Khám phá

Những đôi bàn tay giữ "hồn" đan đát ở U Minh

U Minh (Cà Mau) được biết đến không chỉ là mảnh đất của những cánh rừng tràm bạt ngàn, mà còn là nơi sinh sống của rất nhiều gia đình quanh năm gắn bó với miệt vườn sông nước và cũng từ đây hình thành nên nghề đan đát có truyền thống lâu đời.

11/11/2020 18:48

Trước kia, hầu như gia đình nào ở xã Nguyễn Phích cũng có một khoảng vườn sau nhà dành để trồng trúc phục vụ cho việc đan đát. Nhưng hiện nay đất bị nhiễm mặn, chính vì vậy diện tích trồng trúc bị thu hẹp dần. Người dân ở đây phải nhập nguyên liệu từ vùng khác.

Những nhà vẫn duy trì trồng trúc cũng chỉ đủ đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất. Từ những cây trúc đến tuổi thu hoạch, tức là không quá già, không quá non sẽ được những người dân miệt vườn lựa chọn kỹ lưỡng, chặt để mang về nhà bắt đầu quy trình đan đát cho ra các sản phẩm tre trúc phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Những đôi bàn tay giữ "hồn" đan đát ở U Minh - Ảnh 1.

Các bà, các mẹ đan đát những sản phẩm từ tre, trúc

Ở U Minh, hầu như chỉ có phụ nữ làm công việc đan đát. Những việc tưởng như có chút nặng nhọc và thường thích hợp với cánh đàn ông thì những người phụ nữ ở đây lại thao tác rất nhẹ nhàng, nhanh nhẹn.

Khi những thanh tre được cưa xong xuôi, người phụ nữ của miệt vườn lại dùng rựa hay mác để chẻ trúc ra thành từng thanh mỏng, gọi là nan. Đồ nghề của họ không có nhiều và rất đơn giản. Nếu là nan đan và vót cạnh sẽ lấy chủ yếu phần da cứng phía ngoài của trúc, nếu làm nan đát thì lấy một phần ruột trúc. Nan đát thường ngắn hơn nan đan.

Những đôi bàn tay giữ "hồn" đan đát ở U Minh - Ảnh 2.

Những thanh tre, trúc được người dân lấy rựa chẻ thành những nan mỏng để đan đát

Bà Nguyễn Thị Anh ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau bồi hồi chia sẻ câu chuyện về thời thiếu niên của bản thân. Bà kể rằng, ngày đó mình 15-16 tuổi đã biết đan đát, bà thấy các bà các mẹ đan nên nhờ mọi người dạy cho, rồi tự mình sáng tạo thêm và dần dần cái gì cũng biết đan hết.

Thỉnh thoảng những người phụ nữ trong xã lại tập trung cùng nhau đan đát, trao đổi về cách đan và những sáng tạo mới để làm đa dạng sản phẩm. Đan đát ở đây khác với đan lát vì có thêm phần đát mất nhiều thời gian, công sức. Đổi lại, các sản phẩm bền chặt và đẹp hơn. Trung bình, mỗi người phụ nữ một ngày có thể đan được từ 1-2 sản phẩm.

Những đôi bàn tay giữ "hồn" đan đát ở U Minh - Ảnh 3.

Những sản phẩm đan đát ngày càng trở nên bắt mắt và ưa chuộng

Ngoài các sản phẩm trơn, những nghệ nhân miệt vườn này còn khéo léo kết hợp thêm màu sắc để tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Chỉ bằng cách sắp xếp trật tự của các loại nan khác nhau đã hình thành những họa tiết 3 bông, 6 bông hoặc họa tiết chữ tùy theo yêu cầu.

Chị Lưu Ngọc Giàu tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết: “Khi học nghề này mình cảm thấy rất thích, nhiều lúc mình làm ra những sản phẩm rất bắt mắt và cảm thấy rất vui”.

Những đôi bàn tay giữ "hồn" đan đát ở U Minh - Ảnh 4.

Các sản phẩm thúng, rổ, dần, sàng ở U Minh

Hiện nay, xã Nguyễn Phích có khoảng hơn 60 hộ còn duy trì nghề truyền thống này, với nhân lực chủ yếu là phụ nữ, sản xuất các sản phẩm như thúng, rổ, dần sàng, nia và thắt ghế. Tại đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện U Minh cũng đã thành lập Tổ hợp tác đan đát với gần 30 thành viên để duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Trải qua nhiều thăng trầm, nghề đan đát U Minh vẫn tồn tại và phát triển để giới thiệu du khách xa gần về sự khéo léo của những nghệ nhân miệt vườn chân tình và mến khách.

Những đôi bàn tay giữ "hồn" đan đát ở U Minh - Ảnh 5.

U Minh (Cà Mau) - Ảnh Internet

Kinh nghiệm bỏ túi khi ghé thăm U Minh:

- Đến U Minh, ngoài tham quan khám phá rừng U Minh Hạ, du khách có thể tìm hiểu về cuộc sống của người dân miệt vườn, gắn bó với sông nước. 

- Nghề đan đát ở U Minh tập trung nhiều tại xã Nguyễn Phích, nằm cách thành phố Cà Mau khoảng 40km. Bằng phương tiện xe máy, theo hướng tỉnh lộ Cà Mau - U Minh, chạy theo con đường nhựa dọc theo sông Cái Tàu khoảng 1 tiếng đồng hồ là đến với làng đan đát.

- Tại đây, du khách có thể ghé thăm các gia đình và nghe câu chuyện gắn bó với nghề đan đát, xem các bà, các chị khéo léo tạo nên các sản phẩm truyền thống, đồng thời có thể mua những món quà nhỏ xinh bằng tre trúc.

Ý kiến của bạn