Tin tức

Những kiến thức cơ bản về bão giúp người dân hiểu và phòng, tránh hiệu quả

Cơn bão số 13 là cơn bão rất mạnh đang được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển và đất liền trong những ngày tới đây. Trước những thông tin về cơn bão này, người dân cần trang bị sự hiểu biết để có phương pháp phòng, tránh bão tốt nhất.

15/11/2020 07:40

Trước thông tin về cơn bão số 13, cơn bão rất mạnh đang được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Bắc và Bắc Trung Bộ từ ngày 14/11 đến ngày 15/11, những kiến thức cơ bản về bão sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này và phòng, tránh hiệu quả.

Bão chỉ là một điểm?

Trong thực tế khi nghe thông tin về một cơn bão, nhiều người cho rằng bão chỉ là một điểm và chỉ chú ý đến vị trí của cơn bão, nhưng sự thật không phải như vậy. Bão không chỉ có một điểm, gió mạnh và mưa lớn thường bao phủ một vùng rộng lớn xung quanh tâm bão. Có rất nhiều trường hợp nhiều cơn bão khi tâm còn nằm ngoài biển nhưng vùng gió mạnh và mưa lớn do bão gây ra đã vào sâu trong đất liền. Chính vì vậy, ngoài thông tin về vị trí tâm bão và cường độ bão, cần phải theo dõi thông tin về phạm vi bán kính gió mạnh trong các bản tin dự báo bão.

Chuyên gia Hoàng Thanh Hải, Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam chia sẻ thêm về nhận định này: "Khi bão còn đang trong giai đoạn trưởng thành, ở trên biển thoáng và đứng yên hay ít di chuyển, vùng gió mạnh xung quanh tâm bão có thể xem là tương đối tròn. Khi cơn bão di chuyển, môi trường xung quanh đã có tác động không cân bằng tới nó, hoặc khi cơn bão bị ảnh hưởng của địa hình hay đang suy yếu, đặc biệt khi có sự kết hợp với một hệ thống thời tiết khác (ví dụ như không khí lạnh,…) thì vùng gió mạnh xung quanh tâm bão sẽ không còn tròn nữa và trở nên phức tạp hơn".

Bão kết hợp với một hệ thống thời tiết khác thì dù còn cách rất xa tâm bão gió đã rất mạnh.  Đặc biệt, khi tâm bão đi qua, gió lại yếu dần đi một cách nhanh chóng. Chính vì thế người dân không nên chủ quan trước bão. Nhiều người cho rằng bão đã qua và không có biện pháp phòng chống. Nhưng thực tế sau đó gió lại mạnh trở lại và đổi hướng. Cần phải hiểu đúng vấn đề này để phòng, chống bão hiệu quả.

Những kiến thức cơ bản về bão giúp người dân hiểu và phòng, tránh hiệu quả - Ảnh 1.

Đường đi của bão số 13

Gió bão mạnh nhất ở vùng gần tâm

Nếu đi từ ngoài vào trong một cơn bão thì đầu tiên chúng ta sẽ gặp các dải mây mưa ở rìa ngoài, có phạm vi cách xa tâm bão hàng trăm kilômét. Những dải mây này có chuyển động xoáy trôn ốc theo chiều ngược chiều kim đồng hồ. Xen kẽ giữa các dải mây, mưa to và gió mạnh là những vùng gió yếu hơn và mưa không nhiều theo từng đợt. Đây là đặc trưng thường thấy trong vùng chịu ảnh hưởng của bão, tạo cơ sở cho việc phòng, tránh trên thực tế.

Tiếp tục đi sâu vào trong tâm bão sẽ bắt gặp một tường mây dày đặc gồm các đám mây đối lưu phát triển lên rất cao. Đi vào khu vực này tốc độ gió tăng lên đột ngột và đạt giá trị mạnh nhất trong bão. Mắt bão có thể to ra, thu hẹp lại hay nhân đôi lên và có thể tạo nên nhiều vòng thành mắt bão. Sự biến đổi của mắt bão và thành mắt bão gây nên các biến đổi về tốc độ gió và cường độ bão. Trong cùng là mắt bão, là một vùng tương đối lặng gió, quang mây. Do lực ly tâm làm không khí trong vùng trung tâm bão giãn ra nên mật độ không khí ở đây rất thấp và khí áp giảm xuống thấp nhất. Đường kính trung bình của mắt bão khoảng 30 - 60 km, chuyên gia Hoàng Thanh Hải cho biết.

Khi ở trong khu vực mắt bão, người ta thường rất ngạc nhiên khi thấy gió và mưa đang xảy ra rất dữ dội lại đột nhiên ngừng hẳn, trời quang, mây tạnh. Nhưng ngay khi mắt bão đi qua, gió mạnh và mưa xuất hiện lại ngay. Phải hết sức chú ý đến hiện tượng này vì dễ tạo tâm lý chủ quan khi cho rằng bão đã đi qua và không cần phòng, tránh.

Trước những thông tin về cơn bão số 13, người dân nên chủ động trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có những biện pháp phòng tránh bão hiệu quả. Không nên chủ quan trước những hiện tượng ban đầu, những biểu hiện nhẹ của cơn bão. Ngoài ra, cần xác định tâm bão và những vùng ảnh hưởng của bão để có những kế hoạch bảo vệ, ngăn chặn, phòng tránh bão kịp thời.

Ý kiến của bạn