Những "gam màu" khó đoán trong bức tranh thế giới năm 2021
Theo nhận định chung của giới chuyên gia, bức tranh toàn cảnh của thế giới năm 2021 sẽ đa chiều, đa sắc màu, sau một năm đầy u ám như 2020 vì sự xuất hiện của vi rút nguy hiểm.
Có lý do để lạc quan
Tuy vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhưng có nhiều lý do để lạc quan về một năm mới tươi sáng hơn. Nhiều loại vắc xin ngừa Covid-19 đang được đưa vào sử dụng. Những lo ngại về "chủ nghĩa dân tộc vắc xin" có phần giảm bớt. Niềm tin vào các chính phủ đang dần trở lại, khi nhiều quốc gia tung ra các gói cứu trợ và duy trì các hình thức hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch.
Số liệu thống kê và các đánh giá mới nhất của giới chuyên gia cho thấy kinh tế toàn cầu nói chung, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng vào cuối năm 2020 đã xuất hiện những điểm sáng tích cực (tại các quốc gia như Australia, New Zealand, Việt Nam, Singapore, Indonesia, Thái Lan...). Tại một số nước phát triển như Anh, Mỹ, bức tranh kinh tế cũng đã bớt u ám.
Những tín hiệu tích cực đang thắp lên hy vọng kinh tế thế giới sẽ phục hồi trong năm 2021, đồng thời củng cố nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đầu tháng 12/2020 rằng, nền kinh tế toàn cầu có thể trở lại mức trước đại dịch Covid-19 vào cuối năm sau. Các ngân hàng lớn nhất ở Phố Wall cũng dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ tiêm chủng Covid-19 và các kế hoạch kích cầu phát huy tác dụng.
Điều đáng mừng là đa số các quốc gia nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới tư duy trong quản trị quốc gia, quan hệ quốc tế, liên kết, kết nối, hợp tác vì lợi ích chung. Nhiều cường quốc đang tìm cách điều hòa nhu cầu về hàng hóa giá rẻ, công nghệ tiên tiến và các lợi ích khác của thương mại với sự kiểm soát nhiều hơn đối với các vấn đề trong nước, thay vì siêu toàn cầu hóa không được kiểm soát.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thực hiện các nghị quyết và hoạt động gìn giữ hòa bình, giảm thiểu xung đột, cứu trợ người dân chịu hậu quả của chiến tranh, nội chiến, thảm họa; cải tổ cả Hội đồng và các cơ quan ra chính sách, nhằm đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ của tình hình.
Tổng thống đắc cử Biden được kỳ vọng sẽ quyết định tạm dừng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, tái gia nhập WHO, gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), mang lại lợi ích an ninh cho cả Nga, Mỹ và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cũng sẽ có các động thái nhằm hạn chế những cú sốc có thể gây rạn nứt thêm quan hệ song phương, tạo cơ hội xoay chuyển để ngăn chặn một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" với Mỹ.
ASEAN vẫn sẽ là một điển hình cho xu thế liên kết, hợp tác đa phương, duy trì được "vai trò dẫn dắt" trong các thể chế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự đồng thuận, cam kết và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác không những tạo nguyên tắc, nền tảng cho hợp tác khu vực mà còn là điểm sáng về chủ nghĩa đa phương, tác động tích cực đối với thế giới trong những năm tới.
Với các ưu tiên, kết quả trọn vẹn trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, năm 2021 sẽ là dấu mốc quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn mới của Việt Nam, xây dựng, phát triển đất nước, gia tăng vị thế, uy tín trên trường quốc tế trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, 2045.
Vẫn nhiều "gam màu tối"
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, đại dịch và suy thoái vẫn có thể tiếp diễn trong năm 2021. Mặc dù một số nước đã sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 và đưa vào tiêm chủng, nhưng công suất hiện chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thế giới. Việc phân phối vaccine rộng rãi, hiệu quả và công bằng sẽ mất nhiều thời gian, đồng thời đặt ra những thách thức lớn về hậu cần.
Mặt khác, biến thể nguy hiểm mới của vi rút SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở Anh và lan ra nhiều nước trên thế giới, sẽ gây khó khăn cho phòng chống đại dịch. Mâu thuẫn giữa mở cửa, nối lại hoạt động kinh tế và phong tỏa, giãn cách xã hội sẽ làm gia tăng nguy cơ tái lây nhiễm tại các địa bàn xung yếu. Nếu chủ động phối hợp, phòng chống tích cực trên toàn cầu thì có thể cơ bản khống chế được đại dịch Covid-19 trong năm 2021. Ngược lại, đại dịch sẽ kéo dài hơn.
