Tin tức

Những năm tháng cuối cùng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Các buổi chiều, trên chiếc xe máy cà khổ, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm lại lượn tà tà sang thăm mẹ bên khu Đầm Trấu rồi quay về nhà, trên đường về thường mua vài bìa đậu.

21/04/2021 10:40

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đi xa thật rồi, để sáng nay, chiều nay, đêm nay và chắc chắn nhiều ngày sau nữa, những câu thơ của anh vẫn còn vang lên trong đầu chúng ta, trong tim chúng ta, trên môi chúng ta. Những câu thơ đã đi cùng một phần tuổi trẻ của biết bao người. Nó chứa trong đó nước mắt, nụ cười, tình yêu vụng dại hay những năm tháng thanh xuân rực rỡ của một thế hệ thanh niên đã xếp bút nghiên lên đường ra trận rồi lại trở về thắp lên những ngọn lửa mới:

Em thấy không, tất cả đã xa rồi

Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ…

Yêu thơ có một không hai

Đã sang đến đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 21, Hoàng Nhuận Cầm là “của hiếm” trong cái nhịp sống của thời công nghệ 4.0. Anh là thi sĩ theo nghĩa nguyên thủy nhất của từ này: Yêu thơ mê đắm đến độ ăn cũng thơ, ngủ cũng thơ, vừa rót nước vừa nghĩ thơ, nói chuyện thơ với bạn văn trong căn phòng chật say sưa đến độ ấm trà cũ rụng vỡ cả vòi, các chén trà cũ kỹ một ngày tự nứt làm đôi, phải mấy tuần sau mới mua bộ ấm chén mới.

Chỉ có Hoàng Nhuận Cầm mới thức dậy vào lúc nửa đêm, có thể là 2h hay 3h để leo lên gác xép tìm cho bằng được một cuốn thơ rất cũ của bạn văn tặng anh, lôi ra từ cuốn ấy bài thơ mà anh muốn để đưa nó cho tôi, cho vào tuyển tập mà tôi với anh cùng biên soạn. Một trong những bài thơ như thế là Tháng Ba của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu...

Chỉ có Hoàng Nhuận Cầm mới nói chuyện thơ, đọc thơ đến độ say sưa như lên đồng, cởi phanh sơ mi, giật đứt cúc áo ngực, bên dưới cả biển người lặng đi. Mấy trăm người, thậm chí hàng ngàn người rưng rưng nghe thơ anh. Đó có thể là một trường học, có thể là một đơn vị bộ đội, hay một cơ quan. Anh được mời đi nói chuyện thơ khắp các tỉnh thành, khắp các quận của Hà Nội. Và tất cả chúng ta nếu đã một lần nghe Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ, ắt sẽ phải rưng rưng hoặc gai người lên, đôi khi rùng mình, rợn tóc…

Những năm tháng cuối cùng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Ảnh 1.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong căn nhà của anh

Một ngày của Hoàng Nhuận Cầm quanh quanh từ căn phòng nhỏ ở khu tập thể ngõ 190 Lò Đúc lên đến Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Bà Triệu, nơi anh thực hiện các chương trình phát thanh quen thuộc, yêu thích của mình. Hai chương trình cuối cùng mà anh gắn bó là Khách đến chơi nhà (VOV2) và Đôi bạn văn chương (VOV6). Tôi được giao phụ trách Đôi bạn văn chương từ tháng 7/2020 cho đến nay. Để mỗi một chương trình được lên sóng, hai anh em phải thường xuyên gặp gỡ để cùng bàn bạc, trao đổi ý tưởng kịch bản, sau đó tôi hoàn thiện kịch bản rồi cùng anh bước vào phòng thu.

