Tin tức

Nhìn lại sự việc nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa: Nguyên nhân của sự chậm trễ trong điều hành

(VOVTV) - Mặc dù tại kỳ điều hành ngày 11/10, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước tại giá cơ sở xăng dầu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song, đây mới chỉ là biện pháp tình thế, chưa giải quyết hết những khó khăn, vướng mắc của thị trường xăng dầu thời gian qua.

Tác giả Phạm Nguyên Long / VOV1
11/10/2022 16:43

Theo các chuyên gia, nguyên nhân để xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ở một số địa phương, dẫn đến nhiều cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu phải đóng cửa hoặc bán cầm chừng, gây khó khăn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới tâm lý xã hội những ngày gần đây chính là do cơ quan quản lý – mà cụ thể là Liên bộ Công Thương - Tài chính - đã điều hành lỗi nhịp với biến động bất thường của giá xăng dầu thế giới, nhưng lại thiếu sự lắng nghe, chia sẻ với khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Nhìn lại sự việc nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa: Nguyên nhân của sự chậm trễ trong điều hành - Ảnh 1.

Nhiều cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu phải đóng cửa/ hoặc bán cầm chừng

Đó là khẳng định của ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội (HH) xăng dầu Việt Nam tại rất nhiều hội thảo cũng như văn bản mà HH gửi tới Liên Bộ Công Thương - Tài chính về những bất cập trong điều hành giá xăng dầu thời gian qua gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hệ quả là để cùng chia sẻ rủi ro trong kinh doanh mặt hàng có điều kiện, đầu mối đã giảm chiết khấu hoa hồng cho đại lý phân phối bán lẻ, thậm chí đã chiết khấu “0 đồng” và buộc doanh nghiệp bán lẻ phải tự vận chuyển để có xăng dầu bán cho người tiêu dùng.

Qua nhiều tháng cầm cự, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã đuối sức vì thua lỗ. Ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang nêu thực tế: "Tình hình chung là vậy, mình biết họ lỗ thật mà. Hiện giờ người ta càng bán càng lỗ chứ làm sao bây giờ. Các bộ phải có ý kiến, có cơ chế hoa hồng tối thiểu kiểu gì cho người ta bán chứ  làm càng ngày càng lỗ mà bắt người ta bán hoài sao được. Chắc là Bộ có chính sách, có hướng chứ ép người ta bán lỗ sao được, ví dụ cơ bản một ngày một bữa thì được chứ dài ngày quá sao được".

Nhìn lại sự việc nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa: Nguyên nhân của sự chậm trễ trong điều hành - Ảnh 2.

Đại lý bán lẻ xăng dầu phải đóng cửa hoặc bán cầm chừng, gây khó khăn cho người tiêu dùng

Ghi nhận việc liên bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10 (cụ thể: premium trong nước với xăng RON92 (xăng nền pha chế E5RON92), RON95 tăng 350 đồng, lên 1.320 - 1.340 đồng/lít; dầu diesel là 30 đồng/lít; dầu hỏa và mazut 0 đồng. 

Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng với xăng RON92 (xăng nền để phối trộn E5RON92) tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít; RON 95 tăng 70 đồng lên 280 đồng/lít; dầu diesel được tăng lên 240 đồng; dầu hoả, dầu mazut 0 đồng), mức tăng này giúp phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường, song, theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh thì để xảy ra những xáo trộn trên thị trường xăng dầu thời gian qua có nguyên nhân căn bản của việc cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong điều hành và là bài học cần được rút ra cho các cơ quan quản lý trong thời gian tới.

Một điểm nữa cũng được các chuyên gia yêu cầu cần làm rõ, đó là tại sao chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối thực hiện nhập khẩu xăng dầu trong quý 3 vừa qua dẫn đến sản lượng xăng, dầu nhập khẩu đã giảm từ 35-40% (tuỳ loại) so với quý trước đó cũng như đánh giá những tác động của việc “tước giấy phép có thời hạn” các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thời gian qua và biện pháp xử lý trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn