Vấn đề và bình luận

Những nguy cơ đối với nền kinh tế khi lãi suất giảm

(VOVTV) - Khi lãi suất tại các nền kinh tế giảm và dần đi vào ổn định, những người tham gia thị trường tài chính sẽ có xu hướng chấp nhận đòn bẩy nhiều hơn, và đi kèm với đó là rủi ro cũng sẽ lớn hơn. Khi đó, thách thức đối với các cơ quan quản lý là phải ngăn chặn rủi ro trở thành hệ thống và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế rộng lớn.

22/06/2024 11:54

Hiện tại, thị trường vốn tin rằng lãi suất đang thực sự có xu hướng giảm vì 3 lý do. Thứ nhất, lạm phát giảm dần ở cả Mỹ, Anh và châu Âu. Thứ hai, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ ở mức thấp trong nhiều năm tới, với tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 4 thập kỷ trong khi đóng góp của Trung Quốc vào nhu cầu toàn cầu giảm đi do dân số trong độ tuổi lao động giảm. Thứ ba, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ kéo tăng năng suất nhưng lại cướp đi việc làm và đẩy thị trường lao động vào tình trạng trì trệ, khiến áp lực tiền lương giảm và đẩy lãi suất xuống thấp hơn trong dài hạn.

Những nguy cơ đối với nền kinh tế khi lãi suất giảm- Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa

Tất nhiên, cũng có những yếu tố khác gây áp lực kéo tăng lãi suất như quá trình phi toàn cầu hóa và sự quay trở lại của các rào cản thương mại sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng và dịch vụ tăng lên, buộc các ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất cao để ngăn các chính phủ, đặc biệt là Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7), tăng cường vay mượn và tăng thâm hụt tài chính.

Các chuyên gia dự báo thị trường tài chính sẽ có 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay ở Anh và Liên minh châu Âu (EU). Khi lãi suất bắt đầu giảm, các nhà đầu tư sẽ tái cơ cấu nguồn vốn và những rủi ro cũng bắt đầu nảy sinh. Chi phí đi vay giảm và trở nên dễ dự đoán hơn sẽ kích thích các chính phủ, tập đoàn và hộ gia đình có xu hướng vay nhiều hơn. Trong khoảng thời gian từ 2010-2021 khi lãi suất ở Mỹ gần như bằng 0, nợ doanh nghiệp của Mỹ tăng tới 70%. Nợ công thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo nợ liên bang của Mỹ có thể sẽ tăng từ 99% GDP vào cuối năm nay lên 116%, một kỷ lục mới, vào cuối năm 2034. Điều này làm dấy lên lo ngại về tính bền vững tài chính.

Lãi suất thấp và ổn định cũng làm tăng nguy cơ bong bóng tài sản khi các cá nhân và tổ chức sẵn sàng vay tiền nhiều hơn để đổ vào các tài sản đầu cơ như vốn mạo hiểm và tiền điện tử. Trong thời kỳ lãi suất tại Mỹ được duy trì ở mức gần bằng 0 trong suốt nhiều năm, chỉ số chứng khoán S&P 500 đã tăng gấp 4 lần từ năm 2009-2021. Lịch sử cũng có nhiều ví dụ cho thấy sử dụng đòn bẩy tài chính lớn thường dẫn đến bong bóng tài sản và sau đó là khủng hoảng kinh tế toàn diện. Sự sụp đổ của Phố Wall và cuộc Đại suy thoái năm 1929, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nhật Bản những năm 1990, sự sụp đổ dot-com năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đều mang bóng dáng như vậy.

Trong bối cảnh hiện nay, giới chuyên gia cho rằng có 2 lĩnh vực cần quan tâm về mặt pháp lý. Đầu tiên là các quỹ phòng hộ có quy mô lớn và đòn bẩy tài chính cao sẽ gây ra tác động lớn hơn nhiều so với trước đây nếu không may sụp đổ. Thứ hai là sự tăng trưởng của thị trường tín dụng tư nhân đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ hơn, khi các đòn bẩy đang di chuyển dần ra khỏi hệ thống ngân hàng và thiếu đi sự giám sát trực tiếp. Một ví dụ cho thấy có tới 69% các khoản thế chấp và 70% các khoản vay sử dụng đòn bẩy tại Mỹ hiện có nguồn gốc bên ngoài hệ thống ngân hàng.

Vì thế, sẽ có 3 bước ưu tiên để các cơ quan quản lý cân nhắc thực hiện nhằm giải quyết những rủi ro này. Họ có thể hạn chế vay mượn và đầu cơ quá mức của các nhà đầu tư bán lẻ bằng cách siết chặt yêu cầu về tài sản thế chấp cho các khoản vay dùng đòn bẩy tài chính. Đối với các tổ chức trong hệ thống tài chính, biện pháp để hạn chế rủi ro là yêu cầu các tổ chức này phải tăng tỷ lệ vốn dự trữ để ứng phó với các khoản đầu cơ. Còn đối với các phân khúc khó được kiểm soát trong hệ thống tài chính, các cơ quan quản lý cần áp đặt các quy định chặt chẽ hơn để tăng cường khả năng giám sát và đảm bảo tính minh bạch./.

Ý kiến của bạn