Khám phá

Nhớ hoài lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang

(VOVTV) - Năm nay, do dịch Covid-19, lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang không được tổ chức đúng dịp đầu tháng 9 âm lịch như mọi năm, nhưng tỉnh đã tổ chức một cuộc đua bò vào cuối tháng 11 để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân và du khách.

Tác giả Đông Phương
18/12/2020 17:04

Vừa qua, tôi có dịp đi du lịch An Giang, xem show diễn đua bò Bảy Núi. Lúc đi tôi có phần tiếc vì nghe kể về lễ hội này đã lâu nhưng đã cuối tháng 11, thời điểm của lễ hội đua bò (29/8 đến 1/9 Âm lịch) đã qua nên chỉ biết tiếc nuối. Thật may mắn, tỉnh đã tổ chức một cuộc đua bò vào cuối tháng 11 để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân và du khách và tôi là một trong những du khách đó.

Chứng kiến những pha rượt đuổi ngoạn mục của những cặp bò dũng mãnh dưới sự điều khiển tài tình của các tay nài, tôi chợt nhận ra, An Giang không chỉ hấp dẫn du khách nhờ lễ hội Bà Chúa Xứ, cây thốt nốt, lẩu mắm và rừng tràm Trà Sư…

Nhớ hoài lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang - Ảnh 1.

Lễ hội đua bò kéo bừa truyền thống ở vùng Bảy Núi (Thất Sơn), tỉnh An Giang thường diễn ra từ 29/8 đến 1/9 Âm lịch, cùng với lễ hội Sen Dolta (lễ cúng ông bà) của người Khmer

Sân đua là một khoảnh ruộng bằng phẳng, nước xăm xắp, được cày xới nhiều lần cho trơn mượt. Nơi xuất phát và tại điểm đích cắm 2 cây cờ xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m. Cặp bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó. Từng cặp bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ, bên dưới là răng bừa.

Nhớ hoài lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang - Ảnh 2.

Hàng nghìn người dân yêu mến môn đua bò quanh khu vực và du khách đã tranh thủ cơ hội hiếm có này để xem cuộc tỉ thí quyết liệt giữa các cặp bò

Nài bò cầm khúc gỗ tròn, đầu có tra cây đinh nhọn gọi là cây xà-lul. Khi  trọng tài ra lệnh xuất phát, nài bò chích mạnh cây xà-lul vào mông, bò bị đau sẽ lao nhanh về phía trước.

Trong khi đua, đôi bò nào chạy ra khỏi đường đua sẽ bị loại, đôi bò nào cán đích trước mà không phạm luật hoặc đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước sẽ thắng cuộc. Nài bò bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa thì coi như thua cuộc.

Nhớ hoài lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang - Ảnh 3.

Hai cặp bò cạnh tranh nhau quyết liệt

Anh Chao Văn To, người Khmer ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, đã tham gia lễ hội đua bò từ hơn 20 năm nay, chia sẻ: "Quan trọng là cặp mắt và đôi tay. Nài bò phải quan sát thật nhanh và cầm dây dàm cho cứng. Nếu bò chạy nhanh quá, nài bò yếu thì sẽ thua".

Lần đầu tiên đi xem show diễn, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bởi đã đi du lịch ở một số nơi, tôi từng được xem đua ngựa, đua chó, đua lợn..., trong đó đua ngựa là phổ biến nhất, đặc biệt là ở các nước châu Âu. Tuy nhiên, đua ngựa là một kỵ sĩ, một ngựa điều khiển. Còn đua bò vùng Bảy Núi là hai con bò chạy song song và chạy trên đường đua có nước, điều khiển khó hơn rất nhiều. Chỉ cần thiếu chính xác và nhanh nhạy trong xử lý tình huống, nài bò đã có thể thua cuộc thậm chí làm chính mình bị thương.

Nhớ hoài lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang - Ảnh 4.

Xử lý tình huống chưa chuẩn xác, một nài bò bị thương trong quá trình đua

Tìm hiểu về giống bò đua Bảy Núi, tôi được anh Chao Văn To cho biết, bò vùng Bảy Núi có vóc dáng cao lớn, lông trắng, con trưởng thành nặng chừng nửa tấn. Bò đua tốt nhất là vào quãng 8, 9 năm tuổi. Khoảng một tháng trước khi đua, bò sẽ không phải đi cày, bừa và được chăm sóc với chế độ đặc biệt. Buổi sáng, bò được ăn 3 quả trứng vịt lộn, 4 quả trứng vịt thường, 2 chai bia và 200g đường cát. Trưa bò ăn cỏ, tối ăn rơm để cơ bụng được săn chắc.

Nhớ hoài lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang - Ảnh 5.

Cặp bò chiến thắng chỉ cách cặp bại trận vài bước chân

Khi cặp bò giành chiến thắng thì không chỉ nài bò mà cả phum, sóc cũng vui lây. Bởi theo quan niệm của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, phum, sóc nào có bò đoạt giải sẽ gặp nhiều may mắn, mùa vụ bội thu, dân làng no ấm.

Được biết, lễ hội đua bò Bảy Núi xuất phát từ việc hằng năm vào mùa cấy, những người nông dân Khmer từ các phum, sóc đến cày ruộng giúp các nhà chùa và nhân dịp này tổ chức tranh tài kéo bừa. Dần dần thành thông lệ, sư cả các chùa đứng ra tổ chức thưởng cho các đôi thắng cuộc và từ đó đua bò trở thành lễ hội truyền thống hằng năm của người Khmer, đặc biệt ở hai huyện miền núi là Tri Tôn và Tịnh Biên.

Rời sân đấu lúc giữa trưa, khi các cặp bò đã được phân rõ ngôi thứ, tôi vẫn còn nhớ mãi cảm giác ngạc nhiên xen lẫn thích thú về một màn thi đấu kịch tính, đầy tinh thần thể thao và đậm bản sắc văn hóa của người nông dân Khmer vùng núi An Giang.

Ý kiến của bạn