Nhiều nước châu Âu nới lỏng hạn chế chống dịch bất chấp tình hình vẫn nghiêm trọng
(VOVTV) - Trước sức ép từ công chúng cũng như từ các cuộc vận động hành lang, một loạt nước châu Âu như Italia, Bỉ, Hà Lan… đã quyết định nới lỏng dần các biện pháp hạn chế chống dịch ngay từ tuần này, bất chấp tình hình dịch Covid-19 tại các nước này vẫn ở mức rất nghiêm trọng.
Theo quyết định được Thủ tướng Italia, Mario Draghi đưa ra từ tuần trước, bắt đầu từ ngày hôm nay 26/4, 14/20 vùng tại Italia sẽ được hạ cấp chống dịch từ màu "da cam" xuống mức thấp hơn là "màu vàng", đồng nghĩa với việc các cửa hàng, rạp hát, rạp chiếu phim sẽ được mở cửa trở lại trong khi nhà hàng, quán bar… được phép phục vụ khách ngoài trời.
Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi chịu sức ép lớn từ công chúng cũng như các đảng đối lập về việc sớm mở cửa trở lại nền kinh tế, bất chấp tình hình dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp tại nước này.
Theo số liệu của cơ quan y tế Italia, tính đến hết ngày 25/4, vẫn đang có hơn 20.000 bệnh nhân Covid-19 đang phải điều trị trong các bệnh viện Italia và số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn ở mức cao là từ 12.000 đến 15.000 ca trong hơn 1 tuần qua.
Tương tự Italia, hai nước Bỉ và Hà Lan cũng quyết định sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch dù tình hình vẫn đang căng thẳng. Tại Bỉ, từ ngày 8/5, các nhà hàng, quán bar sẽ được phép mở cửa phục vụ khách ngoài trời đến 22h đêm. Tại Hà Lan, bắt đầu từ thứ Tư, 28/4, người dân sẽ được phép ăn tại các nhà hàng trong khoảng thời gian từ trưa đến 18h, với điều kiện chỉ được phép ngồi 2 người/bàn.
Các quyết định trên được đưa ra dù tại Bỉ, trong tổng số 1.000 giường bệnh cấp cứu dành cho các bệnh nhân Covid-19, hiện chỉ có khoảng 80 giường trống còn tại Hà Lan, số ca nhiễm mới trong ngày hôm cuối tuần qua đã lên tới trên 9.000 ca, cao nhất từ đầu tháng 1/2021.
Sức ép gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế cũng buộc chính phủ Pháp dự định bãi bỏ quy định cấm người dân di chuyển quá 10Km kể từ ngày 3/5 và dần mở lại các cửa hàng từ giữa tháng 5 dù Pháp hiện vẫn đang có số ca nhiễm hàng ngày cao nhất châu Âu với khoảng 25.000-30.000 ca/ngày trong tuần qua và hiện vẫn có khoảng 30.000 bệnh nhân điều trị trong bệnh viện, trong đó gần 6.000 ca phải hồi sức cấp cứu.
Trong số các nước châu Âu, Đức là nước duy nhất đi ngược lại xu hướng trên khi đang siết chặt các biện pháp chống dịch. Cuối tuần qua, nước Đức chính thức thực hiện các biện pháp "phanh khẩn cấp" theo luật mới được thông qua, với việc áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 22h đến 5h sáng, đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu, hạn chế tiếp xúc các hộ gia đình và đóng cửa trường học tại một số khu vực.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đức, Olaf Scholz, người đang chạy đua vào chức Thủ tướng Đức thay bà Angela Merkel cuối năm nay, nước Đức có thể phải kéo dài các biện pháp này sang đến tháng 6/2021.
Tin nổi bật
Tin Video