Những người thầm lặng trên các chuyến tàu xuyên 'bão' dịch
Dù đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm cao nhưng nhân viên phục vụ trên chuyến tàu xuyên “bão” dịch Covid-19 chạy Bắc-Nam vẫn cần mẫn tác nghiệp.
Chỉ lo bà bầu trở dạ giữa đường
Cuối tháng 7 vừa qua, ngành Đường sắt tổ chức 3 chuyến tàu chuyên biệt đưa người dân từ TP HCM, tỉnh Bình Dương… về quê Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế theo đề nghị của các tỉnh tiếp nhận.
Các tổ phục vụ trên tàu đều thuộc Trạm tiếp viên đường sắt Sài Gòn (Đoàn tiếp viên đường sắt phương Nam).
Chia sẻ với phóng viên Báo Giao thông qua điện thoại khi đang trên chuyến tàu trở về từ Thừa Thiên - Huế, trưởng tàu khách Bùi Danh Hưng nói: “Chuyến tàu đưa đoàn khách về đến ga Huế sáng nay an toàn rồi. Nhẹ cả người!”.
Tôi đi tàu về gia đình chỉ sợ hàng xóm kỳ thị. Thành ra phải dặn vợ con hạn chế tiếp xúc với hàng xóm, vừa là giữ cho mình, vừa là giữ cho cả chòm xóm. Chỉ mong các nhân viên trên tàu sẽ được tiêm vaccine mũi 2, để yên tâm đi tàu hơn.
Trưởng tàu Bùi Danh Hưng
Anh Hưng kể, suốt hành trình gần 24 giờ từ ga Sài Gòn về ga Huế, tổ tàu rất lo lắng.
Chuyến đi này, Thừa Thiên - Huế ưu tiên tiếp nhận phụ nữ mang thai, phụ nữ có con nhỏ đi cùng, người già, người khuyết tật.
Thành ra, cả đoàn tàu hơn 300 hành khách chủ yếu bà bầu, người già, trẻ nhỏ… Trong khi đó chỉ có 11 tình nguyện viên và 1 nhân viên y tế đi cùng.
“Nhỡ có bà bầu trở dạ trên tàu thì đưa xuống đâu, liệu địa phương có tiếp nhận không khi bà bầu đến từ vùng dịch… Nhỡ không kịp chuyển khách xuống ga dọc đường thì phải hộ sinh trên tàu thế nào… ai cũng lo”, anh Hưng kể.
Trưởng tàu khách Chu Văn Hà cũng chia sẻ, tổ anh được giao phục vụ trên 2 chuyến tàu chuyên biệt đi Hà Tĩnh, Quảng Trị. Tàu đi Hà Tĩnh hơn 700 khách, tàu đi Quảng Trị khoảng 560 khách.
Để tránh lây nhiễm, anh em phải siết chặt các biện pháp phòng dịch trên tàu như: Thường xuyên mặc quần áo bảo hộ; kiểm tra thân nhiệt hành khách; vệ sinh khử khuẩn các vị trí trên tàu dễ lây lan dịch… Ngay cả bao nilon đựng rác sau khi thu gom cũng được phun khử khuẩn, niêm phong.
“Trước khi đi chuyến ra Quảng Trị, chúng tôi nhận được thông tin có hành khách trên chuyến đi Hà Tĩnh dương tính. Hai tiếp viên trực tiếp phục vụ toa xe có các hành khách này phải cách ly theo yêu cầu của y tế địa phương. Nhưng chúng tôi vẫn tự tin đi tiếp vì hơn một năm nay anh em đã tự trang bị kiến thức, kỹ năng phòng dịch cho bản thân, cho mọi người xung quanh rồi. Vả lại, mình không đi thì người khác phải đi”, anh Hà nói.
