Thế giới

Những sự thật về lịch sử về Chiến tranh thế giới lần thứ II

Hiện nay, một số nước phương Tây đẩy mạnh chiến dịch xuyên tạc lịch sử, biến Liên Xô từ quốc gia đóng vai trò quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II thành “quốc gia xâm lược” châu Âu.

04/11/2020 15:12

Để bảo vệ chính nghĩa, chúng ta cần đi sâu nghiên cứu làm rõ giá trị thắng lợi của cuộc chiến đối với hòa bình thế giới.

Khái lược về chiến dịch xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II

Những sự thật về lịch sử về Chiến tranh thế giới lần thứ II  - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Lễ tưởng niệm 80 năm Ngày nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ II (01/9/1939 - 01/9/2019) được tổ chức tại thủ đô Warszawa, Ba Lan với sự hiện diện của gần 250 nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp của 40 nước, nhưng Liên bang Nga (quốc gia kế thừa vị thế của Liên Xô) lại không được nước chủ nhà mời tham dự. Giải thích về sự việc này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan, Shimon Shinkovsky Vel Senka cho biết, sở dĩ Nga không được mời là bởi các nước tham dự sự kiện này được chọn theo các tiêu chí dựa trên “sự thật lịch sử”. Vậy “sự thật lịch sử” ở đây là gì? Phải chăng đang có “một sự thật lịch sử khác”(!?) ngoài sự thật đã được thế giới công nhận cách đây 75 năm?

Tại lễ tưởng niệm này, tất cả đại biểu tham dự không hề nhắc đến vai trò và đóng góp có ý nghĩa quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến tiêu diệt chủ nghĩa phát xít ở châu Âu và chủ nghĩa quân phiệt ở châu Á. Những năm gần đây, một số nước phương Tây mượn cớ Liên Xô ký với Đức Hiệp ước Molotov-Ribbentrov vào ngày 23/8/1939 không tấn công lẫn nhau để cáo buộc Liên Xô “cấu kết với Đức gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ II”. Thực tế lịch sử đã hoàn toàn bác bỏ cáo buộc đó, bởi tại thời điểm này, Đức cũng đã ký hiệp ước riêng với nhiều nước ở châu Âu: với Ba Lan Hiệp ước không tấn công lẫn nhau; với Anh Hiệp ước cho phép xây dựng Hạm đội hải quân mà quốc gia này bị cấm theo Hiệp ước Versailles; chung với Anh, Pháp và Italia Hiệp ước Munich buộc Tiệp Khắc phải cắt tỉnh Sudetenland cho nước Đức, v.v. Vậy mà, một số nước châu Âu cố tình “quên” lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II, đập phá các tượng đài kỷ niệm chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã từng anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt. Thậm chí, có quốc gia châu Âu còn truy tặng các phần tử dân tộc cực đoan đã từng chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức chống lại Hồng quân Liên Xô là “anh hùng dân tộc” và coi Liên Xô là “quốc gia xâm lược châu Âu” trong Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Trên thực tế, Mỹ đứng đầu các nước phương Tây đã từng tiến hành chiến dịch xuyên tạc vai trò của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ II ngay sau khi cuộc chiến này kết thúc vào năm 1945 và coi đó là một trong những biện pháp quan trọng của chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm làm tan rã Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ đẩy mạnh chiến dịch này với nhiều chiêu trò mới. Mục đích của chiến dịch xuyên tạc này là biến Liên Xô từ “quốc gia giải phóng” châu Âu thành “quốc gia xâm lược” châu lục này. Từ đó, lôi kéo các nước thuộc châu Âu, các nước hậu Xô viết và một số nước trên thế giới hình thành mặt trận rộng rãi chống lại Liên bang Nga. Bởi họ cho rằng, ngày nay Moscow là “cản trở lớn nhất” đối với tham vọng của một số thế lực muốn tiếp tục duy trì quyền bá chủ thế giới. Tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich năm 2007, Tổng thống V. Putin - nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới chính thức tuyên bố phản đối tham vọng đó và nhấn mạnh chủ trương của Nga xây dựng một trật tự thế giới mới, trong đó các quốc gia dù “mạnh” hay “yếu”, “lớn” hay “nhỏ”, giàu hay nghèo,... đều phải được bình đẳng và tôn trọng như nhau.

Nhìn lại nguyên nhân dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ II

Những sự thật về lịch sử về Chiến tranh thế giới lần thứ II  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Theo Tổng thống V. Putin, nguyên nhân đầu tiên và cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ II xuất phát từ Hiệp ước Versailles được Anh, Pháp và Mỹ soạn thảo để chấm dứt Chiến tranh thế giới lần thứ I. Đối với người Đức, Hiệp ước này là biểu tượng về sự bất công. Theo các văn kiện lịch sử, Hiệp ước Versailles quy định, nước Đức bại trận phải nhường lại vùng đất Alsace - Lorraine cho nước Pháp. Về kinh tế, trong 03 năm (1919 - 1921), Đức phải bồi thường chiến tranh cho các nước thắng cuộc 20 tỷ DM (đồng tiền Deutsche Mark Đức) có giá trị bằng vàng; chuyển giao cho các nước thắng trận tất cả tàu thương mại có tải trọng trên 1.600 tấn và 1/5 hải đội đường sông; phải đóng cho họ các tàu thương mại với tổng tải trọng 200.000 tấn/năm trong vòng 5 năm. Trong 10 năm, Đức phải chuyển 140 triệu tấn than đá cho Pháp, 80 triệu tấn cho Bỉ và 77 triệu tấn cho Italia; đồng thời, phải chuyển giao cho họ một nửa tổng sản phẩm công nghiệp hóa chất dự trữ. Về quân sự, Đức không được phép trang bị tàu ngầm hoặc tàu nổi có trọng tải trên 10.000 tấn và phải giải tán Bộ Tổng Tham mưu, v.v. Chính nỗi “quốc nhục” này là động lực hồi sinh, nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phục thù ở nước Đức. Các thành viên của Đảng Quốc xã lợi dụng điều này để kêu gọi người Đức rửa hận và xóa bỏ Hiệp ước Versailles.