Những buổi chiều, trên chiếc xe máy cà khổ, cũ không thể cũ hơn, Hoàng Nhuận Cầm lại lượn tà tà sang thăm mẹ anh bên khu Đầm Trấu rồi lại quay về, trên đường về thường mua vài bìa đậu. Thực đơn quanh năm của anh thường chỉ có đậu, trứng, cà chua, bánh đậu xanh, kẹo lạc, cá khô… 

Rất ít khi thấy anh mua thịt. Hoàng Nhuận Cầm cứ sống giản dị đơn sơ như vậy, tiết kiệm đến nỗi hàng xóm phải kêu lên khi thấy tôi sang thăm anh: “Bảo ông ấy phải ăn uống cẩn thận vào, phải tẩm bổ vào đi chứ, người trông yếu quá. Tôi ở ngay bên cạnh đây thấy ông hay bị ho lắm, người nhìn cứ xơ xác…”

Thế nhưng Hoàng Nhuận Cầm có một năng lượng thật đặc biệt. Chỉ cần ngồi vào phòng thu là anh thăng hoa tưng bừng, dù trước đó vài phút còn đang thở dốc khi phải leo cầu thang, cứ trèo xong mỗi nhịp cầu thang là anh phải nghỉ vài phút bởi chứng khó thở hành hạ. Bên cạnh các chương trình phát thanh, Hoàng Nhuận Cầm còn duyệt phim, đọc, viết và biên tập các kịch bản với cường độ lớn…. 

Trước khi qua đời, anh vừa thực hiện hai cuộc giao lưu thơ: Ngày 16/4 đến nói chuyện với các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 144 Bộ Tổng tham mưu, ngày 18 tháng 4 về tận Bắc Giang để nói chuyện với các bạn trẻ về chủ đề ngày hội sách. Anh chắt chiu từng đồng tiền nhỏ để dành cho các con…

Những năm tháng cuối cùng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Ảnh 2.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nói chuyện thơ với bộ đội ngày 16/4, bốn ngày trước khi anh đột ngột qua đời

2 cuốn sách còn thơm giấy mới

Suốt một năm qua, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cùng tôi tổ chức biên soạn, tuyển chọn thơ cho hai cuốn sách được NXB Văn học đề nghị làm theo chế độ sách Nhà nước đặt hàng, đó là Tiếng thời gian (tuyển tập những bài thơ với chủ đề thời gian) và Hà Nội trong mắt thơ (tuyển tập những bài thơ về Hà Nội). Mỗi tập gần 200 bài thơ, dày 500 trang, mỗi nhà thơ được chọn duy nhất một bài, trải dài từ cổ điển cho tới hiện đại.

Việc chọn thơ thật nhọc nhằn, nâng lên hạ xuống cân nhắc trước sau. Khi thơ chọn đã xong, hai anh em lại cân nhắc, chỉnh sửa từng câu cho lời mở đầu và lời bạt của mỗi tập. Sách in đẹp, trang trọng, bìa cứng, giấy chất lượng cao. Khỏi phải nói anh Cầm đã vui như thế nào.

Chỉ tiếc rằng sách được Nhà nước đặt hàng nên chủ yếu gửi về thư viện của các tỉnh thành và trường học, không đủ để tặng hết cho các tác giả, trong đó có nhiều thân hữu. Thế là Hoàng Nhuận Cầm lại lặng lẽ chụp ảnh từng trang thơ để gửi cho những người bạn có mặt trong tuyển tập.

Hai bài thơ của anh Cầm in trong hai tập sách này được viết gần đây: Bên dòng thời gian (trong tập Tiếng thời gian) và Nỗi buồn để sống (tập Hà Nội trong mắt thơ). Tôi cho rằng đây là hai bài thơ tiêu biểu cho giai đoạn sau tập Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến của anh, xin được trích vài câu của mỗi bài:

Tiếng mẹ ru ta “chồng cày, vợ cấy…”

Mà anh xa em mấy chục năm ròng

May quá người thơ ấy còn đang sống

Phiến đá đau thương ngậm sóng vào lòng

(Bên dòng thời gian)

