Những tấm lòng nhân ái sau tay lái
Các tài xế Vô lăng vàng luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, thể hiện trách nhiệm với xã hội qua mỗi hành động của mình.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và ông Trần Minh Hùng, Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói VN trao giải thưởng cho các tài xế đạt giải Vô lăng Vàng. Ảnh: Tạ Hải
Chở miễn phí học sinh nghèo đến trường
Nhiều năm nay, những em nhỏ tại các trường Tiểu học và THCS miền núi Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La có người đồng hành tin cậy mỗi khi đến trường. Bởi ở đó, những lái xe của Công ty CP Xe khách số I Sơn La luôn chung sức sẻ chia với những em học sinh nghèo bằng việc chở miễn phí các em đến trường.
Nhiệt huyết, cởi mở là cảm nhận của chúng tôi khi trò chuyện cùng anh Nguyễn Hữu Châu (Công ty CP Xe khách số 1 Sơn La), lái xe đã từng nhiều năm được nhận giải thưởng Vô lăng Vàng.
Dù lái xe kiếm tiền sinh sống, bản thân anh và các lái xe khác phải góp cổ phần vào công ty. Anh chia sẻ, việc chở miễn phí các em học sinh dù ảnh hưởng đến doanh thu, nhưng anh và các đồng nghiệp không đành lòng nhìn các em đi bộ đến trường trong cảnh mưa rét và vì thế có nhiều em đã bỏ học.
Gần 20 năm gắn bó với nghề, anh Châu không thể nhớ hết mình chở miễn phí bao nhiêu em học sinh nghèo đến trường.
“Năm 2015, tôi bắt đầu chạy xe tuyến tuyến Sơn La - Sông Mã. Cũng từ đó, tôi thấy học sinh các bản trong xã Phiêng Ban đi bộ đến trường với khoảng cách gần 10km. Thương bọn trẻ nên tôi mời chúng lên xe cho đi nhờ, miễn tiền vé.
Sau đó, các lái xe khác trong tuyến của tôi cũng bắt đầu cho học sinh đi nhờ xe. Ban đầu các em còn khá ngại ngùng, nhưng lâu dần, thấy sự nhiệt tình của nhà xe, các em đã tin tưởng rủ nhau lên xe”, anh Châu nói.
Sẵn sàng chia sẻ, dù còn khó khăn
Tài xế Lê Viết Tuấn, Công ty TNHH MTV Mai Linh Thái Nguyên luôn kiệm lời và khiêm nhường khi nói về mình. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Tuấn cho rằng, trong đơn vị cũng còn nhiều tấm gương tài xế xứng đáng được trao giải Vô lăng Vàng hơn mình.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, không ít lần biết những hành khách trong túi không có tiền, nhưng nghe câu chuyện của họ, anh Tuấn không nỡ đòi tiền, dù đó là mồ hôi, công sức, tiền bạc của cá nhân mình. Qua câu chuyện được biết, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, vợ anh không may bị tai nạn lao động mất 91% sức khỏe. Một mình anh phải cáng đáng nuôi hai người con, cháu lớn đang học đại học ở Hà Nội và cháu nhỏ đang học THPT.
“Thu nhập từ nghề tài xế phải co kéo mới đủ trang trải cuộc sống gia đình nhưng khi gặp những khách hàng đi viện, mình tự bỏ tiền túi hỗ trợ những bệnh nhân nghèo, sinh viên khi họ không có tiền đi xe hay những trường gặp tai nạn mình đưa vào bệnh viện vấp cứu kịp thời mà không lấy tiền xe.
Mọi người vào hoàn cảnh đó đều sẽ làm vậy. Đáng nhớ nhất là vào năm ngoái, một khách nữ không may rơi dây chuyền trị giá cả chục triệu đồng trên xe. Qua tổng đài, tôi nhờ trả lại cho nữ hành khách. Lúc đó tôi có thể chối rằng không có chuyện rơi đồ trên xe, nhưng người ta mất đồ cũng như mình mất thôi”, anh Tuấn chia sẻ.
