Kinh tế

Nhiều người “sập bẫy” khi mua đất có sổ đỏ giả ở Bình Dương

VOV.VN - Sổ đỏ được làm từ phôi thật, các đối tượng in nội dung số thửa, chủ đất... để lừa người mua với giá rẻ và thúc đẩy giao dịch diễn ra nhanh.

22/10/2020 12:00

5 năm gần đây, thị trường bất động sản tại Bình Dương tăng giá liên tục đã tạo ra cơn sốt đất nền. Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng có hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để giao dịch nhằm chiếm đoạt tài sản. Những cuốn sổ đỏ được làm giả rất tinh vi khiến không ít người “sập bẫy”.

Người mua lao đao

Hơn 10 năm đến Bình Dương mưu sinh, anh Nguyễn Anh Vũ (30 tuổi, quê Bình Định) dành dụm được vài trăm triệu đồng để mua đất, cất nhà. Đi làm về, thấy dọc đường treo bảng bán đất giá rẻ ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 (thuộc thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) nên anh đã liên hệ hỏi mua. Sau đó, anh Vũ được môi giới dẫn đi coi đất. Vị trí, diện tích và giá cả phù hợp nên anh quyết định đặt cọc 20 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản, bởi theo lời người môi giới chủ đất sống ở Hà Nội nên không thể giao dịch trực tiếp.

5 ngày sau, môi giới liên tục hối đi công chứng để sớm hoàn tất việc mua bán, nên khiến anh Vũ nghi ngờ. Lấy lý do cần hỏi thêm ý kiến gia đình, anh Vũ được môi giới gửi cho bản photo sổ đỏ. Cầm bản photo sổ đỏ đi kiểm tra thì anh Vũ mới biết, hồ sơ đất mà mình mới đặt cọc tiền là không có thật. Không lấy lại được số tiền đặt cọc, nhưng anh Vũ thấy mình vẫn còn may mắn.

“Tự nhiên có linh tính và được một số người nhắc nhở nên tôi lên phòng công chứng nhờ kiểm tra mới biết sổ giả. Tôi rất mừng vì số tiền mình tích góp thời gian qua xém mất. Thời buổi công nghệ thông tin hiện đại, họ làm sổ giả rất giống thật nên mọi người mua đất nhớ kiểm tra kỹ”, anh Vũ cảnh báo.

Là nạn nhân trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do bà Ngô Thùy Trang (44 tuổi, ngụ thành phố Thủ Dầu Một) và đồng bọn thực hiện, ông Huỳnh Văn Liên (45 tuổi, ngụ tại TP Thủ Dầu Một) bị mất 600 triệu đồng.

Năm 2016, ông Liên mua mảnh đất có diện tích 2.408m2 tại phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một do bà Trang đứng tên. Do giấy tờ pháp lý của mảnh đất rất đầy đủ nên cả hai làm hợp đồng chuyển nhượng ở Văn phòng công chứng Sở Sao. Sau đó, ông liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Dầu Một trích lục hồ sơ địa chính để chuyển nhượng cho người khác thì mới biết sổ đỏ giả.

Sự việc được trình báo cơ quan công an. Cơ quan công an xác định, bà Trang đã làm nhiều sổ đỏ giả của mình đất trên để bán của nhiều người, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Bà Trang vào tù, nhưng những nạn nhân như ông Liên vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

Ông Liên cho biết, gia đình tích cóp nhiều năm nên rất mong nhận được lại được số tiền đã mất. Ông mong muốn, phòng công chứng nên làm đúng thủ tục để tránh rủi ro cho người mua; Về phía công an không nên đùn đẩy trách nhiệm khiến sự việc kéo dài:

“Vụ việc xảy ra từ năm 2016 nhưng mãi sau này cơ quan pháp luật mới vào cuộc, trong quá trình mấy năm trời nhiều người khác đã trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo. Nếu lực lượng công an ngăn chặn ngay từ đầu sẽ tránh thiệt hại cho người dân. Nhiều người dân làm cả đời tích cóp tiền mua nhà, nếu không may gặp trường hợp lừa đảo coi như mất trắng”, ông Liên xót xa nói.

Thủ đoạn tinh vi

Thời gian gần đây, Công an Bình Dương nhận được nhiều đơn kêu cứu của người dân về việc mua phải đất có sổ đỏ giả. Thủ đoạn làm sổ đỏ giả của các đối tượng này rất tinh vi. Có sổ đỏ được làm từ phôi thật do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho các địa phương (?!). Từ phôi thật này, các đối tượng in nội dung số thửa, chủ đất... để lừa người mua. Chúng cũng thường rao bán tài sản với giá rẻ và thúc đẩy giao dịch diễn ra nhanh.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Ngọc, Chủ tịch Hội Công chứng tỉnh Bình Dương, dù sổ đỏ được làm giả tinh vi, nhưng vẫn có thể nhận biết qua một số điểm như: Người làm sổ giả hay in sai đơn vị hành chính; chữ ký không sắc nét; mộc nổi không rõ chữ Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Bà Ngọc cũng cho biết, để tránh những rủi ro trong công chứng giấy tờ đất, thời gian qua ngoài việc thường xuyên tập huấn, Hội Công chứng tỉnh Bình Dương còn lập nhóm zalo để công chứng viên chia sẻ kinh nghiệm.

“Thông qua nhóm online, các thành viên phát hiện từng khu vực, địa bàn có dấu hiệu lừa đảo sẽ đưa lên nhóm. Người có kinh nghiệm nêu cách phòng tránh, những người chưa biết thông qua chia sẻ có thể học tập, nâng cao khả năng, nghiệp vụ. Hoạt động làm giả giấy tờ hiện có rất nhiều đối tượng, thủ đoạn thay đổi liên tục”, bà Ngọc cho hay.

Để bảo đảm quyền lợi, tránh rủi ro trong giao dịch mua bán nhà đất, ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương khuyến cáo, người dân nên tìm hiểu kỹ pháp lý bất động sản muốn mua và chủ sở hữu. Bởi, mỗi sổ đỏ đều có hồ sơ gốc lưu tại các địa phương.

“Người dân mua đất đai phải có sổ đỏ và phải kiểm tra kỹ bằng cách đến các cơ quan đăng ký đất đai, kiểm tra sổ thật hay giả mới tiến hành giao dịch. Hiện nay, hệ thống văn phòng đăng ký đất đai cơ sở dữ liệu đã tập trung nên biết hiện trạng đất. Mọi người mua đất tuyệt đối không giao dịch giấy tờ viết tay”, ông Tùng cảnh báo.

Theo người dân, nhiều người “sập bẫy” lừa khi mua sổ đỏ giả còn có sự tắc trách của công chứng viên và lỗ hổng công chứng. Bởi không ít trường hợp, công chứng viên “nể” vì quen biết, hoặc “bắt tay” với các đối tượng mà bỏ qua các quy định pháp lý trong chuyển nhượng bất động sản (?!).

Thế nhưng, luật quy định trách nhiệm của phòng công chứng, công chứng viên khi các đối tượng sử dụng các giấy tờ giả thực hiện các giao dịch tại phòng công chứng chưa được xác định cụ thể.

Do vậy, cần quy rõ trách nhiệm về bồi thường thiệt hại khi công chứng viên thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả, gây thiệt hại về tài sản cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện công chứng giao dịch, hợp đồng. Có như vậy mới mong ngăn được tình trạng người dân bị lừa khi mua đất có sổ đỏ giả./.

Thiên Lý/VOV-TPHCM
Ý kiến của bạn