Nhiều khả năng suy thoái kinh tế vẫn tiếp diễn, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn giảm, chỉ một số ít nước có GDP tăng trưởng dương. Mối đe dọa suy thoái và các cuộc khủng hoảng nợ mới có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) dự báo: "Các thảm họa khủng hoảng nhân đạo sẽ xảy ra trong năm 2021 và đây sẽ là năm tồi tệ nhất trong một thế kỷ".
Theo nhận định của các chuyên gia, năm tới, quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, Nga vẫn căng thẳng. Hiện ở Mỹ, cả đảng Dân chủ, Cộng hòa và Tổng thống đắc cử Biden đều xác định Trung Quốc và Nga là hai đối thủ, thách thức hàng đầu, Mỹ vẫn sẽ thực thi chính sách cứng rắn với Trung Quốc và Nga.
Với Trung Quốc, chính sách của Mỹ "không thay đổi đột ngột", Mỹ sẽ tập trung vào hành vi lạm dụng thương mại, đánh cắp sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, bán phá giá. Vấn đề Hong Kong, Đài Loan, Biển Đông... vẫn là các con bài của Mỹ, nhưng Washington được dự đoán sẽ thay đổi về cách thức, coi trọng xây dựng mạng lưới và "đưa tất cả mọi người trong chúng ta lên cùng một con thuyền".
Với Nga, không ít lần ông Biden cho rằng Nga mới là đối thủ số một. Vì vậy, mặt trận chống Nga của Washington thời gian tới sẽ mở rộng, nhất là trên địa bàn trọng điểm chiến lược. Phía Nga cũng không mong "điều tốt đẹp" từ chính quyền Biden. Rất có thể Nga sẽ chuyển sang cách tiếp cận "ngăn chặn toàn diện" trong quan hệ với Mỹ, duy trì đối thoại có chọn lọc và không nhượng bộ đơn phương.
Tình hình Biển Đông được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong năm 2021. Sau những căng thẳng pháp lý của "cuộc chiến công hàm" và vấn đề quân sự hóa các đảo, Trung Quốc công bố việc thăm dò dư luận cho dự thảo luật sửa đổi luật cảnh sát biển mới, gây lo ngại cho các nước xung quanh vùng biển.
Trung Đông-Bắc Phi sẽ vẫn là "điểm nóng", cho dù xuất hiện những nhân tố có lợi cho hòa bình. Khu vực này vẫn còn nhiều mâu thuẫn chưa thể giải quyết trong "một sớm một chiều". Iran rơi vào thế bất lợi nhưng không dễ khuất phục; mâu thuẫn giáo phái vẫn tồn tại dai dẳng; cuộc chiến ở Syria, xung đột tại một số khu vực tiếp tục leo thang. Những động thái gần đây giữa Mỹ, Israel với Iran, không loại trừ đám cháy bùng phát.
Liên minh châu Âu cũng bộc lộ tham vọng xây dựng "EU địa chính trị", nỗ lực giải quyết mâu thuẫn giữa một số nước thành viên về ngân sách phòng chống đại dịch, phục hồi kinh tế, vấn đề "hậu Brexit", chủ động hơn đối với các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, EU gặp không ít cản trở từ sự khác biệt lợi ích giữa một số nước thành viên và trong quan hệ tổng thể với Trung Quốc, Nga.
Như vậy, thế giới năm 2021 vẫn là bức tranh đa sắc màu, trong đó vẫn còn nhiều gam màu tối, bởi nguyên nhân cơ bản, trực tiếp, sâu xa của những bất ổn vẫn tồn tại, bao gồm chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ, chính sách áp đặt luật chơi chung, tranh giành vị thế, lợi ích chiến lược theo ý đồ của một số nước lớn. Tuy nhiên, thế giới vẫn có quyền hi vọng về những điều tốt đẹp trong tương lai, trong đó hi vọng chấm dứt đại dịch chết chóc mà cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,8 triệu người - với sự ra đời của vắc xin - đang trở nên hiện hữu.
Tin nổi bật
Tin Video