Những yếu tố có thể đẩy giá vàng vượt kỷ lục mọi thời đại vào năm 2024
Giá vàng trên đà tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2024 nhờ lãi suất giảm dần cùng với mối lo ngại về suy thoái kinh tế đã củng cố vai trò của vàng là một tài sản trú ẩn an toàn.
Giá vàng giao ngay chạm mức cao kỷ lục trong ngày là 2.072,5 USD/ounce vào ngày 7/8/2020. Kênh truyền hình chuyên về kinh tế CNBC của Mỹ đã lấy ý kiến của một số nhà phân tích cho rằng giá vàng có thể vượt xa kỷ lục của mọi thời đại trong thời gian sắp tới.
Ông Bart Melek, Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại công ty dịch vụ tài chính TD Securities, cho biết: “Tôi thực sự cho rằng vàng sẽ đi qua mốc 2.100 USD vào cuối năm 2023, đầu năm 2024”.
Chuyên gia này đã bày tỏ sự lạc quan về giá vàng dựa trên khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thay đổi chính sách tăng lãi suất hiện nay, thậm chí là trước khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Fed bắt đầu tăng lãi suất đều đặn kể từ tháng 3/2022, khi lạm phát tăng ở Mỹ lên mức cao nhất trong 40 năm. Trong vòng chưa đầy hai năm, Fed đã tăng lãi suất cho vay lên mức 5,25% - 5,5%.
Ông Melek viết trong một báo cáo gần đây rằng vàng đã vượt trội so với hầu hết các loại tài sản lớn khác trong 12 tháng qua, nhờ vào khả năng của kim loại quý này trong việc chống lại lãi suất tăng cùng với tiềm năng như một tài sản trú ẩn an toàn trước lạm phát.
Nỗi lo suy thoái
Vàng giao ngay được giao dịch lúc chốt phiên ngày 10/8 ở mức 1.912,26 USD/ounce.
Một số nhà phân tích đặc biệt lạc quan về vàng và đã đưa ra mức giá kỷ lục 2.500 USD vào cuối năm tới - cao hơn 26% so với mức hiện tại.
Ông David Neuhauser, người sáng lập công ty đầu tư Livermore Partners cho biết: “Mục tiêu của tôi là 2.500 USD vào cuối năm 2024… Phần lớn là do thực tế rằng các yếu tố suy thoái có thể bắt đầu ảnh hưởng vào cuối năm nay và giá vàng sẽ tăng lên vào năm 2024. Năm 2024 là lúc vàng bứt phá và đạt những đỉnh cao mới và hơn thế nữa”.
Ông Neuhauser dự đoán tình trạng “lạm phát đình trệ” sẽ tiếp tục tồn tại trong nền kinh tế toàn cầu trong vài năm tới khi lạm phát giảm xuống từ 3% đến 5%.
Vàng có xu hướng hoạt động tốt trong các thời kỳ kinh tế bất ổn như suy thoái và lạm phát do nó là một kho lưu trữ giá trị đáng tin cậy và thường được sử dụng như một hàng rào chống lại lạm phát.
Giám đốc điều hành của tập đoàn khai khoáng Wheaton Precious Metals, ông Randy Smallwood cũng đồng quan điểm: “Tôi khá tự tin rằng trong vòng vài năm nữa, chúng ta sẽ chứng kiến giá vàng cán mốc 2.500 USD”.
Ông khẳng định bất kỳ động thái suy thoái nào cũng sẽ có lợi cho vàng. Ông đồng thời nhận thấy dấu hiệu về sự yếu kém trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Ngân hàng UOB cũng dự báo giá vàng sẽ lập kỷ lục mới, nhưng phải đến nửa cuối năm 2024.
Ông Heng Koon How, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường, kinh tế toàn cầu và nghiên cứu thị trường của UOB giải thích: “Động lực chính trong triển vọng tích cực của chúng tôi về việc giá vàng leo đỉnh là chu kỳ tăng lãi suất của Fed cũng như sự suy giảm sức mạnh của đồng đô la Mỹ”.
Ông tin rằng vàng sẽ được giao dịch cao hơn khi lãi suất ngừng tăng và đồng bạc xanh giảm giá. Giá vàng có xu hướng có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất.
Khi lãi suất tăng, nhu cầu về vàng giảm xuống, trong khi các khoản đầu tư thay thế như trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn và mang lại lợi nhuận tốt hơn.
Lạm phát của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất hàng năm trong hơn hai năm vào tháng 6 vừa qua, chỉ tăng 0,2% trên cơ sở hàng tháng. Tháng 7, Fed đã thông qua một đợt tăng lãi suất như đã được dự đoán trước, nâng chi phí đi vay lên mức cao nhất trong hơn 22 năm.
Nhu cầu tiêu dùng cao hơn
Chuyên gia Heng tại ngân hàng UOB chỉ ra rằng các ngân hàng trung ương đã liên tục mua vàng dự trự, cùng với nhu cầu của người tiêu dùng đối với kim loại quý này.
Ông Heng cho biết: “Chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu trang sức bằng vàng từ Trung Quốc và Ấn Độ quay trở lại khi cả hai nền kinh tế đều ổn định và chi tiêu bán lẻ tăng trở lại".
Ngân hàng Citibank cho biết trong một báo cáo tháng 7 rằng nhu cầu vàng bán lẻ của Trung Quốc đã phục hồi vào năm 2023 ngay cả khi mức tiêu thụ các mặt hàng khác vẫn yếu.
Nhu cầu trang sức vàng trong quý đầu tiên ở Trung Quốc xấp xỉ 200 tấn, là đợt tăng mạnh nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2015. Citi dự kiến nhu cầu trang sức từ Trung Quốc sẽ tăng hơn 700 tấn trong năm nay, đánh dấu mức tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Giám đốc tập đoàn Wheaton nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng và bán lẻ đã tăng lên. “Cho dù là đồ trang sức, vàng thỏi hay đồng tiền vàng, chúng tôi đã thấy một sự đón đầu trong đó”, ông lưu ý.
Trưởng bộ phận Chiến lược Nicky Shiels tại công ty kim loại quý MKS PAMP cho hay nhu cầu vàng vật chất ở một số khu vực đã quay trở lại, cùng lúc đó, nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương vẫn mạnh mẽ.
Xu hướng đó là do các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi tiếp tục phi đô la hóa và sử dụng vàng như một giải pháp thay thế trong trường hợp có thêm bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây.
Các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) - cụ thể là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - cũng đang xem xét chuyển từ đồng đô la Mỹ sang một loại tiền tệ mới được hỗ trợ bởi vàng.