Tin tức

Nhu cầu sử dụng thuốc viên điều trị COVID-19 tại Mỹ tăng cao

(VOVTV) - Ngày 17/5, Giới chức y tế Mỹ cho biết, số ca mắc COVID-19 tăng cao tại Mỹ đã đẩy nhu cầu việc sử dụng các loại thuốc điều trị tăng theo.

18/05/2022 14:29

Cụ thể, riêng thuốc điều trị COVID-19 đường uống Paxlovid của Pfizer/BioNTech đã tăng tới 315% trong 4 tuần qua.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, trong riêng tuần đầu tháng 5, lực lượng chức năng đã phân phát gần 115.000 liều thuốc Paxlovid. Như vậy, đã có 668.954 trong tổng số 3,3 triệu liều đã được phân phát cho người dân. Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng đã phân phát 230.257 liều thuốc Molnupiravir của Merck & Co's.

Nhằm giải quyết nhu cầu tiếp cận các phương pháp điều trị tăng, trong đó có việc tiếp cận các loại thuốc kháng virus như Paxlovid, tháng trước, Nhà Trắng đã tăng gấp đôi số điểm phân phát thuốc. Hiện số điểm phân phát thuốc Paxlovid đã tăng từ 20.000 điểm lên khoảng 35.000 điểm và con số này có thể còn tiếp tục tăng.

Nhu cầu sử dụng thuốc viên điều trị COVID-19 tại Mỹ tăng cao - Ảnh 1.

Thuốc Paxlovid của Pfizer/BioNTech. Ảnh: Reuters

Số ca mắc mới và nhập viện tăng cũng khiến các chính quyền thành phố bắt đầu phải thay đổi khuyến nghị về các biện pháp phòng, chống dịch. Đơn cử như thành phố New York - thành phố đông dân nhất nước Mỹ, đã khuyến nghị người dân sử dụng khẩu trang nghiêm ngặt hơn.

Trong một tuyên bố, Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia dịch tễ học thuộc Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville nhận định càng ngày virus SARS-CoV-2 sẽ tấn công những người lớn tuổi hơn, ốm yếu hơn, mắc các bệnh lý nền hoặc suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, nhờ có các phương pháp điều trị tốt hơn, nên số người bình phục ra viện sẽ cao hơn.

Thống kê của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy hiện mỗi ngày Mỹ ghi nhận trung bình gần 97.000 ca mắc mới, tăng so với mức khoảng 73.000 ca 1 tuần trước đó.

Các ca mắc mới tại Mỹ tăng dần kể từ sau khi ghi nhận mức thấp kỷ lục gần đây là 30.000 ca/ngày hồi cuối tháng 3. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ngày 17/5 ước tính khoảng 50% số ca bệnh ghi nhận tuần trước nhiễm BA.2.12.1, biến thể phụ của Omicron - vốn lây lan ngày 1 tăng kể từ giữa tháng 4 và đang trở thành biến thể chủ đạo dọc khu vực Bờ Đông.

Tiến sĩ Schaffner lưu ý hiện virus SARS-CoV-2 đang có cơ hội lây lan, khi người dân đã không còn đeo khẩu trang, nhiều hoạt động đã được nối lại. Do đó, trong thời gian tới, giới chuyên gia và nhà chức trách cần xác định thời điểm virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đủ lớn để bắt đầu phải đeo khẩu trang lại hoặc giãn cách xã hội. Hiện New York cũng đang phải thảo luận điều này.

Chính quyền thành phố New York đã nâng cảnh báo dịch COVID-19 lên mức cao trong ngày 17/5, trong khi cơ quan y tế thành phố khuyến nghị tất cả người dân đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng có không gian kín và người dân trên 65 tuổi cần đeo khẩu trang ở những khu vực ngoài trời đông người.

Dựa trên số dân, vùng Đông Bắc nước Mỹ đã có số ca mắc mới tăng cao nhất trong 7 ngày qua. Hiện có khoảng gần 20.000 người phải nhập viện điều trị trên khắp cả nước, tăng so với mức 16.500 hồi tuần trước. Trung bình mỗi ngày, Mỹ có từ 300-500 ca tử vong do mắc COVID-19. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tới nay, đã có hơn 1 triệu người không qua khỏi ở nước này.

Tuy nhiên, nhà chức trách thừa nhận đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dân tiêm mũi tăng cường. Do đó, theo ông Schaffner, cần duy trì chiến dịch tiêm chủng. Mới đây, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã phê duyệt việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech để tiêm mũi tăng cường cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Ý kiến của bạn