Tin tức

Nỗi ám ảnh 'đeo bám' nạn nhân sau mỗi lần chịu bạo lực học đường

(VOVTV) - Khi bạn đang ngồi đọc những dòng chữ này thì đâu đó quanh chúng ta có những người đang trở thành nạn nhân của bạo lực học đường và vẫn chưa tìm ra lối thoát cho riêng mình.

Tác giả Nguyệt Hà / VOVTV
06/01/2021 17:04

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối bao lâu nay

Sẽ là không hề quá khi nói bạo lực học đường dường như đang trở thành "đam mê" của một bộ phận không nhỏ học sinh. Nhìn thấy ghét - đánh. Thiếu tiền - đánh. Nhìn đểu nhau - đánh. Trêu ghẹo nhau - đánh. Không cho chép bài - đánh. Không nghe lời đàn anh, đàn chị - đánh... 

Từ những lý do đơn giản đến phức tạp đều có thể trở thành nguyên nhân cho mỗi "nắm đấm". Đó là chưa kể đến muôn hình vạn trạng của bạo lực học đường, ngoài hành động ra thì còn có bắt nạt bằng lời nói (verbal bullying), bắt nạt bằng mối quan hệ xã hội (social bullying) và có một hình thức vô cùng phổ biến hiện nay nữa là bạo lực mạng (cyberbullying).

Nỗi ám ảnh 'đeo bám' học sinh sau mỗi lần chịu bạo lực học đường

Bạo lực học đường dưới nhiều hình thức. Ảnh: Internet

Đúng vậy, chúng ta đang bàn đến mảng tối trong lứa tuổi học trò hiện nay. Trong giai đoạn này, tâm lý của học sinh rất nhạy cảm, những hành động cho đến lời nói nặng nề đều khiến các bạn rất để tâm. Ở mức độ nhẹ nạn nhân bạo lực học đường sẽ thường trở nên lo sợ, rụt rè, thiếu tự tin còn nặng hơn sẽ là trầm cảm và đôi khi là tự tử.

1. Bạo lực học đường đã "hại" chúng mình như thế nào?

Mỗi ngày đến trường sẽ vui vẻ biết bao nếu chúng ta nhận được sự quan tâm của mọi người, tìm được "cạ cứng" nói chuyện hợp cạ, việc học hành thì luôn luôn thăng tiến. Nhưng đối với một số người thì sẽ không như vậy. Sẽ là nỗi "ám ảnh kinh hoàng" nếu mỗi ngày bạn đều nhận được chỉ là sự tổn thương đến từ người bạn cùng trang lứa với mình. 

Bạn L.T.M.T - học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội đã chia sẻ: "Nhớ lại thời học cấp 2 của mình, trong lớp có mấy bạn nữ là thành phần cá biệt trong lớp, thành tích học tập thì rất thấp nhưng lại rất hay đi bắt nạt người khác. Kiểm tra không cho chép bài cũng đánh, mình chăm chỉ học tập cũng bị gắn mác là chảnh rồi lôi kéo những người khác không chơi với mình."

Một chia sẻ khác từ người chứng kiến bạo lực học đường: "Chuyện này không xảy ra với mình nhưng mà lại xảy ra với bạn cùng lớp mình. Không rõ lý do ra sao nhưng bạn ấy là đối tượng công kích của đám con trai trong lớp. Ngày nào đến trường cũng bị mấy đứa con trai giấu đồ, nhổ nước bọt lên cặp, túm tóc, xịt lốp xe. Sự việc diễn ra trong một thời gian dài nhưng chẳng ai dám đến can ngăn vì sợ liên lụy. Mãi cho đến khi bạn ấy chuyển trường. Điều duy nhất mà mình còn nhớ về bạn ấy là sau những lần bị bắt nạt bạn ấy rất mạnh mẽ không hề khóc dù là con gái ".

