Những phóng viên thường trú trên rẻo cao Tây Bắc
(VOVTV) - Phóng viên thường trú – những “cánh tay nối dài” của các cơ quan báo chí Trung ương trên rẻo cao Tây Bắc vẫn đang miệt mài góp sức đảm bảo dòng chảy thông tin đến với công chúng. Trách nhiệm, tâm huyết với nghề, đã đem lại những sản phẩm báo chí ấn tượng, đa chiều, đóng góp không nhỏ cho công tác tuyên truyền của địa phương.
12 năm gắn bó với nghề báo là từng ấy thời gian anh Lê Hữu Quyết, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam rời quê hương Hà Tĩnh tới thường trú tại tỉnh miền núi Sơn La. Một địa bàn mới lạ, địa hình phức tạp, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nhiều khó khăn, thiếu thốn... lại chính là nơi giúp phóng viên trẻ rèn luyện, thử thách bản thân.
“Xa nhà, xa gia đình, thời gian đầu lên Sơn La tôi không có người quen nên cũng gặp không ít khó khăn. Tác nghiệp ban đầu cũng hạn chế do chưa quen địa bàn, chưa có nhiều đầu mối thông tin. Ở đây địa bàn rộng, khoảng cách từ trung tâm thành phố đến các huyện, các xã rất xa, nhất là mùa mưa lũ đường xá thường xuyên bị sạt lở, chia cắt, việc đi lại lấy thông tin tác nghiệp nhiều khi gặp nguy hiểm”, anh Quyết nói.
Lâu dần, những khó khăn, thách thức của địa bàn vùng cao không còn là trở ngại với các phóng viên thường trú; trái lại, còn thôi thúc niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề, đem đến cho công chúng những tác phẩm báo chí ấn tượng, chất lượng cao.
“Tây Bắc càng học càng nghèo”; “Phát triển cao su Sơn La: Khi thực tế khác xa Nghị quyết”; “Nghị quyết về nông nghiệp – giải mã ‘hiện tượng’ Sơn La”… - những tác phẩm chinh phục giải cao tại Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa liềm vàng toàn quốc và giải Diên hồng của các nhà báo VOV Tây Bắc minh chứng cho điều đó.
Có duyên với nhiều giải báo chí lớn của Trung ương và địa phương, nhà báo Thu Thuỳ, Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc chia sẻ: “Hiện thực cuộc sống vô cùng phong phú và sinh động, chính vì thế mà tôi nghĩ là không cần tìm kiếm ở đâu xa, mỗi một nhà báo chỉ cần chú ý quan sát, lắng nghe, tập trung phản ánh một cách chân thực, khách quan nhất hiện thực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, trước một vấn đề nóng thì mỗi nhà báo cũng cần thể hiện rõ bản lĩnh nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của mình trong việc tham gia phản biện xã hội, xây dựng NN pháp quyền XHCN của dân, do dân vì dân, có như vậy thì các tác phẩm báo chí mới mang hơi thở cuộc sống và được đánh giá cao khi tham dự các giải”.
Là “cánh tay nối dài” của các cơ quan báo chí Trung ương, phóng viên thường trú luôn có nhiều trăn trở, nhất là làm sao để tròn vẹn “2 vai” trách nhiệm.
Nhà báo Luyện Ngọc Tuấn, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân dân tại Sơn La cho biết: “Phóng viên thường trú có 2 vai, là cánh tay nối dài của cơ quan, tạo dựng mối quan hệ với cấp ủy chính quyền địa phương. Trăn trở nhất là làm sao vừa hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao, vừa giữ được mối quan hệ khăng khít với cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các huyện, thành phố. Phóng viên để sống được đúng với đam mê rất khó, những người đam mê với nghề, trăn trở với nghề đều thích vấn đề nóng, những điểm nóng, dư luận xã hội quan tâm. Khi thực hiện những vấn đề đó thì không tránh được va chạm, mất lòng cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Vậy nên mình ở đây phải khách quan, làm sao để hài hòa các mối quan hệ”.
Theo nhà báo Luyện Ngọc Tuấn, một mình “gác” mọi sự kiện, vấn đề của một tỉnh là áp lực không nhỏ, nhất là với đặc thù địa bàn miền núi như Sơn La. Các phóng viên thường trú mong muốn có sự phối hợp, hỗ trợ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, đặc biệt là hạn chế tâm lý né tránh, tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, cũng như góp phần vào công tác thông tin, tuyên truyền của địa phương./.
Tin nổi bật
Tin Video