Nguyên nhân thứ hai, theo Tổng thống V. Putin, chính là một nghịch lý từ Hiệp ước Versailles. Đó là, các tập đoàn tài chính và công nghiệp của các quốc gia phương Tây, trước hết là Anh và Mỹ đã lợi dụng ý chí phục thù của Đức Quốc xã để biến họ thành cỗ máy quân sự mạnh nhất châu Âu phát động cuộc chiến tranh thế giới mới nhằm tiêu diệt Liên Xô - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Theo các tài liệu đã được giải mật, để thực hiện tham vọng này, các tập đoàn tài phiệt của Mỹ và Anh ủng hộ toàn diện về chính trị, kinh tế và quân sự cho Đức Quốc xã đứng đầu là Adolf Hitler. Đến thời điểm trước khi bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ II, các tập đoàn tài phiệt của Mỹ và Anh đã kiểm soát gần 80% tiềm lực công nghiệp của Đức Quốc xã.

Nguyên nhân thứ ba, là sự bất lực của Hội Quốc Liên trong việc ngăn chặn hiểm họa Chiến tranh thế giới lần thứ II. Hội Quốc Liên được thành lập trên cơ sở Hiệp ước Versailles, nhằm mục tiêu chủ yếu là ngăn ngừa chiến tranh thông qua cơ chế an ninh tập thể và giải trừ quân bị, giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua đàm phán và trọng tài. Tuy nhiên, do Anh và Pháp là các cường quốc chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ I thao túng hoạt động của Hội Quốc Liên nên tổ chức này đã không thực hiện được chức năng bảo đảm hòa bình và an ninh chung của thế giới. Biểu hiện rõ nhất là Hội Quốc Liên đã phớt lờ lời kêu gọi nhiều lần của Liên Xô về việc xây dựng hệ thống an ninh tập thể công bằng và bình đẳng trên thế giới. Vì thế, Hội Quốc Liên đã không thể ngăn chặn các cuộc chiến tranh và xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, điển hình là cuộc xâm lược Ethiopia của Italia, nội chiến ở Tây Ban Nha và cuộc xâm lược của Nhật Bản ở Trung Quốc.

Bảo vệ sự thật lịch sử về Chiến tranh thế giới lần thứ II vì hòa bình của nhân loại

Những sự thật về lịch sử về Chiến tranh thế giới lần thứ II  - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Mục tiêu xuyên suốt của chiến dịch xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II là tạo môi trường chính trị quốc tế thuận lợi cho hoạt động ráo riết chuẩn bị một cuộc chiến tranh thế giới mới nhằm ngăn chặn “nguy cơ xâm lược” từ Nga, trước hết là nhằm loại Nga ra khỏi thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - một cơ chế quốc tế có ý nghĩa quyết định tình trạng chiến tranh hay hòa bình trên thế giới. Trong bối cảnh đó, nước Nga phải chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới. Mặc dù, điều kiện kinh tế còn khó khăn do bị bao vây, cấm vận, Tổng thống V. Putin vẫn chỉ đạo nghiên cứu phát triển các loại vũ khí mới, có khả năng vượt qua mọi lá chắn tên lửa để đáp trả hành động xâm lược. Ông từng khẳng định, học thuyết quân sự của Nga chỉ nhằm mục đích phòng thủ và Nga sẽ không bao giờ sử dụng đòn tấn công trước. Với học thuyết mới, bất kỳ tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình của kẻ thù bay về phía Nga đều có thể xem là lý do để Moscow tiến hành tấn công hạt nhân trả đũa ngay lập tức.

Trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử theo những gì vốn có của nó, nhân dân tiến bộ thế giới cần khẳng định, kiên quyết bác bỏ mọi mưu toan xem xét lại lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II; nghi ngờ về vai trò quyết định của Liên Xô trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít và quân phiệt. Đồng thời cho rằng, chính thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ II đã mở ra con đường giải phóng nhiều nước thoát khỏi hiểm họa chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa thực dân. Do đó, nhân loại cần phải nhận thấy rằng, việc tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II trong bối cảnh chủ nghĩa phát xít mới và chủ nghĩa cường quyền đang trỗi dậy ở một số nước là hiểm họa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II, Tổng thống Nga V. Putin đề xuất sáng kiến tổ chức cuộc gặp nguyên thủ 05 quốc gia Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm: Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc để cùng nỗ lực đối phó với các mối đe dọa nền hòa bình và an ninh toàn cầu, trước hết là ngăn chặn hiểm họa Chiến tranh thế giới lần thứ III. Giới phân tích gọi đề xuất này của Tổng thống V. Putin là sáng kiến về Hội nghị Yalta-2. Hội nghị Yalta-1 được ký vào năm 1945, giữa nguyên thủ ba nước Liên Xô, Mỹ và Anh để thiết lập trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, còn Hội nghị Yalta-2 sẽ thiết lập trật tự thế giới mới sau Chiến tranh lạnh. Hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đồng ý với sáng kiến này của Tổng thống V. Putin. Cuộc gặp này dự kiến được tổ chức bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2020. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 nên cuộc gặp này có thể sẽ được tổ chức vào thời điểm thích hợp. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng, cuộc gặp này sẽ được tổ chức thành công để các cường quốc thống nhất hành động và nỗ lực bảo vệ hòa bình thế giới trước các thách thức và mối đe dọa nghiêm trọng hiện nay.

Ý kiến của bạn