Tin tức

Những lá đơn viết bằng máu xin vào chiến trường Quảng Trị

(VOVTV) - 50 năm trước, hàng vạn học sinh, sinh viên ở miền Bắc đã tạm xếp bút nghiên, viết đơn tình nguyện xin vào chiến trường tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Nhiều người viết đơn bằng máu, thậm chí khai thêm tuổi để được nhập ngũ. Trong số đó, có một thế hệ học sinh ở huyện Vĩnh Linh đang sơ tán ra học tại Nghệ An tình nguyện viết đơn xin vào chiến trường Quảng Trị. Nhiều người trong số họ đã hy sinh.

Tác giả Đình Thiệu / VOV Miền Trung
27/04/2022 23:20

50 năm đã trôi qua, ông Dương Văn Châu vẫn còn nhớ mãi tinh thần hăng hái khi viết đơn tình nguyện nhập ngũ, tham gia vào chiến trường giải phóng tỉnh Quảng Trị dù mình đang là học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh. Vào chiến trường lúc 18 tuổi, nay ông Châu đã gần 70 tuổi vẫn luôn giữ bên mình gần chục lá đơn của những người bạn đã viết xin vào chiến trường năm 1972 như là kỷ vật thiêng liêng.

Những lá đơn viết bằng máu xin vào chiến trường Quảng Trị 50 năm trước - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Dương Văn Châu, cựu học sinh lớp 10, Trường cấp 3 Vĩnh Linh năm 1972 luôn giữ lá đơn tình nguyện nhập ngũ của bạn bè năm xưa bên mình.

Trong lá đơn viết bằng máu xin gia nhập quân đội của Lê Văn Cương, 18 tuổi, học sinh lớp 9F Trường cấp 3 Vĩnh Linh có đoạn ghi: “Về gia đình tôi, ba tôi đi bộ đội từ lúc tôi chưa sinh. Nay ba tôi vẫn đang ở chiến trường B, mẹ ở lại quê làm ruộng. Còn anh em tôi không có, chỉ có một mình tôi duy nhất”. Còn đơn xin tòng quân diệt Mỹ của Ngô Quang Dũng, học sinh lớp 8, khi ấy mới 17 tuổi có đoạn viết: “Tôi rất thiết tha và rất mong muốn Ban Tuyển quân và Ban Giám hiệu Nhà trường xét và ưu tiên cho tôi tòng quân cứu nước. Tôi sẵn sàng hy sinh cho quê hương”.

Những lá đơn viết bằng máu xin vào chiến trường Quảng Trị 50 năm trước - Ảnh 2.

Đơn đăng ký nghĩa vụ quân sự của một cựu học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh năm 1972

Ngô Quang Dũng cũng là một trong những người trẻ nhất được gia nhập quân ngũ, rồi anh hy sinh ngay trận đầu vào chiến trường giải phóng Quảng Trị năm 1972. Cựu chiến binh Lê Đình Thắng, học sinh lớp 10I, Trường cấp 3 Vĩnh Linh ngày đó kể lại, ngày lên đường nhập ngũ, ông chỉ kịp chụp cái ảnh thẻ đen trắng mang theo bên mình, phòng khi hy sinh để có ảnh thờ sau này.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đặc khu Vĩnh Linh là địa đầu của miền Bắc cũng là hậu phương trực tiếp của chiến trường Quảng Trị. Trường cấp 3 Vĩnh Linh được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận học sinh miền Nam tập kết, thực hiện công tác đào tạo “hạt giống đỏ” cho đất nước. Trong những năm chiến tranh ác liệt, học sinh có lệnh sơ tán ra huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An để học tập.

Những lá đơn viết bằng máu xin vào chiến trường Quảng Trị 50 năm trước - Ảnh 3.

Những cựu chiến binh là học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh năm 1972 viếng đồng đội tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong

Ngày 15 tháng 4 năm 1972, theo tiếng gọi của quê hương, hầu hết học sinh đang sơ tán tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đồng loạt viết đơn, tình nguyện trở về chiến đấu bảo vệ quê hương. Nhiều người viết đơn bằng máu của mình nhưng chỉ có 181 học sinh được chọn vào chiến trường.

Cựu chiến binh Nguyễn Thế Hùng nhớ lại, ngày đó, cấp trên chỉ xem xét những người đủ tuổi, đủ sức khỏe, nhà đông anh em, còn lại gia đình có một ngươi con hoặc đã có bố mẹ, anh chị phục vụ ở chiến trường thì chưa được xét. Nhiều người đã khai gian thêm tuổi hoặc khai gia đình đông anh em, chưa có ai đi chiến trường để đươc cấp trên đồng ý.

Những lá đơn viết bằng máu xin vào chiến trường Quảng Trị 50 năm trước - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Thế Hùng, một trong 181 học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh được nhập ngũ vào giải phóng tỉnh Quảng Trị thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong

Những lá đơn viết bằng máu xin vào chiến trường Quảng Trị 50 năm trước - Ảnh 5.

Tưởng niệm đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị

Đa số học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh tình nguyện vào chiến trường được đưa về Tiểu đoàn 14, Tiểu đoàn 10 Đại đội 18 Thông tin Bộ đội địa phương trực tiếp đối mặt với các sắc lính thiện chiến của quân đội Sài Gòn.

Ông Lê Văn Khiển, một trong số 181 học sinh của Trường cấp 3 Vĩnh Linh nhập ngũ năm 1972 được đưa về Tiểu đoàn 14 của Tỉnh đội Quảng Trị tham gia chiến đấu bảo vệ chốt thép Long Quang. Đây là một mắt xích quan trọng nằm ở vị trí tiền tiêu bảo vệ vòng ngoài phía Đông Thành Cổ Quảng Trị. Sau này, ông tiếp tục chiến đấu, bảo vệ vùng giải phóng Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị. Thời điểm đó, ông Khiển nhiều lần thoát chết và chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh.

Những lá đơn viết bằng máu xin vào chiến trường Quảng Trị 50 năm trước - Ảnh 6.

Ông Lê Đình Thắng, cựu học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh lúc mới nhập ngũ

Chiến tranh kết thúc, 181 học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh vào chiến trường năm 1972 thì 50 người mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ tuổi mười tám, đôi mươi. Những người còn sống nay là những thương bệnh binh, nhiễm chất độc da cam, có người là sỹ quan trung, cao cấp trong Quân đội, Công an và nhiều người làm cán bộ chủ chốt trong các cơ quan đảng, chính quyền nhưng cũng có người về quê gắn bó với ruộng đồng. Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Linh dành những dòng trang trọng ghi lại chiến dịch sơ tán và những chiến công của học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh.

Nghĩa trang Liệt sỹ xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sỹ tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972. Trong số đó có những người là học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh sơ tán ra Tân Kỳ, Nghệ An mãi mãi nằm lại nơi này.

Những lá đơn viết bằng máu xin vào chiến trường Quảng Trị 50 năm trước - Ảnh 7.

Cựu học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh tham gia chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 chụp ảnh lưu liệm tại thành cổ Quảng Trị

Tròn 50 năm, đúng ngày các học sinh năm xưa rời ghế nhà trường vào chiến trường Quảng Trị, những mái đầu đã bạc, chân yếu, mắt mờ trở về chiến trường xưa, hội ngộ bên nghĩa trang này viếng bạn bè, đồng đội, thắp nén hương bên mộ bạn, khóc thương đồng đội. Bên phần mộ bạn chiến đấu năm xưa, họ cùng hát vang bài ca đồng đội./.

 

Ý kiến của bạn