Nhiều người ở Sơn La phải nhập viện vì rắn độc cắn
(VOVTV) - Từ đầu năm đến nay, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đã tiếp nhận trên 10 bệnh nhân bị rắn độc cắn và 1 ca nặng phải chuyển lên tuyến trên.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, bệnh viện thường tiếp nhận điều trị các bệnh nhân bị 3 loại rắn độc cắn là rắn lục, rắn hổ mang và rắn cạp nong, cạp nia.
Bác sỹ Mè Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết: Khi bị rắn độc cắn, nạn nhân cần được sơ cứu ngay, làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể; ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, sơ cứu như thế nào thì cũng cần phải có kỹ năng tránh làm nặng thêm cho nạn nhân.
"Các bệnh nhân tiếp nhận điều trị do bị rắn cắn thường lấy dây chun thít thật chặt đến nỗi tím tay, tím chân, như vậy không nên, bởi sẽ không hiệu quả và có nguy cơ hỏng chân hoặc tay. Cách tốt nhất là dùng miếng vải to, chun bản to, buộc vừa đủ thôi, buộc làm sao chân tay không bị tím, bị lạnh", bác sĩ Xuân nói.
Hàng năm, vào mùa mưa, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do bị rắn độc cắn ở Sơn La thường có chiều hướng tăng, do mùa mưa là giai đoạn sinh nở, phát triển của rắn, đặc biệt các loài rắn độc.
Các bác sỹ khuyến cáo, trong tất cả các trường hợp bị rắn tấn công, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và theo dõi, xử trí kịp thời nếu như có biến chứng xảy ra. Bên cạnh đó, người dân cũng nên trang bị bảo hộ an toàn nếu đi trong rừng rậm, khu vực nhiều cây cỏ hay vũng nước, hạn chế tối đa nguy cơ bị rắn tấn công trong mùa mưa.
Tin nổi bật
Tin Video