Nhìn lại một năm châu Âu chìm trong phong tỏa
Vào thời điểm này năm ngoái, một cảnh tượng chưa từng thấy đã diễn ra ở châu Âu. Những hạn chế nghiêm ngặt nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã được áp đặt lên một quốc gia phương Tây để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
“Toàn bộ quốc gia Italy đã bị phong tỏa” là tiêu đề gây sốc trên tờ Corriere della Sera vào ngày 10/3.
Chỉ trước đó một hôm, vào ngày 9/3/2020, trên 60 triệu dân Italy đã được yêu cầu ở nhà, chỉ được phép ra ngoài trong những trường hợp cần thiết. Các trường học và tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu đã phải đóng cửa. Chỉ có siêu thị, ngân hàng, nhà thuốc và bưu điện được phép mở cửa. Mọi hoạt động đi lại trong nước đều phải tạm dừng, ngoại trừ lý do sức khỏe hoặc những lý do khẩn cấp khác.
Chỉ vài ngày sau đó, phần lớn các quốc gia khác trong châu lục này cũng thực hiện biện pháp tương tự. Đến ngày 18/3/2020, một nửa dân số châu Âu, trên 250 triệu người, đều ở trong tình trạng phong tỏa, trong bối cảnh một số nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng gấp đôi chỉ trong 2 -3 ngày.
Một năm sau, khi một số quốc gia đã nới lỏng lệnh phong tỏa lần thứ 2, đôi khi là thứ 3, hay thậm chí tiếp tục gia hạn, các biện pháp phòng dịch lần đầu tiên được ban bố ở Italy dường như không còn gây sốc nữa.
Ngoài kỳ nghỉ hè ngắn ngủi, phần lớn người dân châu Âu đã từ bỏ những thói quen thường ngày, như lang thang trên phố, ghé vào quán cà phê, nán lại ăn trưa ở nhà hàng hay chào hỏi bằng một nụ hôn trên má. Thay vào đó, họ đã dần hình thành những thói quen mới , như mua cà phê mang về, mua sắm qua Internet và chào hỏi nhau bằng cú chạm khuỷu tay.
Phong tỏa cũng đã thay đổi nhận thức và ưu tiên của châu Âu. Gần 70% người dân cho biết công việc của họ đã thay đổi hoàn toàn. Một cuộc thăm dò sau đợt phong tỏa đầu tiên của Pháp vào năm ngoái cho biết trên 80% người lao động muốn làm việc tại nhà nhiều hơn trong tương lai.
Cứ 10 người thì có 6 người cảm thấy cách chi tiêu của họ đã thay đổi. 74% sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm được sản xuất trong nước. Một nửa số người tham gia khảo sát cho biết họ coi trọng mối quan hệ với bạn bè và gia đình hơn.
“Chúng tôi đã chứng kiến những điều tương tự sau các cuộc khủng hoảng lớn khác như sự sụp đổ tài chính hay vụ khủng bố năm 2015 ở Paris. Trong những trường hợp đó, sức ì mạnh mẽ hơn mong muốn thay đổi. Sự kiện lần này đã thay đổi thái độ với hành vi của người tiêu dùng, công việc, nhà cửa. Tâm lý tập thể cũng chắc chắn đã thay đổi", ông Frédéric Daby thuộc Viện thăm dò Ifop, nói.
Song các biện pháp phong tỏa cũng có một số nhược điểm, nổi bật hơn trong đợt phong tỏa lần 2. Một nghiên cứu gần đây cho thấy người Đức đang phải vật lộn nhiều hơn với các vấn đề sức khỏe tâm thần trong đợt phong tỏa lần 2 so với đợt đầu tiên.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Saarland nhận thấy sự hài lòng trong cuộc sống đã giảm đáng kể. “Thay vào đó, những lo lắng, căng thẳng và trầm cảm đều tăng lên. Đánh giá của con người về xã hội cũng thay đổi mạnh mẽ”, trưởng dự án, Dorota Reis, cho biết.
