Nhiều quốc gia cán mốc mới về tiêm vaccine phòng Covid-19: Giải pháp căn cơ để đẩy lùi dịch bệnh
Trong bối cảnh biến chủng Delta và những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục đe dọa thành quả phòng, chống dịch Covid-19 của nhân loại, các quốc gia đang dồn mọi nguồn lực triển khai chương trình tiêm vaccine; trong đó, nhiều quốc gia đã cán mốc mới về số người được tiêm chủng. Đây được xem như thứ “vũ khí” hiệu quả, đồng thời là giải pháp căn cơ giúp thế giới đẩy lùi dịch bệnh.
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới ngày 21/9, toàn cầu đã tiêm hơn 5,95 tỷ liều vaccine phòng Covid-19, trong đó có 2,49 tỷ người đã được tiêm đủ 2 mũi, chiếm 31,9% tổng dân số thế giới. Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu về số lượng với 2,04 tỷ liều tiêm, 889 triệu người dân từ 12 tuổi được tiêm đủ 2 mũi. Đứng ở vị trí thứ hai là Ấn Độ, đã tiêm 805 triệu liều cho người từ 12 tuổi với 203 triệu người dân được tiêm đủ 2 mũi.
Đứng ở vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng là Mỹ khi tiêm được 386 triệu liều trong đó tiêm đầy đủ cho 181 triệu người dân từ 12 tuổi, tương đương 55,3% dân số. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong nhóm các cường quốc hàng đầu thế giới. Tương tự, nhiều quốc gia có quy mô dân số nhỏ hiện cũng đã đạt tới mốc tiêm chủng đủ 2 mũi hết sức ấn tượng trong đó Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), tiêm cho người từ 3 tuổi trở lên, đạt mức 82,1% tổng dân số.
Tại châu Âu, các quốc gia đi đầu trong nỗ lực gia tăng tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi cho người từ 12 tuổi trở lên là: Bồ Đào Nha (81%), Iceland (76,8%). Những nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) cũng tiêm chủng cho người từ 12 tuổi trở lên đủ 2 mũi rất khả quan, cụ thể là: Đức (63,2%), Italia (65,6%), Pháp (64,2%). Tại Anh, tới hết ngày 19/9 vừa qua, đã có 66,7% người dân (độ tuổi tiêm chủng tại Anh cho đến 19/9 là từ 16 tuổi trở lên) được tiêm đủ 2 mũi. Còn tại Đông Nam Á, Singapore có tỷ lệ dân số từ 12 tuổi trở lên được tiêm phòng đầy đủ đạt khoảng 90%.
Một xu hướng đáng chú ý góp phần gia tăng độ phủ vaccine nằm ở việc nhiều quốc gia bắt đầu mở rộng nhóm đối tượng được tiêm chủng. Từ 20/9, Anh khởi động chiến dịch tiêm chủng cho nhóm trẻ em 12-15 tuổi, ước tính khoảng 3 triệu người. Trong khi đó, Australia đã tiêm đầy đủ vaccine cho 47,03% nhóm trên 16 tuổi và tiếp tục theo đuổi mục tiêu tiêm chủng tới 80% người trên 16 tuổi khi kết thúc năm 2021. Tại châu Á, Malaysia từ ngày 20/9 đã triển khai chương trình tiêm chủng Covid-19 cho khoảng 3,2 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-18. Tuy nhiên, các nỗ lực giảm độ tuổi tiêm phòng đang vấp phải rào cản về chọn lựa chủng loại vaccine bởi hầu hết các loại vaccine Covid-19 được phê duyệt hiện chưa được xác nhận đủ điều kiện tiêm phòng cho trẻ em.
Trong bối cảnh các nỗ lực tiêm chủng không ngừng được đẩy mạnh thì việc bảo đảm nguồn cung vaccine vẫn luôn là thách thức lớn, đặc biệt là những nước nghèo. Theo tờ The Guardian (Anh), 80% dân số các nước giàu hiện đã được tiêm ít nhất 1 liều, thậm chí nhiều nước đã tính tới việc tiêm mũi tăng cường thứ tư cho người dân. Trong khi đó, con số này ở các nước nghèo mới chỉ là 20%. Số liệu của WHO cũng chỉ ra, năm 2021, các nước châu Phi sẽ thiếu khoảng 470 triệu liều vaccine Covid-19 để đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% người dân. Việc này cho thấy thế giới cần phân phối vaccine hài hòa, rộng khắp hơn nữa.
Rõ ràng, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine trên diện rộng vẫn là giải pháp căn cơ nhất trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Khả năng bảo vệ của “loại vũ khí” quan trọng này kết hợp với những biện pháp phòng dịch đúng cách sẽ là nền tảng để sớm đưa cuộc sống của nhân loại trở về trạng thái “bình thường mới”.
Tin nổi bật
Tin Video