Vào dịp lễ Quốc khánh Mỹ 4/7 năm nay, hàng nghìn du khách đã đổ về thị trấn nghỉ dưỡng Provincetown ở Massachusetts sau khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 và sẵn sàng tận hưởng sự tự do, không phải giãn cách xã hội, không phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, thời tiết bất ngờ chuyển lạnh và có mưa, nên các hoạt động nghỉ lễ ngoài trời phải chuyển thành các sự kiện trong không gian kín của các quán rượu, câu lạc bộ hoặc nhà riêng. Điều này đã tạo ra môi trường lây lan lý tưởng cho biến chủng Delta.
Chỉ hai tuần sau, khu vực này đã ghi nhận hơn 1.000 ca Covid-19. Ổ dịch mới buộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ áp đặt lại quy định đeo khẩu trang trong không gian kín ở nơi công cộng.
Bốn tháng sau, các nhà nghiên cứu các trường hợp nhiễm bệnh ở Provincetown đã có phát hiện quan trọng về hiệu ứng tăng miễn dịch ở những người mắc Covid-19 đã tiêm chủng. Quan trọng hơn, phát hiện của họ hé lộ những manh mối về mức độ bảo vệ cần thiết để giúp con người thoát khỏi đại dịch Covid-19.
"Ban đầu, những gì xảy ra ở Provincetown bị coi là bằng chứng cho thấy sự thất bại của vaccine. Nhưng theo tôi đó là bằng chứng cho thấy sự thành công của vaccine. Các vaccine Covid-19 đã thể hiện đúng vai trò của nó", Dan Barouch, giáo sư y khoa tại Đại học Harvard, nói.
Ổ dịch ở Provincetown, một thị trấn nghỉ dưỡng nhỏ bên bờ biển Cape Cod là ổ dịch đầu tiên được nghiên cứu kỹ về đợt bùng phát do biến chủng Delta gây ra trong một cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao. Theo Bloomberg, khoảng 3/4 số ca nhiễm ghi nhận ở đây là người đã tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer hoặc Moderna hoặc một mũi vaccine Johnson & Johnson ít nhất 14 ngày trước khi dịch bùng phát.
Điều tra ổ dịch
Theo ghi nhận của cơ quan y tế địa phương, khoảng 80% trong số ca nhiễm đột phá ghi nhận ở ổ dịch Provincetown là các trường hợp có triệu chứng. Mặc dù đa số họ có triệu chứng vừa hoặc nhẹ, nhưng vì dịch bùng phát ở một cộng đồng có độ phủ vaccine Covid-19 cao buộc giới chức y tế liên bang và địa phương vào cuộc điều tra kỹ lưỡng.
Kết quả điều tra cho thấy, lượng virus có trên các bông tăm lấy mẫu xét nghiệm ở người đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng tương đương nhau. Phát hiện này đã loại bỏ giả thuyết trước đó rằng vaccine có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, đặc biệt là với biến chủng Delta có khả năng lây lan gấp đôi.
Các nhà nghiên cứu dịch tễ tại Viện nghiên cứu Boston's Broad đã sử dụng các dữ liệu phân tích gen để truy vết ổ dịch và phát hiện 80% ca bệnh có liên quan đến một người. Nghiên cứu của họ chỉ ra, Covid-19 có thể lây lan giữa những người đã tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù các ca Covid-19 là người đến từ 21 bang, nhưng ổ dịch ở đây không tác động nhiều đến đợt bùng dịch ở Mỹ do Delta gây ra sau khi họ trở về quê nhà.
"Vaccine là công cụ tốt nhất để ngăn nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong do Covid-19, nhưng nó không ngăn chặn được hoàn toàn nguy cơ nhiễm hoặc làm lây lan virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người đã tiêm chủng và nhiễm bệnh thì nguy cơ lây lan virus thấp hơn so với ở người chưa tiêm chủng", Helen Petousis-Harris, nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Auckland cho biết.
Tương lai của đại dịch
Kết quả nghiên cứu ở Provincetown của giáo sư Barouch cho thấy, những ca nhiễm đột phá ở người đã tiêm vaccine có lượng kháng thể và tế bào T chống virus Covid-19 cao hơn đáng kể, trong đó mức độ kháng thể trung hòa chống lại Delta cao hơn 34 lần so với người chưa nhiễm bệnh.
Ở người đã tiêm chủng vaccine 5-6 tháng, khi bị nhiễm SARS-CoV-2, có thể sản sinh kháng thể và tế bào T để kháng lại virus trước khi nó có cơ hội lan rộng và gây ra những hệ quả nghiêm trọng.
"Chúng tôi nghĩ đó là lý do phần lớn ca lây nhiễm đột phá chỉ có triệu chứng vừa hoặc nhẹ", giáo sư Barouch nói.
Giới chuyên gia y tế sử dụng thuật ngữ "phản ứng anamnestic" để mô tả việc lượng kháng thể đã sụt giảm được phục hồi qua việc tái nhiễm. Xu hướng này ngày càng mở rộng vì Covid-19 tiếp lây lan khắp thế giới.
Đến nay, thế giới đã tiêm hơn 7,5 tỷ liều vaccine Covid-19 tuy độ phủ vaccine giữa các nước, các khu vực không giống nhau. Theo các chuyên gia, mức độ nghiêm trọng của virus và khả năng nhiễm SARS-CoV-2 sẽ giảm dần theo thời gian khi hệ miễn dịch của cơ thể được huấn luyện để nhận diện và đối phó SARS-CoV-2 nhanh hơn, kể cả với biến chủng hiện nay và biến chủng trong tương lai.
"Tất nhiên, chúng tôi muốn mọi người đạt được điều này thông qua tiêm vaccine mũi tăng cường. Tuy nhiên, với các ca nhiễm đột phá, tình hình sẽ không đáng ngại bởi thông thường đó sẽ là các ca nhiễm thể nhẹ", ông Barouch nói.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhấn mạnh, cần có thêm nhiều nghiên cứu để tìm hiểu tác động lâu dài của Covid-19 ở các trường hợp lây nhiễm đột phá.