Nhiều nước chọn tiêm kết hợp các loại vaccine Covid-19 khác nhau
Trước tình hình khan hiếm nguồn cung ứng, biến chủng Delta lây lan mạnh, nhiều nước cho người dân tiêm hai loại vaccine Covid-19 khác nhau.
Cuối tháng 6, nhà virus học Angela Rasmussen, Đại học Georgetown, Mỹ, tiêm liều thứ 2 vaccine Pfizer, hai tháng sau khi bà tiêm mũi 1 là Johnson & Johnson. Vị chuyên gia tiêm Johnson & Johnson khi đang sống ở Seattle và sắp chuyển đến Canada. Bà lo ngại không thể đủ thời gian để chờ đợi việc tiêm hai liều vaccine Covid-19. Trong khi đó, Canada vẫn đang khan hiếm Pfizer và Johnson & Johnson chỉ cần liều duy nhất.
Nhưng Rasmussen nhanh chóng thay đổi ý định khi đặt chân đến Canada. Biến chủng Delta ngày càng nguy hiểm. Vị chuyên gia lo lắng một liều vaccine Covid-19 không đủ hiệu lực bảo vệ bản thân khỏi biến chủng mới. Do đó, bà quyết định tiêm trộn hai loại vaccine Covid-19 và không gặp tác dụng phụ nào khác ngoài đau cánh tay khi tiêm mũi 2.
Nhiều loại vaccine được tiêm kết hợp
Ngày 12/7, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo việc tiêm trộn các loại vaccine hiện nay có rất ít dữ liệu. Vì vậy, nó có thể gây nguy hiểm, tác động tiêu cực sức khỏe. Tại châu Âu, Cơ quan Quản lý dược phẩm từ chối đưa ra bình luận hay khuyến nghị về việc tiêm hai loại vaccine Covid-19 cho cùng một người.
Tuy nhiên, theo Reuters, ngày càng nhiều quốc gia xem xét chính sách cho phép người dân tiêm các loại vaccine Covid-19 khác nhau. Quyết định này được đưa ra cân nhắc khi nguồn cung ứng vaccine khan hiếm, nhiều người đến lịch tiêm mũi 2 nhưng các nước chưa đủ số lượng vaccine để phân bổ. Việc chậm trễ tiêm mũi 2 theo quy định khiến giới chức y tế lo ngại về an toàn và chậm chiến dịch tiêm chủng toàn dân.
Không riêng tiến sĩ Angela, tháng 6, Thủ tướng Đức - bà Angela Merkel - cũng đã tiêm mũi 2 Moderna, trong khi mũi 1 vị nguyên thủ tiêm AstraZeneca.
Các quốc gia khác như Italy, cũng đã cho phép người dân dưới 60 tuổi tiêm AstraZeneca mũi 1 được tiêm liều thứ 2 là loại vaccine khác. Chính phủ Hàn Quốc từ tháng 6 cũng phê duyệt cho khoảng 760.000 người tiêm hai loại vaccine Covid-19 khác nhau vì sự chậm trễ giao hàng của các nước và chương trình COVAX.
Tại Campuchia, ngày 1/8, Thủ tướng Hun Sen cho hay một mũi vaccine AstraZeneca tăng cường sẽ cung cấp kháng thể mạnh mẽ cho người dân đã tiêm hai liều Sinopharm hoặc Sinovac. Ngoài ra, người được tiêm đủ 2 liều AstraZeneca cũng nên nhắc lại bằng một mũi Sinovac.
Cả hai loại vaccine này đều sử dụng virus bất hoạt (adenovirus). Đây là công nghệ truyền thống, từng được dùng với vaccine bại liệt. Về cơ bản, phương pháp này tương đối nguyên thủy, giống với cách thức điều chế mà Edward Jenner, nhà khoa học người Anh, cha đẻ ngành miễn dịch học, thực hiện ở thế kỷ XVIII.
Ngày 4/6, giới chức Bahrain cho hay những người đủ điều kiện sẽ được tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 của Pfizer hoặc Sinopharm, bất kể mũi trước đó họ tiêm loại nào.
Tại Bhutan, Thủ tướng Lotay Tshering hôm 24/6 tuyên bố ông rất hoan nghênh việc tiêm trộn vaccine Covid-19. Mục tiêu cuối cùng của nước này là nhanh chóng tiêm đủ 2 liều cho 700.000 người dân.
CBC News đưa tin ngày 17/6, Ủy ban Tư vấn Quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) cho biết các địa phương nên tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca ngay loại vaccine nào được phân bổ, không phân biệt cùng loại hay không. Tờ báo cũng khẳng định chiến lược tiêm trộn vaccine Covid-19 Pfizer và Moderna là cách sớm nhất để nước này chấm dứt đại dịch.
Hướng dẫn của NACI từ đầu tháng 6 cũng cập nhật và cho phép người dân tiêm vaccine Moderna, Pfizer thay thế cho nhau vì chúng cùng dựa trên công nghệ mRNA. Hiện tại, hơn 17,8 triệu người ở Canada được tiêm vaccine Pfizer. Chỉ 4,4 triệu người tại nước này tiêm Moderna.
Tại Mỹ, trước đây, trong hướng dẫn về Moderna và Pfizer, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo người dân nên tiêm 2 liều vaccine Covid-19 cùng loại. Tuy nhiên, đầu năm nay, tổ chức này đã cập nhật phụ lục và cho phép người dân thay thế mũi 2 bằng Pfizer hoặc Moderna trong những tình huống ngoại lệ (không rõ tiêm vaccine mRNA loại nào ở mũi đầu hoặc đã hết loại vaccine đó). Thời gian tối thiểu giữa hai liều là 28 ngày.
