Những nhà hàng buffet trên thế giới phạt khách lãng phí đồ ăn thế nào?
Hiện nay, để cắt giảm tình trạng thực khách lấy đồ ăn vượt quá mức có thể ăn hết, một số nhà hàng buffet trên thế giới đã áp dụng hình thức phạt tiền.
Lãng phí thực phẩm có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi và bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, có lẽ tất cả chúng ta đều phải đồng ý rằng một trong những nơi lãng phí thực phẩm nhiều nhất chính là các bữa tiệc buffet. Cũng dễ hiểu thôi, vì khi đã trả tiền, thực khách có quyền ăn bất kỳ thứ gì và ăn bao nhiêu tùy thích, thế nên chuyện họ lấy thừa đồ và bỏ lại là thường xuyên xảy ra.
Thực tế, để tránh tình trạng lãng phí này, không ít nhà hàng trên khắp thế giới đã ra những quy định xử phạt đánh trực tiếp vào túi tiền của thực khách.
Nhà hàng buffet Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc vừa công bố tái khởi động chiến dịch "Clean Plate 2.0" nhằm tiết kiệm thực phẩm, tránh để thừa thức ăn. Theo đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã bổ sung thêm nhiều quy định mới để giảm lãng phí thực phẩm như hạn chế các nội dung liên quan đến mukbang trên mạng Internet, giảm kích cỡ thực phẩm, tước học bổng của học sinh lãng phí thức ăn,...
Nhiều nhà hàng ở Trung Quốc cũng đã bắt đầu hưởng ứng chiến dịch "Clean Plate 2.0". Tại Trùng Khánh, một địa chỉ phục vụ buffet đã thông báo tính phí 10 nhân dân tệ (tương đương 35.000đ) cho 50g thức ăn thừa. Một số nhà hàng khác lại yêu cầu thực khách đặt cọc 20 nhân dân tệ (tương đương 70.000đ) để đảm bảo rằng họ không lãng phí thức ăn đã gọi. Tại tỉnh Liêu Ninh, nhiều cửa hàng ăn uống khuyến khích thực khách đặt ít hơn 2 món so với số lượng người trong bàn ăn.
Nhà hàng buffet Ấn Độ
Khu ẩm thực giá bình dân Kedari, ở bang Telangana, phục vụ các món cơm, cà ri chay và mặn với giá 60 rupee (tương đương 23.000đ). Địa chỉ ăn uống này chỉ mở bán trong vòng 2 giờ đồng hồ mỗi ngày (13-15h) nhưng vẫn thu hút hơn 350 thực khách đến dùng bữa.
Khách hàng lãng phí dù chỉ lượng nhỏ thức ăn cũng phải chịu mức phạt 40-500 rupee. Ảnh: Tổ quốc
Nhờ chính sách xử phạt mạnh tay của ông Lingala Kedari - chủ cửa hàng mà mỗi ngày chỉ một lượng nhỏ thức ăn còn thừa lại tại đây. Với ông Lingala Kedari, thức ăn là điều đáng quý. Khách hàng lãng phí dù chỉ lượng nhỏ thức ăn cũng phải chịu mức phạt 40-500 rupee (tương đương 11.000đ-157.000đ).
"Ở một đất nước mà hàng triệu người đói thì lãng phí đồ ăn chính là tội ác. Chúng tôi phục vụ khách hàng những món ăn ngon và chất lượng. Tôi không thích khách hàng lãng phí dù chỉ một lát chanh", Lingala Kedari nói. Trong suốt 3 năm thực hiện quy định này, cửa hàng này luôn sử dụng số tiền phạt thu được để giúp đỡ những người khó khăn, thông qua những hoạt động từ thiện khác nhau.
Ngoài ra, một khách sạn sang trọng tại Ấn Độ cũng đã dán thông báo tính phí thức ăn thừa trên bàn với giá 100 rupee/10g (tương đương 31.000đ/10g).
Nhà hàng buffet ở Anh
Vào năm 2012, nhà hàng Kylin Buffet tại London đã chính thức đưa ra quy định tính thêm 32 USD (tương đương 740.000đ) đối với thực khách để thừa thức ăn.
Nhà hàng ở Anh áp dụng chế độ phạt đối với khách để lại thức ăn thừa. Ảnh: Tổ quốc
Nhà hàng buffet ở Đức
Tại Đức, một số nhà hàng cũng đã quyết định phạt tiền với những thực khách lãng phí thức ăn. Nhà hàng Okinii, chuyên phục vụ các món Nhật Bản, cũng đưa ra mức phạt từ 1,2-2,4 USD (tương đương 28.000đ-56.000đ) đối với những thực khách không dùng hết thức ăn. Tương tự, khi lãng phí 100g thức ăn ở một nhà hàng món Hoa, bạn sẽ phải chi trả khoản tiền phạt là 2,4 USD (tương đương 56.000đ).
Hình thức phạt này giúp thực khách ý thức hơn về việc tiết kiệm thức ăn. Ảnh: Tổ quốc
Tin nổi bật
Tin Video