Nhờ nhóm người ‘chôn sống’ để dạy con, người cha có bị xử lý?
Sau vụ “chôn sống” nam thanh niên N.T.V 17 tuổi, quê Hà Tĩnh, ông N.V.H (cha của nạn nhân) thừa nhận do con trai hư hỏng nên nhờ người răn đe. Gia đình không ngờ sự việc đi quá xa, gây hiểu nhầm. Nhiều câu hỏi đặt ra: Người cha của nạn nhân có bị xử lý pháp luật?
Theo Công an thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, lực lượng chức năng đang tạm giữ 14 người để điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật sau khi xác định họ liên quan vụ “chôn sống” nam thanh niên N.T.V. Đối tượng Nguyễn Trọng Dương, 32 tuổi, người cầm đầu nhóm tham gia dọa chôn sống V. đã bị bắt vào đêm 29/3. Công an đang làm việc với nạn nhân và người thân để làm rõ sự thật về thông tin "người thân nhờ nhóm của Dương dạy dỗ nam thanh niên nhằm răn đe".
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức sáng 31/3, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Dù cha mẹ nạn nhân nhờ nhóm đối tượng “chôn sống” con để giáo dục thì vẫn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các bậc phụ huynh này có thể bị xử lý hình sự.
"Theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con cái. Tuy nhiên pháp luật nghiêm cấm hành vi bạo lực xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con cái, của trẻ em”, ông Đặng Văn Cường cho biết.
Theo luật sư, pháp luật không cho phép cha mẹ giáo dục con cái bằng bạo lực. Trường hợp cha mẹ trực tiếp đánh đập, hành hạ con cái cũng là vi phạm pháp luật. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người đánh đập, hành hạ sẽ bị xử lý hình sự về tội hành hạ con theo Bộ luật Hình sự - BLHS năm 2015", luật sư Cường cho biết.
Đại diện Công ty luật Hoàng Sa cho biết: Một tình tiết cần được lưu ý là lời khai của các nghi phạm về việc phụ huynh của V. nhờ họ răn đe thanh niên V. để cậu đỡ chơi bời. Nếu chứng minh có sự bàn bạc trước khi nhóm nghi phạm gây ra vụ việc, người thân của V. sẽ là đồng phạm. Với trường hợp này, cơ quan công an sẽ làm rõ ai đứng sau vụ hành hạ, “chôn sống” nạn nhân?
Thời gian gần đây, nhiều trường hợp ông bố, bà mẹ đã bị xử lý hình sự về tội hành hạ con do thuê, nhờ người khác đánh đập, dọa nạt con mình để giáo dục. "Trường hợp thuê người khác gây thương tích, người đi thuê và người được thuê đều bị xử lý hình sự về tội ‘Cố ý gây thương tích’. Với trường hợp của V, cơ quan điều tra sẽ làm rõ thỏa thuận giữa bố mẹ nạn nhân đối với nhóm đối tượng này có nội dung ra sao”, ông Đặng Văn Cường cho biết.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy bố mẹ của nạn nhân V. đã thỏa thuận, cho phép nhóm đối tượng “chôn sống” con mình, phụ huynh V. cũng phải liên đới chịu trách nhiệm pháp lý. Trong trường hợp xử lý cả cha mẹ của nạn nhân, cơ quan tố tụng sẽ tính đến dấu hiệu của tội hành hạ con theo quy định tại Điều 185 BLHS năm 2015"
Theo một số luật sư, nếu cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ xử lý về tội ngược đãi hành hạ V., nhóm đối tượng “chôn sống” V. vẫn bị xem xét xử lý về tội “Cố ý gây thương tích; làm nhục người khác; đe dọa giết người hoặc tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo BLHS năm 2015. Hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh nào thì sẽ xử lý hình sự về tội danh đó.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một nam thanh niên trong tình trạng cởi trần đã bị trói tay, trùm bao tải trắng quanh đầu. Nạn nhân bị những người đứng xung quanh đe dọa, dùng dép đánh vào mặt, yêu cầu nằm xuống hố đào sẵn và lấp đất cùng lời tuyên bố "tự bới được đất lên thì sống"...
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Tin nổi bật
Tin Video