Những ngày 'khói lửa' của nữ bác sĩ chiến đấu với COVID-19
Những ngày làm việc cuối cùng trước khi nhận quyết định nghỉ hưu lại là những ngày “khói lửa” nhất trong cuộc đời làm nghề của TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh khi bà vẫn căng mình cùng đồng nghiệp chiến đấu với dịch COVID-19.
Những ngày oanh liệt trong đời làm nghề
Chúng tôi gặp TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khi bà được Thành phố Hà Nội vinh danh là "Thầy thuốc ưu tú", một phần thưởng xứng đáng về những nỗ lực của người thầy thuốc tận tâm, hết lòng vì sức khoẻ nhân dân. Hơn 30 năm cống hiến trong ngành y tế với chuyên ngành Nội khoa, Nhi khoa đến khi là Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh luôn nỗ lực, cống hiến, nhiệt huyết với nghề.
Nhận quyết định nghỉ hưu từ tháng 9/2020, trong lúc nguy cơ dịch COVID-19 dễ bùng phát, TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng chỉ "nghỉ" trên giấy tờ, còn thực tế bà vẫn là hậu phương hỗ trợ nhiệt tình cho các cán bộ y tế trong đơn vị với kinh nghiệm chống dịch của mình.
Dù đã đến lúc được nghỉ ngơi nhưng tinh thần, nhiệt huyết của một bác sĩ vừa đi qua trận chiến chống COVID-19 khốc liệt vẫn vẹn nguyên trong ánh mắt, lời nói của TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh. Ở bà vẫn là sự trăn trở, quyết liệt, mạnh mẽ như những ngày còn "cầm quân" đi chống dịch.
Nhớ lại những ngày đầu của đợt dịch COVID-19, TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ: "Từ đầu 2020 khi Việt Nam bắt đầu bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19, tôi cũng như tất cả các cán bộ y tế đều không tránh khỏi những ngỡ ngàng, lo lắng, hoang mang trước diễn biến bệnh dịch phát triển nhanh trong khi chưa có nhiều kiến thức về dịch bệnh mới. Tuy nhiên nhiệm vụ vẫn phải thực hiện, chúng tôi vừa làm vừa "mò mẫm", quan sát. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế và Thành phố ngay từ những ngày đầu, tôi cũng như anh em trong Trung tâm với tinh thần quyết tâm vững vàng, nhất là những lúc tôi luyện của đỉnh điểm đợt dịch và đã dập được các ổ dịch".
Trong vai trò “thủ lĩnh” của Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng phụ trách chống dịch trên địa bàn, TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh đã xông pha, làm gương cho anh em, sát sao với công việc.
Giữa tháng 3/2020, khi xuất hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh và các cán bộ Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng rất vất vả. Ngoài việc truy vết, khoanh vùng ca bệnh, công tác xét nghiệm phải mở rộng, Trung tâm phải lập trạm xét nghiệm dã chiến ở ngay đường Trần Đại Nghĩa, là nơi gần nhất với cổng Bệnh viện. Thu xếp để xét nghiệm cho hàng nghìn người liên quan đến ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai.
“Đó là khoảng thời gian chúng tôi làm việc không quản ngày đêm. Luôn cố gắng để có thể phát hiện được nhanh nhất, sớm nhất các ca bệnh, trả kết quả nhanh, chính xác nhất cho người dân để họ yên tâm, không lo lắng. Để có được thành công đó, cán bộ y tế đã rất vất vả không những phải trực dịch, tăng cường xét nghiệm mà còn phải trực các chốt phòng dịch ở các điểm để đảm bảo công tác giãn cách xã hội phòng chống dịch”, TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ.
Đáng lo hơn cả là tại phường Đồng Tâm còn có 1 xóm chạy thận, nơi các bệnh nhân chạy thận thuê trọ để hàng ngày vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Với những bệnh nhân này, nếu chẳng may mắc COVID-19 thì tính mạng sẽ rất nguy hiểm. Trong khi đó, căn bệnh này lại không thể ngừng lọc máu theo lịch kể cả trong thời gian xảy ra ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trăn trở và lo lắng, TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh đã phải nghĩ cách huy động đến cả quân đội để được cung cấp xe cho các bệnh nhân chạy thân “đi đến nơi, về đến chốn” vừa được điều trị đúng lịch, vừa đảm bảo hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh.
Đó là chưa kể, trên địa bàn quận Hai Bà Trừng còn có 3 trường Đại học lớn là: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Xây dựng và Trường Đại học Kinh tế quốc dân với lưu lượng sinh viên đang học, ở trọ khiến công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng rất nan giải, phức tạp. Tuy nhiên nhờ sự nỗ lực hết mình của cán bộ y tế và các lực lượng phối hơp, ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai đã nhanh chóng được dập tắt, hạn chế tối đa lây lan ra các khu vực xung quanh.
Khi thực hiện việc truy vết những người từ Đà Nẵng trở về, BS. Nguyễn Thị Vân Anh nhớ lại: "Khi đợt dịch tại Đà Nẵng xuất hiện, chúng tôi đã không còn hoang mang, lo lắng nhiều như những ngày đầu vì luôn xác định tinh thần dịch có thể dịch sẽ quay lại bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn của một cuộc chiến khác nhau, tâm tư của các cán bộ y tế cũng khác. Chúng tôi vẫn quyết tâm và xác định giai đoạn này có thể sẽ còn khó khăn hơn giai đọan trước".
