Tin tức

NSND Trần Thị Tuyết: Xa rồi giọng ngâm "Thân thương như tiếng người hàng xóm"

Kể từ năm 1960, giọng ngâm thơ của NSND Trần Thị Tuyết đã là niềm thương nỗi nhớ của biết bao thế hệ bạn nghe Đài.

01/12/2020 15:07

Vậy là kể từ năm nay, NSND Trần Thị Tuyết sẽ không về Hà Nội và thăm Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi mà bà vẫn gọi thân thương là "trở về nhà” được nữa. Nhưng vẫn như 60 năm nay, kể từ năm 1960, kể từ khi bà trở thành người của Ban Văn nghệ, giọng ngâm thơ của NSND Trần Thị Tuyết từ ngày đầu đã là niềm thương nỗi nhớ của biết bao thế hệ bạn nghe Đài, mà nhiều người trong số đó đã thành người thiên cổ.

NSND Trần Thị Tuyết: Xa rồi giọng ngâm "Thân thương như tiếng người hàng xóm" - Ảnh 1.

NSND Trần Thị Tuyết. Ảnh: vov.vn

Những biên tập viên kỳ cựu một thời như biên tập viên Nông Thị Nhuận, biên tập viên – nhà thơ Trịnh Bích Ba đều đã biết tiếng của NSND Trần Thị Tuyết trước khi chung tay gây dựng thương hiệu chương trình “Tiếng thơ” của Đài. Với những đồng nghiệp, đàn em cùng công tác, NSND Trần Thị Tuyết giống như một người chị cả hiền hậu trong gia đình dẫu mấy chục năm, bà được ví một ngôi sao sáng chói trong làng ngâm thơ, làng văn nghệ. 

Nếu nhà thơ Trịnh Bích Ba nghe và ngưỡng mộ giọng ngâm thơ của NSND Trần Thị Tuyết từ khi còn là một cô bé học cấp một thì với biên tập viên Nông Thị Nhuận, dù xa cách nhiều năm, bà không sao quên được nét mặt, nụ cười, giọng nói, giọng ngâm thơ đằm thắm của người nghệ sĩ, người chị của gia đình Ban Văn nghệ đầm ấm, thân thương, trọng nghĩa tình. Bà Nông Thị Nhuận nhớ dịp đi công tác đến những đơn vị quân đội ở miền Trung, khi nhắc đến chương trình “Tiếng thơ” của Đài, người được các cán bộ chiến sĩ gọi tên đầu tiên là NSND Trần Thị Tuyết rồi mới đến các nghệ sĩ Châu Loan, Linh Nhâm, Tường Thụ, Vũ Kim Dung. 

Khi người Biên tập viên kỳ cựu kể về điều đó, đôi mắt bà ánh lên vẻ trìu mến, nửa đồng tình với thính giả, nửa tự hào về người chị, người đồng nghiệp tài năng, dẫu biết rằng để làm nên một chương trình phát sóng ngoài diễn xuất ngâm thơ còn có sự góp công của cả tập thể định hướng nội dung, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên…

NSND Trần Thị Tuyết: Xa rồi giọng ngâm "Thân thương như tiếng người hàng xóm" - Ảnh 2.

NSND Trần Thị Tuyết và các đồng nghiệp quây quần bên Bác Hồ tại Văn phòng Phủ Chủ tịch sau giờ ghi âm đọc thơ chúc Tết năm Đinh Dậu 1968. Ảnh: vov.vn

Sức hút, sức truyền cảm của giọng ngâm thơ NSND Trần Thị Tuyết với thính giả, đặc biệt với những người lính xa nhà càng trân quý biết bao nhiêu. Chính nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng đã mượn lời người bạn thân là Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc – Tác giả của nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” – “Giọng ngâm thơ của Nghệ sĩ Trần Thị Tuyết nghe thân thương như tiếng người hàng xóm”.

Hiếm người biết rằng người nghệ sĩ được trời phú cho giọng ngâm thơ trong trẻo, khỏe khoắn ấy lại có thân hình mảnh dẻ, nhỏ bé, có những khi chưa nặng tới 40 kg. Phát thanh viên – NSUT Kim Cúc cùng nhóm cán bộ thấp bé nhẹ cân sau giải phóng được Đài Tiếng nói Việt Nam đặc cách cho đi an dưỡng. Và bà đã được mục sở thị người chị, người nghệ sĩ mình yêu mến ngày ngày miệt mài luyện âm cho tròn vành rõ chữ, y như ca sĩ luyện thanh dù lúc bấy giờ NSND Trần Thị Tuyết đã là nghệ sĩ ngâm thơ hàng đầu của đất nước.

Đánh giá về giọng ngâm rung động lòng người vượt thời gian của giọng ngâm NSND Trần Thị Tuyết, nhà thơ Trần Nhật Lam cho rằng không đơn giản là tự nhiên mà đó là từ nội lực, từ sự không ngừng rèn giũa, luyện tập, phấn đấu. Cũng theo ông, những băng âm thanh NSND Trần Thị Tuyết diễn xuất ngâm thơ, hiện còn lưu lại ở kho băng của Đài Tiếng nói Việt Nam đến nay vẫn còn gây sửng sốt bởi chất giọng ngâm thơ trong trẻo như nước suối. Chất giọng ấy, như NSND Trần Thị Tuyết từng chia sẻ là kết quả của tình yêu đối với thơ, của tâm hồn luôn hướng tới những điều trong sáng, đẹp đẽ trong cuộc sống.
NSND Trần Thị Tuyết: Xa rồi giọng ngâm "Thân thương như tiếng người hàng xóm" - Ảnh 3.

NSND Trần Thị Tuyết. Ảnh: vov.vn

Qua giọng ngâm NSND Trần Thị Tuyết, công chúng, thính giả nghe Đài thêm yêu “Truyện Kiều”, thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ Tố Hữu, thơ viết về làng quê xứ Bắc. Từ năm 1962, NSND Trần Thị Tuyết đã vinh dự được đích thân Bác Hồ mời vào Phủ Chủ tịch ngâm thơ và khen tặng. Lời Bác động viên giữ gìn sức khỏe, rèn luyện diễn xuất và đạo đức đã được bà tâm niệm suốt cuộc đời.

Trong ký ức của nhiều thế hệ bạn nghe Đài, khó lòng quên giọng ngâm của NSND Trần Thị Tuyết trên nền nhạc giao hưởng bài “Miền Nam” của nhà thơ Tố Hữu mở đầu “Buổi phát thanh vào Nam” với những câu: “Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vỹ/ Đất anh hùng của thế kỷ 20/ Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ/ Có miền Nam anh dũng tuyệt vời”.

Vậy là kể từ năm nay, NSND Trần Thị Tuyết sẽ không trở về quê nhà Hà Nội, thăm Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi bà vẫn thân thương gọi là “trở về nhà”.

NSND Trần Thị Tuyết sinh năm 1931 ở Hà Nội và là con gái của Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Phúc. Bà diễn xuất ngâm thơ từ năm 1957 và được công chúng biết tới qua chương trình “Tiếng thơ” của Đài tiếng nói Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước.

NSND Trần Thị Tuyết từng được Bác Hồ mời vào Phủ Chủ tịch ngâm thơ và nhiều lần ngâm thơ chúc Tết của Bác trong đêm Giao thừa. Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2016.

Vào ngày 28/11 vừa qua, NSND Trần Thị Tuyết qua đời tại nhà riêng, chung cư Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP HCM, thọ 89 tuổi. Bà được gia đình hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, sáng 30/11.

Ý kiến của bạn