Tin tức

Nhiều quốc gia EU không ủng hộ việc cắt giảm năng lượng bắt buộc

(VOVTV) - Trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang hối thúc các nước thành viên hạn chế sử dụng khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông, đồng thời cảnh báo nguồn cung khí đốt từ Nga có thể bị cắt đứt, các quan chức EU đang tìm cách cứu vãn kế hoạch cắt giảm khí đốt này khi các quốc gia chủ chốt đang yêu cầu cắt bỏ các đề xuất nhằm mục đích dàn trải chi phí trong khối.

Tác giả Hải Đăng / VOV Praha
26/07/2022 07:35

Mức độ khẩn cấp ngày càng tăng cao khi tập đoàn Gazprom, gã khổng lồ năng lượng của Nga cho biết họ sẽ giảm một nửa việc vận chuyển qua Nord Stream 1, đường ống mà châu Âu lo ngại trước đây có thể không hoạt động trở lại sau giai đoạn bảo trì gần đây.

Kế hoạch cắt giảm được Ủy ban châu Âu công bố trên toàn EU xuống 15% trong vài tháng tới đang đặt ra nhiều bất đồng và thách thức cho các quốc gia trong khối. Nhiều chính phủ đặc biệt là các quốc gia Nam Âu ít phụ thuộc hơn vào Nga cho rằng các quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga nên là những quốc gia phải chịu gánh nặng của bất kỳ sự cắt giảm tiêu thụ nào.

Các quốc gia này cho rằng, việc phân bổ phải phản ánh đúng lượng khí đốt mà các quốc gia hiện đang sử dụng, quản lý và đảm bảo trong các kho dự trữ. Các quốc gia trong khối cho rằng việc cắt giảm này nên được tự do lựa chọn theo các biện pháp phù hợp để đạt được mức giảm nhu cầu hiện tại.

Nhiều quốc gia EU không ủng hộ việc cắt giảm năng lượng bắt buộc - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Inews.co

Việc cắt giảm của EU đang có nhiều ý kiến trái chiều khi cơ quan quản lý năng lượng của Đức cảnh báo ngay cả mức cắt giảm 15% trên diện rộng cũng là quá ít so với thực tế hiện nay và nước này đã yêu cầu các hộ gia đình và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ở Đức giảm mức tiêu thụ 20% trong mùa đông tới.

Theo báo cáo, EU đã nhập khẩu 40% khí đốt tự nhiên từ Nga vào năm ngoái, tương đương 155 tỷ mét khối, nhưng đối với Đức, con số này là 55%, với phần lớn được cung cấp thông qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1, một số quốc gia không nhập khẩu khí đốt của Nga là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và CH Síp cũng không tán đồng quy định cắt giảm hiện tại. Trước đó, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Phần Lan, Ba Lan, Bulgaria và các nước Baltic.

Trong ngày 25/7, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết họ sẽ cắt giảm lượng khí đốt hàng ngày qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 33 triệu mét khối kể từ 27/7, ước khoảng 20% công suất của đường ống, bằng một nửa lượng giao hàng hiện tại.

Ủy ban châu Âu cho biết, EU cần phải loại bỏ sự phụ thuộc năng lượng của Nga và đã tuyên bố sẽ tự cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga vào năm 2027. Kế hoạch ban đầu của phân bổ khí đốt sẽ là tự nguyện, nhưng có thể tiến tới ràng buộc nếu ít nhất 5 quốc gia có yêu cầu cảnh báo trên toàn EU. Liên minh châu Âu cũng đang đặt mục tiêu dự trữ ở mức 80% vào ngày 1 tháng 11 tới để đảm bảo nhu cầu sử dụng không bị gián đoạn trong mùa đông./.

Ý kiến của bạn