Thể hiện trách nhiệm với xã hội qua mỗi hành động
Nhớ lại vụ việc chuyến xe chở nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào TP HCM, anh Dương Hoàng Hóa, lái xe taxi Vinasun cho biết, khoảng 13h chiều 30/7/2020, khi đang điều khiển xe chạy trên đường Nguyễn Cơ Thạch, quận 2 thì gặp 4 thanh niên người nước ngoài vẫy xe.
“Giải thưởng Vô lăng Vàng đã xuất hiện nhiều tài xế có nghĩa cử cao đẹp, tham gia giúp đỡ cộng đồng của tài xế trong quá trình điều khiển phương tiện.
Thực tế cho thấy, số lượng lái xe kinh doanh vận tải khá lớn, song, không phải tài xế nào cũng sẵn sàng giúp đỡ những người gặp TNGT hay gặp nguy hiểm trên đường bởi tâm lý e ngại, sợ vạ lây hoặc xuất phát từ một lý do nào đó.
Thời gian tới, cơ quan chức năng cần tìm kiếm và có hình thức biểu dương nhiều hơn nữa đối với các tài xế có tấm lòng cao cả; tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa những tấm gương lái xe cần mẫn, tốt bụng để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Bà Kiều Thị Diễm, Phó vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT”
Sau khi lên xe, một trong những thanh niên này chỉ bản đồ và yêu cầu anh lái xe tới chung cư Sadora, phường Thủ Thiêm, quận 2.
Điểm bất thường xuất hiện ngay sau khi lên xe, họ chỉ nói với nhau rất ít, chỉ khoảng 2-3 câu bằng tiếng Trung Quốc.
Đến địa điểm yêu cầu, anh có ý định trả khách ở sảnh trung tâm của chung cư, nhóm người không đồng ý và một mực yêu cầu cho ra đường ven kênh gần đó.
Bước xuống xe, họ không đi ở đường ven kênh chính mà lập tức xuống dưới đường nhỏ (sát mép hồ), vừa đi vừa nhìn trước, ngó sau với thái độ rất mập mờ.
Thời điểm ấy, anh bắt đầu nảy sinh nghi ngờ và nhớ đến thông tin xuất hiện trên radio trước đó thông báo về việc có 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Lập tức, anh chạy đến chốt bảo vệ kể lại câu chuyện và cùng đi tìm nhóm người này, sau đó phát hiện 4 người tách ra nhiều hướng, chạy trong rừng cỏ um tùm.
Nhận thấy sự bất ổn, cùng nhóm bảo vệ, anh nhanh chóng liên lạc với cảnh sát. Công an quận 2 cũng xuống hiện trường chỉ đạo tổ chức khoanh vùng và tóm gọn nhóm người Trung Quốc sau hơn một tiếng truy đuổi, đưa về khu cách ly tập trung.
Sau đó, anh cũng theo cơ quan chức năng về khu cách ly và liên lạc luôn với vợ báo về việc có thể vào khu cách ly 14 ngày để vợ chủ động công việc gia đình, con cái.
“Tuy nhiên, tôi được lực lượng y tế hướng dẫn về nhà tự thực hiện các biện pháp tránh dịch trong vòng 5 ngày. Trong khoảng thời gian đó, nếu kết quả xét nghiệm của nhóm người Trung Quốc là dương tính với Covid-19, tôi mới phải đến khu cách ly. May thay, mọi việc suôn sẻ.
Những thanh niên Trung Quốc kia dù không nhiễm dịch, song, tôi thấy rất hạnh phúc vì góp được chút công sức, cùng cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời những người nhập cảnh trái phép, có thể mang mầm bệnh vào Việt Nam”, anh Hóa nói và chia sẻ, từ đó đến nay, anh lại càng có thêm động lực để làm tốt công việc hiện tại.