Trong đợt phong tỏa đầu tiên, mọi người xã hội được cho là đã xích lại gần nhau hơn. Song hiện tại, dường như họ "khá ích kỷ”. Còn quá sớm để khẳng định liệu tâm trạng của người dân có cải thiện khi các biện pháp phòng dịch được dỡ bỏ hay không.
Việc các trường học và trường đại học phải đóng cửa trong suốt thời gian dài, và sự sụt giảm việc làm sau đại học, đã gây ra một áp lực lớn cho trẻ em và sinh viên khi họ phải hứng chịu gánh nặng của biện pháp phòng dịch này.
Một nghiên cứu ở Pháp cho thấy 50% số học sinh có “dấu hiệu đau khổ về tâm lý”. Các nhà chức trách Hà Lan cho biết một số khu điều trị tâm thần thanh thiếu niên đang phải hoạt động hết công suất. Trong khi đó, trong đợt lây nhiễm thứ 2, Italy ghi nhận số thanh niên có ý định tự tử hoặc tự làm hại bản thân tăng 30%.
Trong đợt phong tỏa đầu tiên ở Tây Ban Nha được cho khắc nghiệt nhất của châu Âu, trẻ em đã bị ảnh hưởng nặng nề khi chúng không được phép rời khỏi nhà để tập thể dục ngoài trời, đi dạo quanh nhà hoặc thậm chí đi cùng cha mẹ đi siêu thị.
Sau Italy, Tây Ban Nha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc vào ngày 14/3, áp đặt lệnh phong tỏa cho trên 46 triệu dân. Các cửa hàng không thiết yếu và trường học phải cũng phải đóng cửa và lý do duy nhất để rời khỏi nhà là đi siêu thị.
Pháp cũng áp dụng các biện pháp này vào ngày 17/3, yêu cầu người dân không ra ngoài, ngoại trừ mua sắm, làm các công việc thiết yếu khác hoặc tập thể dục 1 giờ mỗi ngày. Trong khi đó, Đức đã áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội cứng rắn nhưng không phong tỏa chính thức cho đến ngày 22/3.
Chính phủ Hà Lan cũng đã áp dụng lệnh "phong tỏa thông minh" vào ngày 16/3. Quốc gia này yêu cầu đóng cửa các quán bar, nhà hàng, bảo tàng, trường học và cấm các sự kiện quy mô lớn. Theo sau Hà Lan, Bỉ cũng bắt đầu phong tỏa từ ngày 18/3.
Bồ Đào Nha đã lần đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp kể từ khi đất nước trở lại chế độ dân chủ vào năm 1976, trong khi Cộng hòa Séc và Ba Lan đã sớm dừng mọi hoạt động từ ngày 12 và 13/3.
Thụy Điển là quốc gia từ chối phong tỏa hoàn toàn. Thay vào đó, đất nước này đã cấm tụ tập trên 50 người. Không ban bố lệnh phong tỏa, người dân Thụy Điển vẫn phải tự quan sát để giãn cách và làm việc tại nhà bất kỳ khi nào có thể.
Một năm đã trôi qua, có thể thấy rõ ràng rằng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã giúp các quốc gia sớm “làm phẳng đường cong” dịch bệnh. Italy đã phong tỏa chỉ 5 tuần sau khi xuất hiện ca mắc đầu tiên, vào thời điểm nước này ghi nhận 7.300 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tương tự, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của Tây Ban Nha được đưa ra khi có trên 4.200 ca nhiễm được ghi nhận.
Ba Lan đã phong tỏa chỉ sau 29 ca mắc và trải qua làn sóng dịch bệnh đầu tiên nhỏ hơn nhiều các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, tương tự Hà Lan, Anh ghi nhận 800 ca mắc vào ngày 14/3, phong tỏa một tuần sau đó và đến giữa tháng 4, số ca lây nhiễm nhiều gấp 3 lần Hà Lan.
Tin nổi bật
Tin Video