CDC cũng khuyến cáo nếu đã tiêm 2 liều vaccine mRNA khác loại, người dân sẽ không cần tiêm thêm liều bổ sung.
Tại Đan Mạch, ngày 2/9, Viện Huyết thanh Quốc gia đưa thông báo việc kết hợp vaccine của AstraZeneca và mũi thứ 2 là Pfizer hoặc Moderna sẽ cung cấp khả năng bảo vệ tốt. Reuters đưa tin hơn 144.000 người Đan Mạch, chủ yếu là nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi, đã được tiêm mũi 1 là AstraZeneca, mũi 2 là Pfizer hoặc Moderna.
"Nghiên cứu cho thấy 14 ngày sau khi tiêm kết hợp hai loại vaccine Covid-19, nguy cơ lây nhiễm nCoV giảm 88% so với các trường hợp không được tiêm chủng”, Viện Huyết thanh Quốc gia Đan Mạch (SSI) cho biết và đánh giá đây là “hiệu quả cao”. Trong khi đó, một nghiên cứu khác ở nước này cũng cho thấy hiệu quả của hai liều vaccine Pfizer là 90%.
Giới chức y tế Đan Mạch thực hiện nghiên cứu kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5. Đây là thời điểm biến chủng Alpha chiếm đa số trong các ca F0 của nước này. Do đó, họ không đưa kết luận về hiệu quả của vaccine Pfizer hay việc tiêm trộn hai loại với biến chủng Delta.
Từ tháng 9, Đức sẽ tiêm nhắc lại liều Pfizer hoặc Moderna cho nhóm dễ bị tổn thương như người đã về hưu, trường hợp có hệ miễn dịch kém, bất kể mũi trước họ tiêm loại vaccine nào.
Quyết định này phản ánh mối lo ngại ở Đức khi biến chủng Delta ngày càng lây lan nhanh tại nước này. Đức đã phải phong tỏa, giãn cách xã hội nhiều nơi trong thời gian dài nhưng số ca mắc vẫn tăng cao. Hiện tại, hơn 52% dân số nước Đức tiêm vaccine Covid-19 đủ 2 liều. Khoảng 62% người dân tiêm ít nhất một mũi.
Indonesia cũng xem xét tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 cho người dân bằng Sinovac. Nguyên nhân là hàng nghìn người sau khi tiêm vaccine vẫn có kết quả dương tính với nCoV.
Tại Thái Lan, từ đầu tháng 7, Bộ Y tế nước này đã tính đến việc tiêm vaccine Pfizer mũi 2 cho các nhân viên y tế tiêm mũi 1 là Sinovac.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho phép người đã tiêm mũi 1 Sinovac nhận mũi tiêm thứ 2 của Pfizer. Nước này đã nhận được 83 triệu liều vaccine, chủ yếu của Sinovac và Pfizer. Đây là một trong những quốc gia sớm nhất tại châu Âu chấp thuận sử dụng vaccine Covid-19 của Trung Quốc trong khi EMA chưa phê duyệt Sinovac.
Hiệu quả của việc tiêm trộn vaccine Covid-19 ra sao?
Theo CBNC News, ngày 23/7, Israel công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy vaccine Pfizer chỉ hiệu quả 39% trước biến chủng Delta. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy hiệu quả của nó trong việc giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong vẫn cao. Giới chức y tế Mỹ và thế giới đang xem xét nghiên cứu của Israel.
Trong khi đó, trước sự lây lan của biến chủng Delta, từ đầu tháng 7, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã xem xét việc tiêm trộn và kết hợp các loại vaccine Covid-19 mang lại hiệu quả thế nào. Thử nghiệm dựa trên những người khỏe mạnh đã tiêm một trong 3 loại vaccine: Jonhson & Johnson, Moderna hoặc Pfizer. Theo NIH, họ đang cố gắng xác định xem có bất lợi hay hạn chế nào xảy ra khi trộn các loại vaccine trên hay không.
Một nghiên cứu khác từ Anh công bố vào tháng 6 phát hiện tiêm trộn vaccine AstraZeneca và các loại có công nghệ sử dụng adenovirus (virus bất hoạt) như Johnson & Johnson hoặc vaccine mRNA (Pfizer, Moderna) đều tạo ra phản ứng chống lại nCoV mạnh hơn khi tiêm hai liều AstraZeneca.
Trong khi đó, ngày 30/7, Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết thử nghiệm tiêm trộn liều đầu tiên Sputnik V, liều thứ 2 là AstraZeneca không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Ngoài ra, không tình nguyện viên nào mắc Covid-19. Tuy nhiên, hiện tại, Nga chưa có quy định cụ thể về việc tiêm hai loại vaccine Covid-19 khác nhau trên cùng một người.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine ngày 19/7 cho thấy việc bổ sung vaccine Pfizer hoặc Moderna vào liều thứ 2 cho những người tiêm mũi 1 AstraZeneca mang đến phản ứng miễn dịch tốt hơn. Vaccine tiêm trộn được dung nạp tốt.
Theo Giáo sư Thomas Russo, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Đại học Y và Y sinh Jacobs, Mỹ, trong thời gian đầu tiêm vaccine Covid-19 tại Mỹ, nhiều trường hợp tiêm nhầm Moderna và Pfizer cho cùng một người. Tuy nhiên, không phản ứng nặng nào được ghi nhận. Đến nay, chưa có báo cáo về tác dụng phụ khi tiêm trộn hai loại vaccine nói trên.
Ông Russo cho hay Moderna và Pfizer đều là vaccine mRNA, không giống nhau nhưng có cấu hình an toàn tương đương nhau. Một số chuyên gia khác cũng đồng ý quan điểm này và khẳng định sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe, Pfizer và Moderna có thể thay thế cho nhau.