Nỗi ám ảnh 'đeo bám' học sinh sau mỗi lần chịu bạo lực học đường

Nỗi "ám ảnh kinh hoàng" từ những người bạn đồng trang lứa. Ảnh: Internet

"Mình cảm thấy căng thẳng mỗi khi đến trường bởi sẽ đối diện với những con người xấu xa đó. Mỗi sáng thức dậy mình nghĩ đến việc đi học là mình sợ hãi. Đến trường không có ai chơi cùng, học tập thì cứ bị quấy rầy, làm phiền. Lúc đó mình chỉ mong lớn thật nhanh để chẳng phải đi học nữa". Lời tâm sự của bạn N.T.K.M có lẽ cũng không phải là một trường hợp hiếm gặp.

Việc bị bạn bè bắt nạt đã biến quãng đời học sinh của H.T.D thành chuỗi ngày sống trong bất an. "Năm ấy, mình là một trong những đứa đầu tiên sở hữu máy tính cầm tay khá hiện đại. Bạn ngồi cùng bàn mình nhiều lần mượn để làm trò ma trận gì đó, thậm chí những lúc mình cần bạn ấy cũng không trả. Một lần đó, mình đã lớn tiếng trách cứ khiến bạn nam này khó chịu và đấm vào mặt mình không chỉ thế mà còn ném vỡ mất chiếc máy tính khiến mình vô cùng xót. Sau đó, bạn ấy phải viết tường trình và xin lỗi mình, dù vậy thái độ bạn nam kia cũng không hối lỗi lắm."

Còn vô vàn những câu chuyện như vậy xảy ra từng phút từng giờ xung quanh chúng ta. Đối với người ngoài cuộc đó chỉ là những câu nói vu vơ, những hành động trong thoáng chốc nhưng với nạn nhân thì câu chuyện sẽ chẳng dừng lại ở đó mà trở thành "bóng ma" đeo bám mãi không thôi. Bản chất của bạo lực học đường là sự việc xảy ra trong nháy mắt nhưng hậu quả lưu mãi về sau. Thử nghĩ xem, bỗng một ngày bạn nhận được một cú tát giáng trời, một cú đánh đau đớn vì một lý do trời hơi đất hỡi nào đó, mọi người xung quanh thì túm lại bàn tán, chỉ trỏ. Chắc hẳn, để vượt qua ký ức ấy còn khó khăn chưa nói gì đến việc quên đi.

Nỗi ám ảnh 'đeo bám' học sinh sau mỗi lần chịu bạo lực học đường

Nhiều học sinh cảm thấy sợ hãi, căng thẳng khi đến trường. Ảnh: Internet

Hãy nhớ rằng tư tưởng và tâm hồn của các bạn học sinh cấp 3 còn quá non nớt để chống chọi lại sự khắc nhiệt như vậy, nhất là khi nó còn đến từ các bạn gần gũi với mình. Mượn lời của một bạn học sinh đã chia sẻ: "Em cảm thấy khó hiểu tại sao trong rất nhiều người duy chỉ có em là bị bắt nạt, em đã làm sai điều gì sao?". Có thể thấy sau mỗi lần bị bắt nạt là sự hoài nghi và phủ nhận bản thân của chính nạn nhân, sẽ không hào hứng khi được học môn yêu thích, sẽ không vui vẻ khi được gặp bạn bè, sẽ không hồi hộp khi đón nhận thành tích nữa. Điều còn lại sau đó, chỉ là một "bóng ma" bao trùm mà không ai thế cứu lấy ngoài chính bản thân mình. 

2. Còn lại gì sau mỗi lần chịu bạo lực học đường

Sau mỗi vụ việc, gia đình và nạn nhân sẽ nhận được lời xin lỗi và lời hứa sẽ xử lý ổn thỏa từ phía nhà trường và giáo viên. Còn học sinh gây bạo lực sẽ viết bản kiểm điểm mang tính khá "hình thức", nhẹ thì kỷ luật còn nặng thì nghỉ học. Đó là mẫu số chung cho mỗi lần giải quyết việc bạo lực học đường, nhưng liệu đã phải là giải pháp tối ưu nhất chưa? Với tâm lý lo sợ, hàng đêm trong đầu các em học sinh lại nhớ về những cú đánh, cú đấm thì chắc hẳn câu trả lời sẽ là không.

