Tin tức

Nỗi lo mới về trẻ bị HIV sau đại dịch COVID-19

(VOVTV) - Đại dịch COVID-19 vừa qua khiến nhiều trẻ bị HIV vốn dễ bị tổn thương nay lại càng thu mình lại, đặc biệt là đối với những trẻ đang trong lứa tuổi vị thành niên. Tình trạng trẻ HIV bị trầm cảm, chống đối nhiều hơn, gây khó khăn cho điều trị.

Tác giả Kim Dung / VOV TP.HCM
15/06/2022 10:01

Đồng hành cùng trẻ HIV

Tuần vừa rồi, các bệnh nhi đang điều trị HIV tại phòng khám OPC khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM có một buổi sinh hoạt nhóm trong không khí vui vẻ, nhẹ nhàng. Đây là lần sinh hoạt trở lại của nhân viên xã hội với các bé kể từ khi giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 đến nay. Thành viên nhóm hầu hết đều là những trẻ ở độ tuổi vị thành niên.

Nỗi lo mới về trẻ bị HIV sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Buổi sinh hoạt của các bệnh nhi tại phòng khám OPC Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM

Em N.T.T, quê ở Bình Dương cho biết, khi em học lớp 4, mẹ đã quyết định nói cho em biết về bệnh tình của mình. Song người mẹ không biết phải thổ lộ với con như thế nào, nên nhờ bác sĩ tại phòng khám OPC khoa Nhiễm dành thời gian tâm sự với em. Với sự kiên trì, nhiệt tình của các y bác sĩ, nhân viên xã hội, T đã hiểu bệnh của mình và không bị sốc tâm lý.

Đến nay, T đã chuẩn bị bước sang lớp 12 và tham gia sinh hoạt nhóm để hòa đồng hơn, hỗ trợ thêm những người bạn mới: “Nhiều lúc con uống thuốc mà cũng không nghĩ là mình đang bị bệnh và lạc quan không nghĩ mình có bệnh đó trong người. Bình thường như người bình thường không có bệnh gì hết. Chỉ sợ nhiều lúc đi chơi lỡ có va chạm trầy xước thì sẽ dính máu tội người khác, vì mình không cố tình nhưng cũng không để gián tiếp lây cho người khác”.

Theo ThS.BS Vũ Thiên Ân, Phòng khám OPC Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, từ sau dịch COVID-19 đến nay, tỷ lệ trầm cảm của bệnh nhi HIV tăng lên, trẻ có tư tưởng bỏ uống thuốc, bỏ điều trị. Vì vậy, phòng khám đang tập hợp các trẻ vị thành niên, sinh hoạt nhóm để nhân viên xã hội tâm tình, tháo gỡ, giải đáp nhiều vấn đề riêng tư. Từ đó nhắc nhở, khuyến khích các bé uống thuốc trở lại đều đặn và sớm phát hiện các trường hợp bị trầm cảm để có phương án xử lý kịp thời.

Phát hiện muộn, nhiều trẻ nhiễm trùng cơ hội

Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện đang điều trị cho 326 trẻ HIV. Trong 5 tháng đầu năm 2022, bệnh viện chỉ tiếp nhận thêm khoảng 5 bệnh nhi mới, là các trẻ từ các tỉnh thành khác. Đáng nói, đây là những trẻ được phát hiện ở nội viện, tức là đang điều trị nội trú và phát hiện dương tính với HIV. Những trẻ này phần đông ở các tỉnh thành xa, không được xét nghiệm phát hiện sớm trong quá trình khi sinh đẻ, đến khi trẻ lớn, bị nhiễm trùng cơ hội thì cần phải điều trị đáp ứng thuốc tốt mới cho uống kháng HIV (ARV). Qua được giai đoạn này, trẻ sẽ uống thuốc, điều trị HIV bình thường như bệnh mãn tính, tuy nhiên, nếu không đáp ứng điều trị, trẻ sẽ không qua khỏi.

Nỗi lo mới về trẻ bị HIV sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Một bệnh nhi bị nhiễm nấm nghiêm trọng sau thời gian không tuân thủ uống thuốc điều trị HIV

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 2 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, sốt kéo dài do bị lao, viêm phổi nặng và đã được phát hiện HIV. Sau khi hội chẩn cùng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để điều trị lao, sau đó cho uống thuốc ARV, 2 bệnh nhi đã tạm ổn định và được cho điều trị ngoại trú.

