Ninh Thuận đón Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa
(VOVTV) - Ngày 14/4, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa của UNESCO và Bằng xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Vịnh Vĩnh Hy của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa có tổng diện tích 106.646 ha, hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển, bán sa mạc. Đây là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa là “ngôi nhà chung” của hơn 2.200 loài thực vật và động vật, trong đó có 100 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN).
Ngoài ra, với ưu thế sở hữu 40km đường biển bao quanh, Núi Chúa là nơi có rạn san hô ven bờ lớn nhất Việt Nam với trên 350 loài và hàng trăm loài động vật biển. Đặc biệt, Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi xuất hiện nhiều loài động vật quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như: rùa biển, voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc…
Nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa còn có Vịnh Vĩnh Hy, là một trong tám vịnh đẹp nhất Việt Nam được xếp hạng là danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Ngày 7/1/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 44 về việc xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Vịnh Vĩnh Hy thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Vịnh Vĩnh Hy được công nhận sẽ góp phần quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và văn hóa bản địa của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và của Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế.
Ông Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển (MAB Việt Nam) cho biết: "Núi Chúa là một trong 11 khu sinh quyển thế giới tại Việt Nam, nhưng mà trên bình diện toàn thế giới gồm 727 khu sinh quyển trên toàn thế giới có mặt tại 5 châu lục với 131 quốc gia.
Nên khi định ra một chiến lược phát triển con người và sinh quyển và cũng như kế hoạch hành động Lima của UNESCO thì câu duy nhất và nhớ nhất là mỗi một khu sinh quyển là một mô hình cho phát triển bền vững".