Chấp nhận nguy cơ lây nhiễm cao, buồn vì thu nhập thấp
Hiện nay, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ duy trì một đôi tàu khách SE7/SE8 giữa ga Sài Gòn - ga Hà Nội. Nhưng giờ cả 2 ga này và nhiều ga trên tuyến tạm dừng đón, trả khách do các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội. Trong khi đó ô tô khách cũng phải tạm dừng hoạt động.
Chia sẻ với PV khi vừa trở về trạm sau chuyến tàu SE7 từ Hà Nội vào, chị Trần Ngọc Thanh, tiếp viên toa xe nói: “Khu nhà tôi ở Vũng Tàu bị phong tỏa rồi. Mà gần 2 tháng nay chưa được về nên lo quá”.
Chị Thanh kể, nhà chị ở Vũng Tàu, hiện ở nhà có cậu con trai mới 9 tuổi đang được bà nội và bố chăm sóc. Khi quay về từ Hà Nội thì TP HCM thực hiện giãn cách, tiếp đến là Vũng Tàu nên chị phải lưu trú tại trạm, không về nhà được.
Bình thường tàu ra đến ga Hà Nội 8 - 9 giờ tối, để đảm bảo phòng dịch, toàn bộ tổ tàu phải ở lại trên tàu, không được ra khỏi khu ga.
Dù ga Hà Nội dành một khu vực vệ sinh, tắm giặt cho tổ tàu nhưng đa số mọi người tắm giặt luôn ở buồng vệ sinh trên tàu, dù chật chội, nhưng để tránh tiếp xúc với nhân viên dưới ga.
Anh em cũng phải tranh thủ ăn ngay khi tàu đang trên đường, để khi về ga có thể nghỉ ngơi trên tàu luôn, sáng sớm hôm sau lại theo tàu quay trở về ga Sài Gòn. Ròng rã cả hành trình đi - về như vậy mấy ngày trời.
Vất vả, bất tiện, nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhưng điều khiến nhiều người lo nhất là lương đi tàu rất thấp. Tàu vắng khách, doanh thu thấp, đơn vị vẫn giữ nguyên mức lương khoán theo chuyến như trước kia, khoảng 1,1 triệu đồng/phiên vụ (chuyến đi và chuyến về). Nhưng do ít tàu nên trung bình chị chỉ được đi 2 chuyến/tháng.
“Dịch ngày càng phức tạp, khách lên tàu đâu biết khách nào nhiễm, khách nào không nên gia đình cũng lo, khuyên xin không đi nữa. Nhưng tôi xác định đã là nghề mình phải cố gắng, có việc là tốt lắm rồi, nhiều người còn khó khăn hơn mình”, chị Thanh nói.
Thông tin cụ thể hơn, ông Phạm Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm tiếp viên Sài Gòn cho biết, trạm chỉ bố trí đi tàu những lao động đã được tiêm vaccine mũi 1. Tàu từ Hà Nội về, tất cả nhân viên, kể cả bộ phận phục vụ ăn uống, kiểm tu, thợ điện đều phải vào trạm để thực hiện test nhanh theo mẫu gộp.
Việc test nhanh như vậy một mặt kiểm tra xem anh em sau khi đi tàu có bị lây nhiễm không, một mặt để anh em yên tâm trước khi trở về nhà.
Trên tàu cũng quy định rất chặt. Nhân viên thực hiện đầy đủ 5K, hạn chế tiếp xúc, phụ trách toa nào ăn, ngủ ở toa đó; cứ 3 tiếng một lần vệ sinh bằng dung dịch khử khuẩn các vị trí dễ lây lan trên tàu...
“Không đi tàu thì anh em phải nghỉ hoãn hợp đồng, không có thu nhập, nhưng đi tàu thì lương cũng chỉ hơn 1 triệu đồng/1 chuyến. Tiền là một chuyện, nhưng còn tinh thần nữa. Phòng dịch tốt, độ an toàn cao, anh em mới yên tâm đi tàu”, ông Bảy nói và cho biết, sắp tới khi được tài trợ, trạm sẽ test nhanh cho nhân viên trước khi đi tàu.