Những người phụ nữ 'có 1 không 2' của lịch sử phong kiến Việt Nam (phần 2)
(VOVTV) - Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, Từ Dụ Hoàng Thái hậu là những người phụ nữ đặc biệt trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
6. Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan: Người phụ nữ hai lần nhiếp chính
Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan là mẹ của vua Lý Nhân Tông, thường được biết với tên gọi Nguyên phi Ỷ Lan. là một nhân vật đặc biệt của triều Lý. Từ cô gái hái dâu nơi thôn dã, bằng sắc đẹp và tài năng, bà đã nắm cơ hội, vươn lên tới ngôi cao tột bậc, hai lần nhiếp chính, góp phần đưa Đại Việt phát triển hưng thịnh. Bà được coi là bậc “nữ trung hào kiệt”, danh nhân lịch sử - văn hóa nổi tiếng của đất nước, thế kỷ XI - XII. Tên tuổi và sự nghiệp của bà gắn liền với hai vị vua kiệt xuất là Lý Thánh Tông - chồng bà và Lý Nhân Tông - con trai bà.
Khi nhà vua đi đánh giặc phương Nam, bà thay chồng trị nước. Khi con còn nhỏ nối ngôi cha, bà giúp con cùng quan quân đập tan cuộc xâm lược của nhà Tống. Trong lúc nhiếp chính, bà chú trọng củng cố chính trị, quân sự, chăm lo việc mở mang dân trí, việc thi cử học hành và còn ban hành nhiều điều ích quốc lợi dân. Cái tên Ỷ Lan đã trở thành biểu tượng cho lòng can đảm, trí thông minh, khéo léo, có trách nhiệm lo toan, gánh vác công việc chung của quốc gia, dân tộc cũng như của gia đình.
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn bà ở ngôi cao tột bậc đã xảy ra một vụ thảm án thương tâm mà sử sách còn ghi lại. Đó là năm 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà, con trai của bà là Thái tử Càn Đức lên ngôi, lấy hiệu là Lý Nhân Tông khi chỉ mới 6 tuổi. Con trai ruột lên ngôi, bà được phong làm Linh Nhân Thái phi. Còn Hoàng hậu họ Dương được phong Thượng Dương Hoàng Thái hậu.
Theo lễ xưa, nếu Hoàng thượng lên ngôi khi còn quá nhỏ thì Thái hậu sẽ được quyền nhiếp chính. Thế nhưng, Ỷ Lan lại không phải Thái hậu còn Thái hậu lại không phải mẹ ruột của vua. Điều này khiến Linh Nhân Thái phi không phục.
Năm 1073, Dương Thái hậu cùng 76 tỳ nữ (có sách ghi là 72) chết sau một vụ thảm sát. Đại Việt sử kí toàn thư có ghi lại, "Linh Nhân có tính hay ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với Vua rằng: Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý thì người khác hưởng, vậy con để mẹ già vào đâu? Vua bèn sai giam Dương Thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương rồi bức phải chết, cho chôn theo lăng của Thánh Tông".
Vụ thảm án này được coi là một vết đen liên quan đến tên tuổi của Nguyên phi Ỷ Lan, khiến bà, trong mắt một số người, được cho là người đã giết vợ đích của chồng và bức hại cung nữ, và cũng được cho là lý do mà sau này bà chuyên tâm làm việc thiện, xây chùa và nghiên cứu về đạo Phật. Tính đến năm (1115), bà đã cho xây cất 150 chùa, đền, trong đó có chùa Từ Phúc ở quê hương (Dương Xá, Gia Lâm).
7. Thừa Thiên Cao Hoàng hậu - người phụ nữ duy nhất được song táng cùng lăng mộ với Hoàng đế
Thừa Thiên Cao Hoàng hậu là vợ của vua Gia Long - người lập lên triều Nguyễn. Bà là con gái của Ngoại tả Chưởng dinh Tống Phước Khuông và trở thành vợ của Gia Long khi 18 tuổi. Kể từ khi kết duyên, cả hai luôn kề vai sát cánh, cùng nhau vượt qua trăm ngàn khổ cực. Khi Gia Long trên lưng ngựa chiến đấu thì bà ở nơi hậu phương chăm lo, hiếu thuận với bậc bề trên. Thậm chí, những tấm vải của quân lính cũng do chính tay bà dệt.
