Nhộn nhịp làng nghề gói bánh ú lá tre phục vụ Tết Đoan Ngọ ở Cà Mau
(VOVTV) - Mấy ngày này, không khí tại làng nghề gói bánh ú lá tre ở ấp Ông Tự (xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) rất nhộn nhịp. Cứ mỗi dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5, tháng 5 âm lịch), bà con làng nghề lại tất bật chuẩn bị nhưng vẫn không đủ hàng để cung ứng.
Nghề gói bánh ú lá tre ở ấp Ông Tự, xã Lợi An đã hình thành cách đây gần 40 năm. Lúc đầu chỉ có vài hộ gói bánh với quy mô nhỏ lẻ, còn hiện tại đã có hàng chục hộ gắn bó với nghề. Lúc bình thường bà con gói với số lượng ít, chủ yếu phục vụ dân địa phương và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, dịp mùng 5, tháng 5 âm lịch hàng năm, bà con huy động tối đa lực lượng nhằm đảm bảo đủ số lượng cung cấp theo đơn đặt hàng.
Theo người dân địa phương, bánh ú lá tre gắn liền tập tục giết sâu bọ vào ngày Tết Đoan Ngọ nên rất đắt hàng dịp này. Không chỉ nhu cầu trong tỉnh tăng cao mà nhu cầu đặt hàng còn đến từ nhiều tỉnh thành khác.
Bà Hà Thị Kỷ, người dân duy trì nghề và chuyên gom hàng bỏ mối chia sẻ: "Số lượng hàng năm tôi gom đi giao cho các chợ khoảng 400.000 – 500.000 cái. Giao từ TP HCM về Cần Thơ, Cà Mau. Năm nào dịp này cũng thiếu bánh. Khả năng làm ra chỉ được nhiêu đó thôi, nếu mình ráng làm ra thì sợ không đảm bảo chất lượng".
Nghề gói bánh ú lá tre ở ấp Ông Tự, xã Lợi An cũng giúp nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương có thu nhập khá vào dịp này. Đàn ông đảm đương việc luộc bánh kiếm được vài trăm ngàn đồng/ngày; còn phụ nữ gói bánh có thu nhập cao gấp nhiều lần.
Chị Nguyễn Kim Xoàn, chia sẻ về mức thu nhập từ nghề gói bánh mướn: "Làm một thiên (1.000 cái) được 600.000 đồng. Mỗi ngày làm được 3 thiên. Thu nhập thì cao đó nhưng không ổn định, mỗi năm chỉ được khoảng 1 tuần thôi".
Mặc dù thu nhập không ổn định nhưng các hộ dân trong làng nghề gói bánh ú lá tre ở ấp Ông Tự, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau có mức thu nhập khá cao từ nghề. Chỉ riêng khoảng thời gian sản xuất phục vụ Tết Đoan Ngọ mỗi hộ gia đình đã có lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Những hộ duy trì nghề gói bánh còn đang góp phần giữ gìn nghề, tạo sản phẩm hàng hóa mang nét đặc trưng riêng của địa phương.