Còn chưa kể đến việc, xử lý nhưng có cũng như không, hay xử lý ổn thỏa với người gây hại nhưng bất ổn thỏa với người bị hại. 

Mới đây, vụ việc nữ sinh bị nhóm người đánh hội đồng tại quận Hà Đông rồi tung clip lên MXH khiến nhiều người hoang mang. Khoan nói đến lý do của vụ đánh nhau là gì, người ta thực sự sốc và tự hỏi trước tính răn đe của giáo dục về xử lý vi phạm cũng như hối lỗi từ đại diện người gây ra vụ việc. Để rồi phải chính bố đẻ của nạn nhân phải lên tiếng nhờ đến tiếng nói của cộng đồng, sự giúp sức của cơ quan báo chí thì mới kiến nghị cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra. 

3. Đánh bại "bóng ma" bạo lực học đường như thế nào?

Muốn dừng hẳn việc bị bắt nạt ngay lập tức không phải là điều ngày một ngày hai dù ngày nay đã có nhiều chiến dịch được phát động nhằm khuyến khích mọi người dừng việc làm này lại. Điều quan trọng ở đây là sự thay đổi trong nhận thức và tư duy của mỗi người. Đừng coi đó là việc gì quá lớn lao, hãy bắt đầu từ những bước cơ bản nhất.

Nỗi ám ảnh 'đeo bám' học sinh sau mỗi lần chịu bạo lực học đường

Đánh bại "bóng ma" bạo lực học đường. Ảnh: Internet

Thoát khỏi việc bị bắt nạt đương nhiên vẫn sẽ là một quá trình dài. "Mình học cách bình tĩnh hơn để nhìn nhận sự việc từ việc bị ghét đến bị bắt nạt. Việc của mình là học tập và quan tâm với những người quan tâm mình. Theo thời gian mình biết cách bảo vệ bản thân hơn", một học sinh tên H.V cho hay.

H.V chia sẻ thêm: "Đôi khi chỉ muốn òa khóc lên thật to và trách tại sao chuyện này lại xảy ra với mình. Nhưng dần dần không biết từ đâu mình cũng học được cách lớn lên, mạnh mẽ lên và yêu thương bản thân hơn".

Tự tin là chìa khóa 

Để vượt qua dư chấn khi bị bắt nạt, điều quan trọng nhất là tập trung vào những điều tốt đẹp hiện tại, vạch ra những giới hạn để việc này không tái diễn, và tập cách yêu bản thân, mỗi ngày. Đôi khi, quá yếu đuối, nhút nhát cũng vô tình đẩy bạn rơi vào tầm ngắm của kẻ ưa bạo lực. Để cảnh báo những thành phần gây rối, bạn trẻ cần tỏ ra tự tin, ngẩng cao đầu, nhìn thằng vào mắt đối phương. Đừng im lặng, hãy đáp lại một cách ngắn gọn, dứt khoát. Trốn tránh có thể là một cách xử lý đúng đắn, nhưng không có hiệu quả lâu dài. 

Chia sẻ câu chuyện

Nếu bị bắt nạt, bạn nên chia sẻ với người mình tin tưởng và giữ bình tĩnh để nghĩ hướng đối phó phù hợp. Cách nhanh nhất để giải quyết vấn đề là báo cho cha mẹ, thầy cô, hay thậm chí là cảnh sát. Dùng uy lực của người lớn để trấn áp bạo lực là phương pháp xử lý hữu hiệu và nhanh chóng.

Đối diện với kẻ thù 

Đối diện với kẻ bạo lực bạn không nên lấy ác trị ác mà thay vào đó hãy hóa giải bằng lời nói bằng cảm xúc. Đôi khi cách tốt nhất để ngưng hành động bắt nạt là tăng sự đồng cảm, giúp người bắt nạt hiểu nếu bị cô lập thì cảm xúc của họ sẽ thế nào. 

Ý kiến của bạn