Cũng theo BS. Nguyễn Thị Vân Anh, khi được lệnh trong 2 ngày, quận Hai Bà Trưng phải triển khai xét nghiệm cho khoảng 2.000 người liên quan đến Đà Nẵng, các bác sĩ phải khẩn trương với tinh thần trách nhiệm, khởi động xây dựng lại trạm xét nghiệm dã chiến. Ngày 30/7/2020 là ngày khởi động đầu tiên trạm xét nghiệm tại 141 Lò Đúc, người dân rất đông, trong thời tiết oi bức nhưng bằng cố gắng hết mình cuối cùng nhiệm vụ cũng hoàng thành.
"Lúc đó tôi đã xác định cuộc chiến chống COVID-19 vẫn tiếp tục diễn ra, bao người dân vẫn đang mong chờ xét nghiệm, chúng tôi không cho phép mình được nghỉ ngơi vì nghề của mình là thế, tôi kêu gọi, động viên tinh thần anh em cùng tiếp tục”, BS. Nguyễn Thị Vân Anh xúc động nhớ lại.
Vừa chống dịch vừa lo đồ phòng hộ
Trong những ngày tham gia chống dịch, mọi sự nỗ lực, cố gắng dường không chỉ dừng lại ở công tác chuyên môn, chỉ đạo thực hiện trong các tình huống, TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh còn là người hết lòng chăm lo, tìm mọi cách để bảo vệ sự an toàn cho cán bộ y tế, là đầu mối kết nối sẻ chia trong lúc khó khăn của dịch bệnh.
Những ngày đầu chống dịch, khi tất cả còn đang hoang mang, thiếu thốn vật tư, với cương vị người đứng đầu đơn vị, BS. Nguyễn Thị Vân Anh xót xa khi nhìn thấy cán bộ y tế lao vào vùng dịch nhưng các trang bị phòng hộ lại khan hiếm, hạn chế.
Với suy nghĩ, tuy thiếu đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, nhưng sức khoẻ của cán bộ y tế phải đảm bảo; Trung tâm đã mua khẩu trang vải cho cán bộ dùng hàng ngày và dành ưu tiên khẩu trang y tế khi đi chống dịch. BS. Nguyễn Thị Vân Anh đã bố trí phân bổ khẩu trang vải mỗi người tối thiểu 7 chiếc/tuần để có thể giặt và đủ dùng mỗi ngày. Khẩu trang N95 và bộ bảo hộ tốt được ưu tiên cho cán bộ đi lấy mẫu xét nghiệm, xử lý các ca F0, F1.
Trước tình hình đó, BS. Nguyễn Thị Vân Anh cũng đã tính đến việc huy động sự hỗ trợ của cộng đồng, huy động mọi nguồn lực có thể để đảm bảo an toàn nhất cho anh em tuyến đầu; nhất là không thể để thiếu khẩu trang, thứ quan trọng nhất để bảo vệ bác sĩ khi làm nhiệm vụ.
BS. Nguyễn Thị Vân Anh không ngần ngại đứng ra đi xin đồ bảo hộ qua những người quen, người dân; rất may việc kêu gọi đó đã được nhiều người ủng hộ quan tâm tới công tác chống dịch, người dân hiểu hơn, thêm tin và yêu cán bộ y tế cơ sở.
“Lúc đó khẩu trang y tế rất quan trọng, chúng tôi rất cảm động khi có người dân trong quận dù khó khăn lắm mới mua được 1 hộp khẩu trang y tế nhưng cũng sẵn sàng mang hộp khẩu trang đó đến Trung tâm để hỗ trợ cho cán bộ y tế. Rồi người dân tự tay thiết kế, làm cho chúng tôi những chiếc tấm chắn giọt bắn, mang đến tận những điểm xét nghiệm dã chiến để trao cho các y, bác sĩ. Có lẽ vậy mà dù rất vất vả, nhọc nhằn nhưng tình người, sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng trong khó khăn dịch bệnh đã trở thành nguồn động viên tinh thần rất lớn cho chúng tôi nơi tuyến đầu chống dịch”, BS. Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ.
Sau khi số lượng trang bị bảo hộ của nhân viên trên địa bàn đã đủ dùng, BS. Nguyễn Thị Vân Anh lại làm cầu nối để đưa các dụng cụ bảo hộ hỗ trợ các đơn vị khác. Qua những chia sẻ của người dân trên mạng xã hội, nhiều cá nhân và tập thể đã gửi mặt nạ chống giọt bắn và khẩu trang y tế tới Trung tâm y tế, sau đó đơn vị lại tiếp tục chuyển đến các Trung tâm khác để chia sẻ khó khăn.
Những ngày tháng "oanh liệt" ấy có lẽ sẽ là ký ức không bao giờ quên với một người thầy thuốc đã cống hiến trọn đời cho nghề y. Cho đến bây giờ, khi đã được nghỉ chế độ nhưng BS. Nguyễn Thị Vân Anh vẫn “đứng ngồi không yên”, liên tục theo dõi các hoạt động của đơn vị, chia sẻ với các nhân viên y tế về những kinh nghiệm đã có được trong chống dịch.
Tin nổi bật
Tin Video