Lăng kính

Những trận động đất kinh hoàng nhất lịch sử

(VOVTV) - Thế giới từng chứng kiến nhiều trận động đất rất lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Dưới đây là tổng hợp những trận động đất kinh hoàng nhất lịch sử.

Tác giả Lương Trang, Hải Linh / VOVTV
07/02/2023 18:52

Ấn Độ: 26/1/2001 – độ lớn 7,9

Ngày 26/1/2001, tại bang Gujarat, tây bắc Ấn Độ đã xảy ra trận động đất 7,7 độ richte, làm hơn 20.000 người thiệt mạng, 150.000 người bị thương san phẳng hơn 1.00.000 tòa nhà, khiến hàng trăm nghìn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Một năm sau đó, nhiều người vẫn phải sống trong các căn lều tạm.

Indonesia: 26/12/2004 – độ lớn 9,1

Ngày 26/12/2004, trận động đất dữ dội 9,1 độ richte đã xảy ra lúc 7h59 phút sáng giờ địa phương ngoài khơi đảo Sumatra, Tây Indonesia. Động đất gây sóng thần cao tới 9 mét đổ vào bờ biển, cướp đi sinh mạng của ít nhất 225.000 người ở các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương, trong đó, Indonesia thiệt hại nhiều người nhất, có con số ước tính lên tới 200.000 người. Hàng nghìn du khách nước ngoài đang đi nghỉ ở khu vực này đã được báo cáo chết hoặc mất tích.

Pakistan: 8/10/2005 – độ lớn 7,6

Xảy ra vào ngày 8/10/2005, trận động đất 7,6 độ richte đã làm rung chuyển miền Bắc Pakistan và khu vực tranh chấp Kashmir, cướp đi mạng sống của 79.000 người và khiến 3,5 triệu người mất nhà cửa.

Indonesia: 27/5/2006 – độ lớn 6,4

Ngày 27/5/2006, hơn 4.000 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương sau khi một trận động đất mạnh xảy ra gần thành phố Yogyakarta, đảo Java của Indonesia.

Trong chưa đầy một phút, hầu như toàn bộ thành phố Yogyakarta đều sụp đổ, hàng ngàn người bị chôn vùi bên dưới đống đổ nát. Cầu, đường xá đều bị phá hủy khiến nỗ lực cứu hộ và đưa người bị thương đến bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Điện, đường dây điện thoại cũng bị ngắt khiến cho khu vực này bị cô lập hoàn toàn.

Trung Quốc: 12/5/2008 – độ lớn 7,8

Ngày 12/5/2008, tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, trận động đất 7,8 độ richte đã phá hủy hàng triệu công trình dân sinh và xã hội, gây cháy nổ tại nhiều nhà xưởng và ít nhất là 1 bệnh viện, làm chết gần 70.000 người, và khiến 10 triệu người mất nhà cửa. Thảm họa động đất gây ra thiệt hại ước tính 86 tỷ USD.

Haiti: 12/1/2010 – độ lớn 7

Ngày 12/1/2010, chỉ kéo dài trong 55 giây đồng hồ, thảm họa động đất kinh hoàng tại Haiti đã phá hủy gần như toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng và nhà dân ở thủ đô Port-Au-Prince. Ước tính 100.000 đến khoảng 200.000 người thiệt mạng, và khoảng 1,5 triệu người mất nhà ở. Trận động đất còn để lại một hậu quả lâu dài hơn là khiến khoảng 4.000-6.000 người dân Haiti bị tàn tật vĩnh viễn và cho đến nay họ vẫn đang chật vật để khôi phục lại cuộc sống của mình.

Nhật Bản: 11/3/2011 – độ lớn 9

Ngày 11/3/2011, trận động đất có cường độ 9 độ richte xảy ra ở ngoài khơi đông bắc Nhật Bản, với vùng tâm chấn dài khoảng 500km và rộng 200km đã gây sóng thần lớn đổ vào bờ, gây ra sự cố lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, gây rò rỉ phóng xạ khiến nước Nhật phải đối mặt với sự cố hạt nhân chưa từng có.

Trận động đất và sóng thần kinh hoàng này đã cướp đi sinh mạng của 18.500 người, bao gồm cả người mất tích và được cho là đã chết, chủ yếu tại 3 tỉnh đông bắc ven bờ Thái Bình Dương Iwate, Miyagi và Fukushima. Hơn 100.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại một phần do động đất và sóng thần. Nhiều năm sau, nhiều người dân mới có thể trở về nhà trong vùng bị ảnh hưởng của phóng xạ.

Nepal: 25/4/2015 – độ lớn 7,6

Ngày 25/4/2015, trận động đất mạnh có độ lớn 7,6 độ rích te xảy ra tại Nepal, với những đợt rung chấn mạnh ở khắp nước này và ảnh hưởng đến các nước láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan, làm 9.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Động đất đã làm sụp đổ hơn 600.000 tòa nhà, ngôi đền và các công trình kiến trúc cổ ở thủ đô Kathmandu và nhiều địa phương của Nepal. Đây được xem là trận động đất mạnh nhất ở Nepal trong hơn 80 năm qua.

Indonesia: 28/9/2018 – độ lớn 7,5

Thành phố Palu nằm trên đảo Sulawesi của Indonesia đã bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất có độ lớn 7,5 và cơn sóng thần vào ngày 28/9/2018.

Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ Indonesia, thảm họa nói trên đã khiến 4.300 người chết và mất tích, trong khi đó, gần 60.000 người vẫn phải sống trong các khu nhà tạm, nhiều trường học vẫn chưa thể mở cửa trở lại.

Lực tác động từ cơn địa chấn đã gây ra hiện tượng hóa lỏng đất, khiến mặt đất ở Palu hóa bùn và sụt lún, "nuốt chửng" hàng nghìn ngôi nhà và các tài sản khác. Thảm họa cũng phá hủy nhiều tàu đánh cá, các cửa hàng và hệ thống tưới tiêu, cướp đi kế sinh nhai của người dân địa phương.

Thổ Nhĩ Kỳ: 6/2/2023 – độ lớn 7,8

Mới nhất, một trận động đất có độ lớn 7,8 độ ríchte xảy ra đã xảy ra hôm nay 6/2 ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tới chiều cùng ngày, con số cập nhật cho biết đã có hơn 600 người thiệt mạng và đang không ngừng tăng lên, tính cả ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Sirya.

Trong các video lan truyền trên mạng xã hội, các tòa nhà ở nhiều thành phố miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ bị hư hỏng nặng. Đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ phát những hình ảnh cho thấy lực lượng cứu hộ đang khẩn trương đào bới các đống đổ nát ở Kahramanmaras và Gaziantep. Kênh truyền hình CNN Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin rung chấn có thể cảm nhận được miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ và thủ đô Ankara.

Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích trong các đống đổ nát trong điều kiện thời tiết lạnh giá của mùa Đông và có mưa lớn.

Trong phát biểu trên truyền hình, lãnh đạo Cơ quan ứng phó thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), Orhan Tatar, cho biết nhiều tòa nhà đã bị phá hủy, kêu gọi người dân tránh xa những tòa nhà này. Đây được cho là trận động đất mạnh nhất từng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong thế kỷ qua, ảnh hưởng tới nhiều vùng vốn đang tiếp nhận hàng triệu người di cư từ Syria và nhiều vùng chiến sự khác.

Các chuyên gia lo ngại thiệt hại nghiêm trọng lan rộng vì đây là khu vực thường ghi nhận những trận động đất mạnh.


Ý kiến của bạn