Những kẻ hành hạ dã man cô gái trẻ ở Thái Bình vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Theo luật sư, hành động của những kẻ tra tấn thiếu nữ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến sức khỏe và danh dự nhân phẩm của người khác.
Liên quan vụ, thiếu nữ 15 tuổi tên V.T.H.T. (ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bị 3 cô gái đánh đập, cởi quần áo và nhốt trong phòng trọ, chiều 25/7, Công an tỉnh Thái Bình thông tin vụ việc. Theo đó, nhóm người hành hung dã man T. được xác định gốm 3 đối tượng nữ giới từ 14-17 tuổi đều trú tại thị trấn Hưng Hà, Thái Bình gồm Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Mai Hương và Trần Thị Minh Thư.
3 đối tượng này được xác định, đã có hành vi dùng chân tay, dép đánh vào mặt, bắt nạn nhân ngậm khăn, cởi bỏ hết quần áo, đổ bột giặt, dội nước lên đầu. Trong lúc đánh còn nhờ Phạm Văn Lộc (16 tuổi, trú huyện Lý Nhân, Hà Nam) và Trần Ngọc Nhất (16 tuổi, trú xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà) dùng điện thoại quay video. Sau khi đánh xong, cả nhóm đi chơi, nhốt nạn nhân trong phòng.
Hành vi nghiêm trọng xâm phạm đến sức khỏe, danh dự người khác
Theo góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc hãng Luật TGS, (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến sức khỏe và danh dự nhân phẩm của người khác. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ hành vi của những kẻ đánh đập cũng như hậu quả xảy ra đối với nạn nhân để có hình thức xử lý phù hợp.
Theo đó, trường hợp nạn nhân có thương tích từ 11% trở lên, nhóm thanh niên đánh đập nạn nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Trường hợp thương tích nạn nhân dưới 11% nhưng hành vi phạm tội được xác định có tính chất phạm tội côn đồ và phạm tội đối với người dưới 16 tuổi thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc chung thân.
Trong vụ việc này, luật sư Tuấn cho phân tích, nếu tuổi nạn nhân được xác định là dưới 16 tuổi thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Theo Điều 55, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
“Căn cứ Điều 134 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì tùy vào tỷ lệ thương tích của nạn nhân mà người phạm tội phải chịu mức xử phạt khác nhau, cụ thể: Nếu thương tích của nạn nhân từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại Khoản 1 Điều này, thì nhóm thanh niên bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”- luật sư Tuấn phân tích.
Nhưng, nếu thương tích của nạn nhân từ 31% đến 60%, luật sư Tuấn cho rằng, nhóm thanh niên bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm. Còn nếu thương tích nạn của nhân 61% trở lên thì nhóm thanh niên bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Nếu phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hơn thì hình phạt áp dụng đối với nhóm thanh niên này là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc phạt tù chung thân.
Do đó, trong trường hợp này, theo vị luật sư này, mức xử phạt của các đối tượng này sẽ tùy thuộc vào mức độ, tính chất của vụ việc và tỷ lệ giám định thương tật của nạn nhân. Trường hợp, tỷ lệ thương tích của nạn nhân dưới 11% nhưng tính chất phạm tội côn đồ và phạm tội đối với người dưới 16 thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm
Có ý kiến cho rằng, nhóm đối tượng này đều có tuổi đời rất trẻ, từ 14-17 tuổi thì có phải chịu trách nhiệm hình sự về việc mình làm không? Về vấn đề này, luật sư Tuấn phân tích, căn cứ Điều 12 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này...
Như vậy, đối với các đối tượng từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với cả hai tội nêu trên.
Trường hợp các đối tượng chưa đủ 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 134 về tội rất nghiêm trọng (có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm) tương ứng với khoản 3 hoặc khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự. Tức là hành vi gây thương tích cho nạn nhân phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì mới có thể xử lý hình sự nhóm thanh niên này.
“Trong trường hợp không có căn cứ xử lý hình sự thì hành vi của nhóm thanh niên cũng cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hành chính. Cụ thể, căn cứ Điều 5, Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính” - luật sư Tuấn phân tích.
Cùng với đó, luật sư Tuấn cho rằng, tại Điều 22, Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định “Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản”.
Ngoài trách nhiệm trước pháp luật, nhóm thanh niên phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, tổn thất tinh thần cho người bị hại theo quy định của Bộ luật dân sự.
Tin nổi bật
Tin Video