Những đề xuất gây tranh cãi năm 2020
Năm 2020, nhiều dự thảo, thông tư, nghị định mới khi đưa ra vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của từ người dân, chuyên gia cho tới đại biểu Quốc hội.
Năm 2020, bên cạnh những dự thảo mới, thông tư, nghị định nhận được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và người dân thì cũng có không ít những đề xuất tạo ra luồng dư luận trái chiều bởi nội dung chưa phù hợp với thực tế.
Đề xuất xe máy bật đèn vào ban ngày
Tháng 5/2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trong đó, khoản 3 Điều 27 của dự thảo này thu hút ý kiến sự quan tâm của dư luận.
Trong khoản 3, Điều 27 đề xuất: "Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau".
Nhiều chuyên gia và người sử dụng phương tiện giao thông đều không đồng tình với đề xuất này. Theo ý kiến của họ, việc bật đèn gây lãng phí năng lượng trong ắc quy xe, gây ô nhiễm môi trường khi tăng tiêu thụ nhiên liệu.
Xe máy bật đèn vào ban ngày cũng gây phản cảm với người đi đối diện và có thể tiêu cực trong thời tiết nắng chang chang. Bên cạnh đó, khả năng gây ra tai nạn có thể tăng thêm. Hơn nữa, tại đoạn đường hai chiều, nếu ai ai cũng bật đèn thì người đi ngược lại sẽ rất khó khăn trong việc quan sát và dễ dẫn đến tai nạn.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của người dân, khoảng tháng 7/2020, Bộ GTVT lấy ý kiến lần hai Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Đáng chú ý, dự thảo lần này bỏ quy định bật đèn nhận diện cả ngày.
Đề xuất tính điện một giá gần 3.000 đồng/kWh
Theo dự thảo Quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất cách tính điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân. Theo tính toán, với giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng/kWh hiện nay, điện một giá tương đương 2.704-2.890 đồng mỗi kWh, chưa gồm 10% thuế VAT.
Khách hàng dùng điện có thể chọn giữa phương án một giá điện và 5 bậc thang, thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).
Đề xuất này ngay lập tức được dư luận quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Họ cho hay, theo biểu giá luỹ tiến 6 bậc thang hiện hành, nếu bình quân một tháng họ phải trả cho 850 kWh hơn là 2,4 triệu đồng (gồm 10% thuế VAT) thì khi chuyển sang dùng điện một giá, họ phải trả lần lượt hơn 2,5 triệu đồng và 2,7 triệu đồng, tương ứng với các mức giá 2.703 đồng và 2.890 đồng/kWh (đã gồm thuế VAT). Số tiền này đều cao hơn mức sử dụng theo biểu giá luỹ tiến bậc thang hiện tại.
Cũng theo người dân, hiện biểu giá luỹ tiến tuy có lúc khiến giá điện tăng vọt nhưng chỉ tập trung vào những tháng cao điểm, trong khi giá điện một giá lại khiến người dùng lúc nào cũng phải trả giá cao hơn.
Trước phản ứng gay gắt của dư luận và người dân, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - đơn vị xây dựng dự thảo sửa đổi biểu giá bán lẻ điện đề xuất rút phương án một giá điện và tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi biểu giá điện 5 bậc thang cho phù hợp hơn.
Chuyển thẩm quyền sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an
Chiều 24/10, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thay vào đó, việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe dự kiến sẽ được chuyển trách nhiệm sang cho Bộ Công an, theo quy định trong luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Về đề xuất chuyển thẩm quyền sát hạch, đào tạo, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công an, chỉ có 86/414 đại biểu Quốc hội đồng ý (chiếm 20,77%). Có tới 321/414 đại biểu không đồng ý (77,54%).
Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc chuyển thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an là chưa phù hợp với nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.
Đại biểu cũng đặt ra câu hỏi: Phải chăng do tách việc đào tạo giấy phép lái xe qua công an nên muốn thêm chứng chỉ hành nghề vận tải, giấy phép lái xe thì Bộ Công an cấp, còn giấy chứng chỉ hành nghề vận tải thì Bộ GTVT cấp. Tại sao thời gian đào tạo giấy phép lái xe không lồng ghép vào đào tạo hành nghề vận tải để không mất thời gian và tiền của của người dân?
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Chiều 17/11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo dự án luật, Chính phủ đề xuất thống nhất tên gọi của ba lực lượng gồm bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách thành một, với tên gọi lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có con dấu riêng.
Kết quả, 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội (290 người) cho rằng chưa cần thiết xây dựng luật này. 96 đại biểu có ý kiến ngược lại.
Nhiều đại biểu lo ngại dự luật sẽ làm tăng biên chế và đặt nặng vấn đề ngân sách lên vai các địa phương. Với luật này, vô hình trung làm cho biên chế quốc gia tăng lên. Việc hợp thức hóa này nảy sinh khó khăn cho cơ sở, đặc biệt trong vấn đề ngân sách.
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội cũng nêu rõ, từ tính toán của cơ quan soạn thảo luật này, việc cơ cấu 1,5 triệu người tham gia lực lượng trị an cơ sở là không hợp lý vì gấp nhiều lần quân thường trực.
Không cấm ca sĩ hát nhép
Nghị định 144 được Thủ tướng ký ban hành thay thế cho Nghị định 79 kể từ 1/2/2021 không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79 đang gây tranh cãi.
Theo người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, là ca sĩ phải có giọng hát và dùng giọng hát của mình chinh phục khán giả, chứ không phải bằng những chiêu trò hay điệu nhảy. Cơ quan quản lý phải có sự khích lệ và quy định chặt chẽ để các nghệ sĩ cố gắng hoàn thiện giọng hát chứ không thể mở cửa thế này.
Nếu đơn vị quản lý không quản lý chặt chẽ việc hát nhép, nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ sẽ không còn cố gắng, nỗ lực để hoàn thiện giọng hát nữa. Nó tạo ra sự không công bằng giữa những người hát live và những người hát nhép.
Các đơn vị tổ chức thì cứ theo luật mà làm. Nếu không cấm thì họ vẫn có quyền làm, chỉ cần bật nhạc lên, nghệ sĩ lên sân khấu trình diễn một vài vũ đạo vui, sôi động, thế là có một đêm diễn thành công, tiết kiệm tối đa chi phí. Điều này sẽ gây hậu quả không tốt cho nền âm nhạc Việt Nam.
Chúng ta đang từng bước tiến lên nền công nghiệp âm nhạc thì cần phải có quy định mang tính chất đặt nền móng vững chắc, phải có sự định hướng. Đó là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý về nghệ thuật.
Học sinh được dùng điện thoại trong lớp học
Thông tư 32/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thay thế cho Thông tư 12/2011.
Theo đó, việc sử dụng điện thoại di động trong giờ học chỉ bị cấm khi “không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Nghĩa là, các em được dùng thiết bị này vì mục đích học tập và nếu được thầy cô đồng ý.
Tuy nhiên, Thông tư này vấp phải nhiều ý kiến phản đối, đặc biệt của giáo viên. Nhiều thầy cô cho rằng, điều kiện quy định trong Thông tư 32 sử dụng cho việc học và được giáo viên đồng ý – không đủ để ngăn các em dùng điện thoại cho các mục đích khác và sẽ khó tập trung vào bài học. Vì các thầy cô cho rằng, họ không có khả năng kiểm soát hết nếu học sinh của mình dùng điện thoại trong lớp.
Với các bậc phụ huynh, họ cũng có quan điểm phản đối khá gay gắt. Theo chia sẻ của họ, các thầy cô sẽ rất vất vả, vì trẻ sẽ không tự giác trong vấn đề này.