Tin tức

Bài "Mơ đời chiến sĩ" và những kỷ niệm về mùa đông năm 1946

(VOVTV) - Những ai đã xem truyện “Lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, hẳn còn nhớ hình ảnh một nhân vật nhạc sĩ trẻ tuổi với cây đàn và cây súng tham gia 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô cùng với Trung đoàn.

Tác giả Đàm Trượng / VOVTV
29/12/2020 10:52

Chàng nhạc sĩ trẻ tuổi Thu Phong trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng chính là Lương Ngọc Trác (Nguyễn Quý Trác) ngoài đời, người đã cùng đơn vị "rút quân qua gầm cầu" vào một đêm tối trời mùa đông 1946, để hẹn 9 năm sau đến "Ngày thu ấy" sẽ trở về giải phóng Thủ đô. 

Tôi đã được nhiều lần hầu chuyện nhạc sỹ Lương Ngọc Trác khi ông còn sống. Nhớ về những kỷ niệm cũ, ông thường kể:

"Trước khi gia nhập Trung đoàn Thủ đô, tôi là tự vệ phố, tôi vẫn biểu diễn ở các  rạp hát, đêm về đi hát, quần áo và vũ khí tự túc, không có quân phục riêng, phù hiệu chỉ là ngôi sao gắn trên mũ ca-nô. Mấy ngày trước khi kháng chiến bùng nổ, tôi nghỉ đi làm và tham gia Tiểu đoàn Đông thành, chiến đấu ở khu vực Cửa Đông bây giờ, lúc ấy còn có hai tiểu đoàn nữa là tiểu đoàn Đồng Xuân (ở khu chợ Đồng Xuân) và tiểu đoàn Đông Kinh Nghĩa Thục ở khu vực Hàng Bạc. Trung đoàn bộ đóng ở phố Hàng Buồm. 

Tiểu đoàn trưởng của tôi lúc đó là đồng chí Vũ Yên, chính trị viên là anh Lê Trung Toản, trung đoàn trưởng là anh Hoàng Siêu Hải, còn đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ đạo toàn thành. Vũ khí rất thô sơ. Để chặn xe cơ giới địch, anh em không đào đường mà chỉ khoét cái lỗ nhỏ ở thân một cây to rồi gài mìn vào. Khi địch xuất hiện, giật cho mìn nổ, cây ngã, đè ngang mặt đường, cản xe giặc. 

Trong trận đánh ở phố Hàng Hòm, đồng chí Vũ Yên gửi tới một quả moocchie điếc của Pháp, chúng tôi tháo kíp cũ đi thay kíp mới vào. Để tấn công vào một căn nhà bên kia đường phố Hàng Hòm đang có bọn Pháp trấn giữ, đêm tối, tôi băng qua đường với quả đạn moocchie đã thay kíp, đặt trước cửa căn nhà với sự yểm trợ của anh em phía bên kia đường. Dự định khi quả moocchie nổ, cánh cửa bay ra, anh em chiến sĩ sẽ xung phong. Nhưng khi tôi giật nụ xoè, cánh cửa chỉ bục một lỗ nhỏ, thì ra sau cánh cửa giặc đã chèn rất nhiều bao cát. Địch ném lựu đạn ra, không may một mảnh đạn đã làm tôi bị thương ở chân. Tranh thủ bóng đêm, tôi bò sang bên kia đường và được anh em giúp đưa về tiểu đoàn. 

Hôm sau, tôi được đưa vào "bệnh viên dã chiến" của trung đoàn đặt trong một nhà kho của một thương gia phố Hàng Buồm. Anh Bùi Nguyễn Cát (sau là Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Bách Khoa) - Trưởng ban quản trị nói: "Không sao, nhạc sĩ cứ yên tâm điều trị ở đây, khi nào chúng tôi có mít tinh, anh đánh đàn giúp chúng tôi".

Khoảng vài ngày sau, anh Cát tới, đưa tôi một đôi nạng gỗ và bảo: "Anh tập đi đi, có lẽ chúng ta sắp rút". Chập tối hôm đó, trung đoàn được lệnh "rút ra ngoài vòng vây".

Nhớ về "Ngày thu ấy"  - Ảnh 1.