Cảm động trước tấm chân tình đó, ngày có được giang sơn, Gia Long lập bà làm Hoàng hậu. Trong sách phong lập, vị vua đầu của nhà Nguyễn có viết: "Ngày trước bôn ba, trẫm khó nhọc ở ngoài, hậu siêng năng ở trong, giúp nhau trong lúc gian nan, trải qua chỗ bằng chỗ hiểm. Cầu cúng hết kính, ngon ngọt thảo hiền, ơn cho con cháu, trạch đến quân nhung”.
Đến khi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu băng hà, vua Gia Long làm lễ hợp lăng. Và ngôi mộ song táng chính là lời khẳng định cho một tình yêu vĩnh cửu mà ông dành cho người vợ đã cùng mình "đồng cam cộng khổ" trong suốt những buổi đầu gian nan. Ngôi mộ giản đơn nhưng lại vô cùng vững trãi giống như tình yêu mộc mạc nhưng chân thành thủy chung hiếm có của một vị đế vương dành cho người phụ nữ đặc biệt của riêng mình.
Và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu là vị Hoàng hậu duy nhất trong lịch sử Việt Nam được song táng cùng lăng mộ với Hoàng đế.
8. Từ Dụ Hoàng Thái hậu - người phụ nữ sống qua nhiều đời Hoàng đế nhất
Hoàng Thái hậu Từ Dụ (hay Từ Dũ) là một trong những người phụ nữ đặc biệt của lịch sử phong kiến Việt Nam. Năm 14 tuổi, nhờ tính cách nết na, hiền thục cùng sự thông minh, xinh đẹp, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tuyển vào cung để hầu Nguyễn Phúc Miên Tông - người sau này trở thành vua Thiệu Trị. Bà chính là trưởng nữ của Phạm Đăng Hưng - Lễ bộ Thượng thư Đức Quốc công. Từ Dụ Hoàng Thái hậu cũng chính là mẹ ruột của vua Tự Đức.
Khi bà vào cung, vua Minh Mạng lúc bây giờ mới có 33 tuổi; con trai Nguyễn Phúc Miên Tông của ông cũng mới 17 tuổi. Năm 1841, Thiệu Trị đăng cơ, bà trở thành Nhất giai Quý phi. Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà, con trai của bà là Hồng Nhậm lên ngôi, tức vua Tự Đức; bà trở thành Hoàng Thái hậu.
Vì không có con nối dõi nên sau khi vua Tự Đức qua đời đã truyền ngôi cho cháu ruột (cháu gọi bác) của mình là Ưng Chân sau này chính là vua Dục Đức. Rất tiếc, vua Dục Đức chỉ lên ngôi được 3 ngày sau đó nhường lại cho Hồng Dật, con trai út của vua Thiệu Trị. Năm 1883, Hồng Dật lên ngôi vua lấy niên hiệu là Hiệp Hòa.
Lên ngôi không bao lâu, Hiệp Hòa cũng bị phế truất. Lúc này, Nguyễn Phúc Ưng Đăng - cháu ruột của vua Tự Đức (cháu gọi bác) lên ngôi, lấy hiệu là Kiến Phúc khi chỉ mới 14 tuổi. 1 năm sau vị vua trẻ này cũng qua đời và Hàm Nghi là người kế vị. Sau thất bại trước quân Pháp, vua Hàm Nghi phải đi lưu đày, nhà Nguyễn lúc này có vị vua mới là Đồng Khánh.
Năm 1887, Đồng Khánh tôn bà làm Từ Dụ Bác Huệ Thái Hoàng Thái hậu; đến năm 1889, bà trở thành Từ Dụ Bác Huệ Khang Thọ Thái thái Hoàng Thái hậu. Cũng trong năm 1889, vua Đồng Khánh băng hà do mắc bệnh lạ, con trai của vua Dục Đức là Thành Thái lên ngôi. Lúc này, Thái thái Hoàng Thái hậu Từ Dụ đã 80 tuổi. Năm 1902, bà qua đời.
Vậy là, từ khi bà vào cung năm 14 tuổi cho đến khi qua đời vào năm 92 tuổi, Từ Dụ Hoàng Thái hậu đã chứng kiến sự thay đổi của 9 đời vua Nguyễn, bao gồm: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và Thành Thái. Đồng thời, bà cũng là Thái thái Hoàng Thái hậu duy nhất trong lịch sử Việt Nam.
Tin nổi bật
Tin Video