'Nói không đi đôi với làm', Taliban đang khiến thế giới hoài nghi về cam kết thay đổi?
Theo NBC, trong những tuần gần đây kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy những hành động đi ngược với cam kết của lực lượng này.
Taliban liệu đã thay đổi?
Taliban đã kiểm soát Afghanistan và khẳng định rằng lực lượng này sẽ trở thành tiếng nói chân thật và hợp pháp của người dân, đồng thời xây dựng hình ảnh về một chế độ đã thay đổi qua việc cam kết sẽ ân xá cho những người từng theo phe đối lập, thiết lập một chính phủ bao trùm, cho phép phụ nữ học tập và làm việc.
Trong nỗ lực để nhận được sự công nhận từ quốc tế, lực lượng Taliban tuần này đã đề cử một đại diện thường trực mới tại Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy những hành động đi ngược với cam kết của lực lượng này khi Taliban truy lùng những người từng đi theo chính quyền cũ, loại bỏ những người đối lập và buộc nhiều người dân Afghanistan tuân theo những quy định hà khắc của đạo Hồi.
Trong một thông báo ngày 20/9, Tổ chức Ân xá Quốc tế cảnh báo, trong khi Taliban "khắc họa với thế giới lực lượng này sẽ tôn trọng nhân quyền thì tình hình trên thực tế lại rất khác".
"Tình hình thực tế ở Afghanistan là một khoảnh khắc cần xem xét lại - khoảnh khắc mà những thành tựu về nhân quyền được người dân Afghanistan xây dựng trong 2 thập kỷ qua có nguy cơ sụp đổ", báo cáo trên cho hay.
Những vết lằn trên da của nhà báo Taqi Daryabi đã nói lên điều này.
Taqi Daryabi, 22 tuổi, cho biết trong khi anh đang đi đưa tin về một cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho phụ nữ ở Kabul vào tháng này thì bị các tay súng Taliban bắt giữ và đánh đập.
"Họ đánh tôi bằng roi da, dây điện và bất kỳ thứ gì họ có trong tay. Họ đánh tôi suốt 10 phút cho tới khi tôi không còn sức lực và ngất đi", Daryabi chia sẻ trên Twitter.
Daryabi chỉ là một trong danh sách ngày càng tăng những người mà Taliban cho là đe dọa đến tầm nhìn tương lai của lực lượng này.
Những hành động đi ngược lại cam kết
Hình ảnh các tay súng Taliban đánh đập người dân Afghanistan khi những người này đổ tới sân bay Kabul vào những tuần cuối cùng trước khi Mỹ rút quân đã hé lộ giải pháp giải tán đám đông của chính quyền mới. Nhiều người dân Afghanistan vẫn chưa hết ám ảnh về cuộc sống mà họ trải qua dưới thời Taliban. Từ năm 1996 - 2001, trong quá trình cai trị, Taliban đã thực hiện những quy định hà khắc, nhắm vào các cộng đồng thiểu số và bác bỏ gần như tất cả quyền lợi của phụ nữ.
Một báo cáo tình báo trình lên Liên Hợp Quốc cho biết Taliban đã gõ cửa từng nhà để truy tìm những người từng làm việc cho Mỹ hoặc chính quyền của cựu Tổng thống Ashraf Ghani.
Trước đó, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi lực lượng này chiếm được thủ đô Kabul rằng: "Khi nói về kinh nghiệm, sự trưởng thành và tầm nhìn, dĩ nhiên có sự khác biệt to lớn giữa chúng tôi của bây giờ so với cách đây 20 năm". Một quan chức Taliban thậm chí đã thông báo sẽ "ân xá" chung cho tất cả mọi người ở Afghanistan.
Các cựu quan chức dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Ghani, những người đã chạy trốn khỏi đất nước ngày 15/8, lại kể một câu chuyện rất khác khi cho biết họ bị Taliban săn lùng, bất chấp lời hứa ân xá mà lực lượng này đưa ra.
Trong khi Taliban khẳng định nhiều lần rằng phụ nữ và trẻ em gái sẽ được đối xử công bằng theo luật Shariah, hay Luật Hồi giáo thì thực tế lại hoàn toàn khác. Taliban đã giải tán nhiều cơ quan hoạt động vì quyền của phụ nữ ở Afghanistan và cáo buộc một số tổ chức lan truyền những tư tưởng đi ngược với đạo Hồi.
Taliban cũng tuyên bố sẽ thiết lập một chính quyền mạnh mẽ và hiệu quả vì phụ nữ theo luật Shariah nhưng hiện chưa rõ hoạt động cụ thể của nó sẽ như thế nào.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phụ nữ được yêu cầu ở nhà bởi Taliban cho biết các tay súng "không được huấn luyện về cách đối xử với phụ nữ". Tuần trước, Taliban đã làm dấy lên nhiều hoài nghi về cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ và trẻ em gái khi lực lượng này chỉ cho phép nam sinh trung học đến trường.
Ngoài ra, cũng có những người bị Taliban trừng phạt vì lực lượng này cho rằng họ không đủ điều kiện để được ân xá. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tháng trước cho biết, lực lượng Taliban ở Ghazni, Kandahar và một số tỉnh khác đã hành hình những binh lính, cảnh sát và dân thường bị bắt giữ có liên hệ với chính quyền cũ. Tuy nhiên, người phát ngôn của Taliban - Hashimi đã bác bỏ điều này, khẳng định rằng sau khi ân xá, lực lượng này chỉ giết người trong rất ít trường hợp. Những người bị nhắm tới này là những người Pashtun và Haraza có liên quan đến những tội không thể tha thứ, song người phát ngôn của Taliban không nêu cụ thể về các tội danh này. Lực lượng Taliban chủ yếu là người Pashtun.
Patricia Gossman, giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định, trong hàng ngũ của Taliban có những người muốn trả thù và giới lãnh đạo của lực lượng này cho phép họ làm điều đó bởi họ cần những người này và bởi họ muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng tới bất kỳ ai có ý định chống lại Taliban.
Tin nổi bật
Tin Video