Thế nhưng, một bệnh nhi sau khi trở về địa phương lại tiếp tục bị nhiễm trùng cơ hội lần thứ 2, cơ thể nổi hạch. Người mẹ giấu tình trạng bệnh của con mình và đến khi trẻ bệnh nặng mới đưa đến trạm xá địa phương rồi chuyển lên tuyến trên. Bệnh nhi đã kháng thuốc ARV, nhiễm trùng máu nghiêm trọng, vẫn đang trong tình trạng nguy hiểm.

BS Ân cho biết thêm, tình trạng nặng cũng có thể xảy ra ở những trẻ mà trước dịch COVID-19 đã có biểu hiện chống đối, không tuân thủ điều trị. Sau dịch, bé bỏ hẳn thuốc và bệnh tình trở nên nặng hơn. Vì vậy, thân nhân bệnh nhi có vai trò quyết định trong việc cho bé uống thuốc đều để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.

“Khi kháng thuốc rồi thì không có thuốc để thay như nước ngoài. Ở nước ngoài có đến 6-7 bậc, trong khi đó, nước mình chỉ mới bậc hai thôi bắt đầu vô bậc 3 và vẫn là thuốc tài trợ. Nếu thay thuốc thì phải sang Thái Lan mua, với giá rất đắt đỏ mỗi tháng vài chục triệu. Thứ 2, đối với trẻ vị thành niên thì phải theo sát tâm lý, đừng lo sợ bởi vì phụ huynh nhiều khi lo sợ, mặc cảm”, BS Vũ Thiên Ân nói.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), BS chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, tại đây vừa điều trị cho một bệnh nhi 11 tuổi (ngụ Lâm Đồng) bị nhiễm trùng cơ hội, nấm lan rộng toàn thân, đi khám nhiều nơi không khỏi nhưng người mẹ không nghĩ là nhiễm trùng do HIV. Đáng nói là trong thời gian dịch vừa qua, mẹ của bé lơ là trong việc giám sát bé uống thuốc ARV.

Nỗi lo mới về trẻ bị HIV sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Sau khi điều trị nhiễm trùng cơ hội, bệnh nhi được tiếp tục điều trị uống ARV

Cũng theo bác sĩ Quy, sau quá trình giãn cách xã hội vì COVID-19, có một số trường hợp bị HIV nhưng ngại đi khám bệnh nên phát hiện trễ, đặc biệt là nhóm trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục đồng giới. Một số trẻ chỉ khi bị nấm kéo dài, đi khám da liễu mới phát hiện bị HIV. Ngoài ra, nhiều trẻ ngán thuốc, có nguy cơ bỏ thuốc, có trẻ do cha mẹ qua đời hoặc trẻ trong trung tâm xã hội khi lớn thì muốn ra ngoài tự lập cuộc sống, đi làm và bỏ điều trị… Đây là những trăn trở, lo âu của các bác sĩ trước nguy cơ dang dở quá trình điều trị HIV của trẻ.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết: “Nhân viên y tế sẽ tăng cường giáo dục tuân thủ điều trị, chăm sóc, giáo dục về sức khỏe sinh sản, về giới tính, hướng nghiệp cho các em luôn. Chương trình này đã làm từ năm 2005 đến nay và có em đã có gia đình, sinh con bình thường. Những trẻ tuân thủ điều trị tốt thì kết quả giờ rất tốt, còn những em không tuân thủ thì bây giờ bị nhiễm trùng cơ hội”.

Dịch COVID-19 còn ảnh hưởng đến nhân sự trong mạng lưới chăm sóc HIV từ cơ sở, thậm chí nhiều nơi không có người đảm nhận nhiệm vụ này, nhất là tại các tỉnh. Vì vậy thời gian này, các bệnh viện tổ chức đào tạo, huấn luyện lại cho tuyến dưới, hội chẩn trực tuyến trong công tác chăm sóc điều trị cho bệnh nhi HIV.

Ý kiến của bạn