Tôi có đủ nỗi buồn để sống

Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn

Một nỗi buồn lẽ ra không nên có

Nhưng nếu không buồn

Có lẽ

Lại buồn hơn…

(Nỗi buồn để sống)

Những dự định dang dở

Từ lâu anh Cầm ấp ủ dự định xuất bản tập thơ thứ ba gồm 27 bài do chính anh viết tay. Chữ anh viết nắn nót rất đẹp. Anh còn có khả năng tự vẽ bìa, như đã từng tự vẽ bìa tập thơ đầu tiên của anh: Xúc xắc mùa thu. Trong 27 bài đó, mới có 3 bài đã đăng tải (Nỗi buồn để sống, Bên dòng thời gian, Thiên đàng có thật…), còn lại nhiều bài chưa công bố, bao gồm cả những bài anh ấp ủ bao năm về đề tài hòa giải dân tộc…

Một bản thảo khác đã hoàn thành mà anh vẫn chưa kịp in, mang tên Cùng bạn đọc thơ, gồm những bài thơ hay và lời bình do chính anh viết. Một ấn phẩm thơ dạng tuyển tập nữa mà tôi với anh chuẩn bị bắt tay làm về chủ để Mưa nay đành để ngỏ.

Ngoài mối tình với thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn say mê việc viết kịch bản điện ảnh. Ba nhân vật anh tâm đắc nhất để từ đó lấy cảm hứng thực hiện các kịch bản của anh, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại thi hào Nguyễn Du và thi sĩ chân quê Nguyễn Bính. Về Bác, các dự định của anh đã thực hiện xong qua hai bộ phim đã được công chiếu: Hà Nội mùa đông năm 46 và Nhà tiên tri. Kịch bản cho bộ phim về Nguyễn Du anh đã viết xong, còn kịch bản về Nguyễn Bính vẫn còn đang ấp ủ.

Những năm tháng cuối đời, anh Cầm bỏ hẳn rượu, bia cũng gần như không. Anh chỉ uống trà thường xuyên và đôi khi vẫn hút thuốc lào, mặc cho những cơn ho rũ rượi kéo đến. Những cơn tức ngực và khó thở thường được anh tự chữa bằng một cốc nước thật nóng, uống từng ngụm nhỏ để trở về trạng thái ổn định.

Nhiều người biết thi sĩ của chúng ta đã đi qua ba cuộc hôn nhân. Hai người con đầu của anh đã trưởng thành. Người con thứ ba mới tốt nghiệp đại học, còn con út đang học năm thứ hai Trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Hai con lớn ở nước ngoài, hai con nhỏ ở gần nhà anh. Hằng ngày, anh sống một mình trong căn phòng tập thể cũ, nhỏ, sách vở kịch bản chất đầy, cầu thang dẫn lên gác xép cũng phải dành một nửa cho sách vở. Phải chăng cô đơn vẫn gắn với nhiều thi sĩ như một định mệnh, trong đó có anh?

Những năm tháng cuối cùng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Ảnh 3.

Lọ lạc rang được nhà thơ khoe trên Facebook ngày 20/2 với dòng trạng thái: "Ở nhà một mình"

Trong cô đơn, anh vẫn miệt mài sáng tạo, đắm say tung tẩy với chữ nghĩa thơ ca, anh lạc quan lắm và cũng kiêu hãnh lắm. Bây giờ tất cả tạm khép lại rồi nhưng thơ anh thì vẫn còn đây trong trí nhớ của mọi người. Tình cảm của anh, mọi người sẽ không bao giờ quên. Và như thế, anh vẫn còn sống trong tôi và trong tất cả mỗi chúng ta:

Ai trong chúng ta cũng có lúc buồn muốn chết

Vì Tình Yêu Cuộc Sống tràn đầy

Nếu phải chết cho tôi xin được chọn

Cái chết nào

Lập tức

Phục sinh ngay!

(Thơ phục sinh)

Ý kiến của bạn