Nhiều trường đại học Trung Quốc hướng tới đào tạo nhân tài chống tham nhũng
(VOVTV) - Từ đầu năm đến nay, nhiều trường đại học ở Trung Quốc đã thành lập các học viện hoặc viện nghiên cứu về kiểm tra kỷ luật và giám sát. Việc làm này được đánh giá là nhằm đào tạo nhân tài và chuẩn hóa công tác phòng chống tham nhũng ở Trung Quốc.
Thời gian gần đây, nhiều trường đại học ở Trung Quốc, như Đại học Thanh Hoa, Đại học Giang Tô... đã thành lập học viện hoặc viện nghiên cứu về kiểm tra kỷ luật và giám sát, nhằm hướng tới xây dựng lĩnh vực này thành một ngành học để đào tạo nhân tài chống tham nhũng.
Trong một ấn bản mới về danh mục các môn học và chuyên ngành đào tạo sau đại học được Trung Quốc phát hành vào tháng 9, kiểm tra kỷ luật và giám sát đã được đưa vào và trở thành môn học cấp một thuộc các chuyên ngành luật.
Hồi tháng 2/2022, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành Thông báo về kết quả phê duyệt các chuyên ngành đại học trong các cơ sở giáo dục đại học chính quy năm 2021, trong đó Đại học Nội Mông đã trở thành cơ sở đào tạo đại học đầu tiên của nước này được thành lập chuyên ngành đại học về kiểm tra kỷ luật và giám sát.
Cũng trong tháng 2, Đại học Giang Tô đã thành lập Học viện kiểm tra kỷ luật và giám sát. Tháng 8, Đại học Hải Nam, Đại học Sư phạm Quý Châu và Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cũng thông báo quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu hoặc Viện nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Theo một thông báo về đăng ký chuyên ngành đại học của các trường đại học cao đẳng năm 2022 của Bộ Giáo dục Trung Quốc hồi tháng 8, đã có 16 trường đại học ở nước này có kế hoạch bổ sung chuyên ngành kiểm tra kỷ luật và giám sát vào bậc đại học.
Được biết, từ năm 2008, một số trường đại học của Trung Quốc đã bắt đầu tìm hiểu việc thiết lập bộ môn kiểm tra kỷ luật và giám sát. Năm 2013, Đại học Chính Pháp Trung Quốc (CUL) đã đưa kiểm tra kỷ luật và giám sát trở thành một bộ môn độc lập để tuyển sinh. Đến năm 2020, CUL đã đổi tên bộ môn này thành “giám sát quốc gia” và tiếp tục tuyển sinh sau đại học.
Trước đó, năm 2010, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc và Đại học Nhân dân Trung Quốc từng ký một bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo nghiên cứu sinh thạc sĩ trong lĩnh vực điều tra tội phạm công vụ. Các nghiên cứu sinh tham gia khóa học được gọi là các “Thạc sĩ chống tham nhũng”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 100 cơ sở nghiên cứu liên quan đến kiểm tra kỷ luật và giám sát do các trường đại học và viện nghiên cứu ở Trung Quốc thành lập tính đến tháng 10/2022.
Trong một bài báo đăng ngày 22/9 trên Báo Kiểm tra kỷ luật và Giám sát Trung Quốc, Hiệu trưởng CUL Mã Hoài Đức, cho rằng kiểm tra kỷ luật và giám sát là ngành học mới có ý nghĩa thực tiễn to lớn, liên quan mật thiết đến sự nghiệp phát triển của đảng và nhà nước, giúp đưa ra những chỉ đạo lý luận về xây dựng đảng, chính quyền trong sạch và đấu tranh phòng chống tham nhũng, là một bước đi quan trọng trong việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống bộ môn triết học và khoa học xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Theo các chuyên gia nước này, kiểm tra kỷ luật và giám sát là một loại hoạt động có chức năng chính là giám sát trong nội bộ đảng và giám sát quốc gia. Việc thành lập ngành học liên quan đến lĩnh vực này giúp chuẩn hóa và pháp chế hóa lĩnh vực kiểm tra kỷ luật và giám sát, nâng cao trình độ khoa học của công tác phòng chống tham nhũng.
Kể từ sau Đại hội XVIII, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành một cuộc đấu tranh “không khoan nhượng” với tệ nạn tham nhũng. Thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2022, các cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát nước này đã thẩm tra điều tra 4,39 triệu vụ việc liên quan đến hơn 4,7 triệu cán bộ đảng viên, trong đó có 640.000 người bị xử lý kỷ luật Đảng và chính quyền.
Tin nổi bật
Tin Video