Nộp thêm hơn 1 tỷ đồng, cựu Chủ tịch Bình Dương được giảm 1 năm tù
Tại toà phúc thẩm, ông Trần Thanh Liêm tỏ thái độ ăn năn, gia đình bị cáo nộp hơn 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả nên được HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm 1 năm tù.
Sau một ngày xét xử, sáng 28/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm và 3 người khác trong vụ thâu tóm 2 lô "đất vàng" 43 ha và 145 ha tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.
HĐXX cấp phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lý Thanh Châu, Đỗ Thị Thanh Thúy; chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Trần Thanh Liêm, Trần Nguyên Vũ.
Tòa phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Liêm 6 năm tù (giảm 1 năm tù so với bản án sơ thẩm) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương) bị tuyên phạt 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, 11 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hình phạt 21 năm tù (giảm 2 năm tù so với bản án sơ thẩm).
Lý Thanh Châu (cựu Thành viên HĐTV, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương – TNHH MTV) 4 năm 6 tháng tù; Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu Kế toán trưởng Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương – TNHH MTV) 30 tháng tù, cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Theo HĐXX cấp phúc thẩm, tại phiên tòa, bị cáo Trần Thanh Liêm thừa nhận sai phạm như bị quy kết, nhưng bị cáo cũng xuất trình thêm những chứng cứ mới, trong đó có tài liệu thể hiện gia đình bị cáo đã nộp hơn 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Các bị cáo khác cũng thừa nhận hành vi sai phạm nhưng chỉ “làm theo sự chỉ đạo của cấp trên”.
HĐXX nhận định các bị cáo bị truy tố theo các tội danh nêu trên là đúng người, đúng tội. Trong đó, bị cáo Vũ với vai trò đồng phạm trực tiếp với Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bình Dương) xâm phạm tới tài sản Nhà nước. Bị cáo Liêm là người có chức vụ cao nhưng lại có hành vi sai phạm như đã quy kết.
Tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận thành khẩn, có nhân thân tốt, có nhiều thành tích trong công tác. Bị cáo Châu, Thúy là đồng phạm giúp sức, có vai trò thứ yếu.
Xét tính chất vụ án, HĐXX nhận định đây là vụ án rất nghiêm trọng, tòa cấp sơ thẩm đã cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ nên cấp phúc thẩm xét thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Châu, Thúy.
Đối với bị cáo Liêm, theo HĐXX, ông Liêm thể hiện thái độ ăn năn, xuất trình tài liệu thể hiện việc đang điều trị bệnh, tác động tới gia đình nộp hơn 1 tỷ đồng, thể hiện thái độ chấp hành pháp luật... Bị cáo Vũ cũng xuất trình thêm những chứng cứ mới, bị cáo chủ động khai báo, chủ động nộp tiền khắc phục. Trên cơ sở đó, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng cần chấp nhận một phần kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Liêm và Vũ, để các bị cáo sớm trở về với gia đình, xã hội và cũng đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Theo nội dung vụ án, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng công ty Bình Dương, các bị cáo đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, gây hậu quả thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Cụ thể, bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) biết rõ nội dung đề xuất áp đơn giá đất bình quân năm 2006 để thu tiền sử dụng đất theo các quy định giao đất năm 2012 và 2013 là trái quy định, nhưng vẫn ban hành công văn để thu tiền sử dụng đất của Tổng Công ty Bình Dương, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 700 tỷ đồng.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Dương đều biết việc bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng 43 ha “đất vàng” và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên, các bị cáo đã không ngăn chặn, yêu cầu khắc phục, thu hồi tài sản cho Nhà nước mà còn hợp thức hóa thủ tục để Nguyễn Văn Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước sang công ty của con rể là Nguyễn Đại Dương và bán cho công ty tư nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Đối với khu “đất vàng” 145 ha, quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương, bị cáo Nguyễn Văn Minh cùng các đồng phạm cố ý loại trừ khu đất này, không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn.
Ngoài ra, do cần có nguồn tiền để xử lý khoản nợ mà bị cáo Minh cùng các bị cáo Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải sử dụng trước đó và cần tiền để xử lý các vấn đề tài chính khác, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã đưa ra chủ trương và chỉ đạo thực hiện việc chi gần 965 tỷ đồng để mua 9.120.000 cổ phần với giá 105.737 đồng/cổ phần, gây thiệt hại cho Tổng công ty Bình Dương hơn 815 tỷ đồng.
Tin nổi bật
Tin Video