Nhìn lại chiến thắng Điện Biên Phủ trên không
(VOVTV) -“Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" mang ý nghĩa quyết định, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam bằng bản hiệp ước Paris ngày 27/1/1973.
Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong chuyến thăm bộ đội phòng không Hà Nội: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay "bê" gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa, ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng."
Đến năm 1967, Bác Hồ tiếp tục khẳng định "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội".
Nhờ tầm nhìn chiến lược mà quân và dân Việt Nam đã bắt tay vào công cuộc chuẩn bị cho chiến thắng lịch sử năm 1972 ở thời điểm mà có thể chính quân Mỹ cũng chưa nghĩ rằng mình sẽ kéo quân ra Hà Nội.
Đúng như dự liệu, ngày 17/12/1972, tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh thực hiện chiến lược tập kích bằng không quân vào Hà Nội và Hải Phòng.
Sự chủ quan của đế quốc Mỹ
Máy bay B52 được Mỹ mệnh danh là pháo đài bay bất khả xâm phạm. Đây là "con át chủ bài" được Mỹ sử dụng trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Được biết, một chiếc B52 chở được 30 tấn bom.
Neil Sheehan, một phóng viên chiến trường chia sẻ rằng mọi thứ trong vòng diện tích có chiều rộng 3,2km, chiều dài 9-12km sẽ bị xóa sổ hoàn toàn nếu một biên đội 6 chiếc B-52 thả bom từ độ cao 10.000m.
Đi kèm với B52 là các máy bay có hệ thống làm nhiễu sóng ra-đa để yểm trợ. Vì vậy, giới chức trách Mỹ lúc đó tin rằng, quân ta sẽ không thể nào nhận ra được sự có mặt của chúng trên bầu trời và những quả pháo hay súng chỉ là món đồ chơi dưới mặt đất.
Trong chiến dịch "Linebacker II" đã có gần 200 máy bay B52 được huy động cùng nhiều máy bay chiến đấu khác. Nếu xét tương quan lực lượng thì không quân Mỹ hoàn toàn áp đảo trên bầu trời miền Bắc.
Các phi công Mỹ tham gia cuộc chiến sau này kể lại điều mà chỉ huy của họ đã nói trước khi những chuyến bay vào miền Bắc Việt Nam cất cánh: Bay vào Hà Nội chỉ như cuộc dạo chơi trong đêm phương Đông, ở độ cao 10.000m, đối phương không thể với tới, các bạn chỉ cần ấn nút rồi trở về căn cứ an toàn, sạch sẽ.
Cuộc chiến của tinh thần yêu nước
Trong suốt 12 ngày đêm, Hà Nội và miền Bắc Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 80 nghìn tấn bom đạn. Riêng ở Hà Nội, Mỹ đã tiến hành sử dụng hơn 400 lượt máy bay B52 cùng hàng nghìn các loại máy bay quân sự chiến đấu khác để ném 10 nghìn tấn bom.
Mục đích của Mỹ lúc đó là muốn đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.
Trước sức mạnh quân sự lớn của đế quốc Mỹ, toàn quân, toàn dân Việt Nam đã cùng đồng lòng, chung sức chiến đấu. Đối với người dân Việt Nam lúc đó, họ không sợ nguy hiểm, không sợ hy sinh, không sợ mất mát mà là sợ không được hòa bình, không được thống nhất.
Với ý chí sắt đá, tinh thần mạnh mẽ, Việt Nam đã chiến thắng được tất cả, biến "pháo đài bay bất khả xâm phạm" của Mỹ thành những khối sắt vụn.
Kết thúc 12 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã bắn hạ 34 máy bay B52 trên tổng số 81 máy bay, 43 giặc lái bị bắt sống, khiến cuộc tập kích quy mô của Mỹ hoàn toàn thất bại.
Tin nổi bật
Tin Video