Trung đoàn Thủ đô. Ảnh tư liệu

Quả là một điều kỳ diệu mà tôi đến giờ vẫn chưa hiểu hết. Người nối người, không một tiếng động vũ khí mang theo, có cả cáng thương binh, chúng tôi vượt qua đê, chui qua gầm cầu Long Biên, lội sang bãi giữa, đi vài cây số thì có thuyền của du kích ngoại thành đón sang bên kia. Tôi vẫn còn nhớ rõ, khi qua cầu vẫn còn nhìn thấy điếu thuốc lập loẻ của một thằng Tây và chiếc đèn pin trong tay.

Trong những ngày nằm ở "bệnh viện dã chiến" tại phố Hàng Buồm, tôi sáng tác bài "Mơ đời chiến sĩ" để kỷ niệm những ngày gian khổ nhưng không thể nào quên. Sau đó, khi nhận bức thư của Bác gửi anh em Vệ quốc đoàn có câu: "Các em thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", tôi đã viết nhạc phẩm thứ hai trong thời kỳ này là "Thủ đô huyết thệ" tiếp theo là "Trường Chinh ca", "Lô giang"…

Bài "Mơ đời chiến sĩ" được sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt trước khi quân ta rút lui khoảng 3-4 ngày (tức là vào mùng 9 tết Đinh Hợi năm 1947), tôi lúc đó là thương binh nằm tại trạm quân y phố Hàng Buồm. Tình cờ đọc được một bài thơ hay đăng trên tờ Sao Vàng của Vệ Quốc đoàn có những câu rất phù hợp với tâm tư mình lúc ấy như:

          Mùa xuân đi không tiếc nữa đời hương

          Em lòng ơi, giữ lấy giấc mơ hường

          Ai mải miết một trời son với phấn

          Ta hùng anh lừng hát tiến lên đường.

Tên người sáng tác bài thơ đề ở dưới là Mạc Tần. Tôi lúc đó không biết Mạc Tần là ai, có thể anh ta cũng là một thanh niên đã từng vứt bỏ tất cả những hoa lệ của quá khứ để đứng trong hàng ngũ Vệ Quốc đoàn, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Ấy là tôi đoán như vậy.

Một ngày sau bài hát đó ra đời và được các chiến sĩ của Trung đoàn thủ đô yêu thích, bát hát tự nó lan truyền. Có thể nó được công chúng đón nhận vì "là hành khúc lạ mang tâm sự của thanh niên yêu nước Hà nội lúc bấy giờ"nhận xét của nhạc sĩ Doãn Nho sau này)… Tôi còn nhớ có những đêm trên chiến khu hàng nghìn chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô đốt lửa trại cùng đồng ca bài này theo nhịp đuốc.

Vào khoảng năm 1957, có một lần tôi và cố nhạc sĩ Vũ Trọng Hối đi công tác, xe lăn bánh dọc bờ đê sông Hồng, tới một khúc sông bỗng nhạc sĩ Vũ Trọng Hối dậm chân thình thình xuống sàn xe hét tướng: "Dừng lại…Dừng lại…". Tôi ra khỏi xe chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Nhạc sĩ Vũ Trọng Hối kéo tay tôi lên bờ đê, chỉ xuống dòng nước bạc mênh mông phía trước rồi nói:

Trác ơi, cậu phổ thơ Mạc Tần mà cậu chưa biết. Đây chính là nơi Mạc Tần đã hy sinh…

Qua lời anh Hối kể, tôi mới biết Mạc Tần nguyên là chính trị viên đại đội Vệ Quốc Đoàn. Trong thời gian 60 ngày đêm khói lửa, Mạc Tần được lệnh đưa đơn vị mình đến đây vượt sông để yểm trợ cho Hà Nội. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt và nhà thơ trẻ tuổi đã hy sinh ở đây.

Chúng tôi không ai bảo ai đứng trên bờ đê, cùng im lặng mấy phút mặc niệm hương hồn nhà thơ, liệt sĩ, người đã ngã vì độc lập tự do của Tổ Quốc. Thinh không yên tĩnh, bên bờ kia ngút ngàn xanh mướt. Nhà thơ đã mất nhưng tên tuổi của ông vẫn sống mãi với những áng thơ văn về cuộc chiến oai hùng của chúng ta.

Như vậy "Mơ đời chiến sĩ" là bài thơ của một liệt sĩ được phổ nhạc bởi một thương binh. Chúng tôi cùng là những thanh niên thề quyết tử để tổ quốc quyết sinh trong mùa xuân năm ấy.

Ý kiến của bạn