Thời sự

Nhiều kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững

(VOVTV) - Tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững sáng 15/11 với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những việc làm được, chưa làm được, những tồn tại hạn, chế và đưa ra các giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới, đồng thời đề xuất kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề.

Tác giả Vũ Khuyên/VOV
15/11/2023 11:43

Sáng nay 15/ 11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, đây là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm 2023 và được tổ chức trong không khí cả nước đang nỗ lực thực hiện đạt cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024; và cũng là giai đoạn đầu của mùa du lịch cuối năm.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, hàng không, các chuyên gia, cơ quan truyền thông.  

Nhiều kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững- Ảnh 1.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với năm 2021. Khách quốc tế đạt 3,66 triệu lượt, khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt. Số doanh nghiệp lữ hành đăng ký mới và quay trở lại hoạt động tăng nhanh. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng trưởng 50%-75%, cao thứ 4 thế giới. Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019.

10 tháng năm 2023, Du lịch là điểm sáng trong phục hồi và phát triển kinh tế, phục vụ 99 triệu lượt khách nội địa; đón khoảng 10 triệu khách quốc tế, vượt kế hoạch năm 2023 là 8 triệu khách; đang nỗ lực phấn đấu đạt “mục tiêu mới”đón 13 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để tiếp tục phát triển thời gian tới. Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những việc làm được, chưa làm được, những tồn tại hạn, chế và đưa ra các giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới, đồng thời đề xuất kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề. 

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, trong 10 tháng vừa qua, ngành du lịch đã cố gắng hết sức nhưng còn nhiều điều chưa đạt được. Tuy khách của chúng ta tăng nhanh, nội địa cũng tăng nhanh nhưng tốc độ đã suy giảm. Ông đề nghị điều chỉnh thời hạn triển khai một số chính sách trong thời gian COVID-19, cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch và đổi mới hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhất là việc huy động nguồn lực.

Nhiều kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững- Ảnh 2.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Về huy động các nguồn lực để triển khai nhanh các công việc. Mấu chốt là vấn đề nguồn lực. Các doanh nghiệp của chúng ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực quá yếu. Tôi đề nghị cho phép các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ phía Nhà nước và cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch.”

Là Chủ tịch HĐQT Vietjet và đứng đầu Tập đoàn kinh tế lớn SOVICO, đa ngành, đang vươn ra thế giới, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng hãy để Việt Nam thành điểm đến của du lịch quốc tế đầy bản sắc về văn hoá, ẩm thực, nghỉ dưỡng…, Việt Nam cần phát động chương trình hành động quốc gia đẩy mạnh du lịch; Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia, quốc tế ; đầu tư vào công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch... đặc biệt là có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực. 

Nhiều kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Vietjet và đứng đầu Tập đoàn kinh tế lớn SOVICO

 “Đề xuất Chính phủ, các bộ tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực (visa), hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách. Chúng tôi sẵn sàng đưa ra các sáng kiến phát triển du lịch trên nền tảng giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới. Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia.”. 

Đặc biệt về phát triển kinh tế ban đêm Ông Nguyễn Quốc Kỳ Chủ tịch Vietravel Corp cho rằng cần tập trung vào 2 nhóm sản phẩm là sản phẩn văn hóa cộng đồng vui chơi giải trí và nhóm sản phẩm gắn với các chương trình văn hóa nghệ thuật. 

"Chúng ta nói nhiều về kinh tế ban đêm và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành chính sách về kinh tế ban đêm, trong đó có 4 loại sản phẩm du lịch và 4 sản phẩm đó gồm văn hóa du lịch. Tuy nhiên, chúng ta cần có chính sách kinh tế về kinh tế ban đêm, và định vị kinh tế kinh tế ban đêm là dạng kinh tế ban ngày có tính đặc thù. Vì kinh tế ban ngày có tính đặc thù vì đã diễn ra ban đêm nên chúng ta cần phải có những chính sách để thúc đẩy kinh tế ban đêm. Hiện nay các địa phương rất khó khăn và lúng túng trong viêc triển khai kinh tế ban đêm, đa phần là triển khai phố đi, bộ ăn uống.. chưa tận dụng hết được thế mạnh của chúng ta về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người và đặc biệt là những tập tục của người dân và điều này hạn chế khai thác của chúng ta."

Nhiều kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững- Ảnh 4.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của các đại biểu, kết luận hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những tiềm năng thế mạnh, thời cơ thách thức và những tồn tại hạn chế. Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển KTXH với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội phát triển du lịch nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại.

Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành du lịch.

Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh định vị thương hiệu du lịch quốc gia là:“Việt Nam - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi”, “ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà”.

Chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao.

Chủ động hợp tác, đa dạng các phương thức liên kết giữa các bộ, ngành; giữa Trung ương với địa phương; giữa địa phương với địa phương, giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa du lịch với các ngành kinh tế khác, giữa trong nước và quốc tế hình thành chuỗi giá trị du lịch. Tăng cường hợp tác công - tư, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. 

Nhiều kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững- Ảnh 5.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành địa phương trong đó nêu rõ, định hướng phát triển xuyên suốt của Du lịch Việt Nam đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Thủ tướng đề nghị, các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82 của Chính phủ với phương châm “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”, trong đó tập trung thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - các tỉnh miền núi phía Bắc; Huế - Đà Nẵng; Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh và phụ cận; Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang.

Tiếp tục đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng logistics theo hướng tăng cường liên kết tỉnh, liên vùng, liên kết trong nước với quốc tế; Tăng cường quan hệ hợp tác công - tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch.

Thúc đẩy các mô hình quản trị tích hợp công - tư trong phát triển du lịch; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận vốn.

Đồng thời Thủ tướng yêu cầu chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập; Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh; Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa; Đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, trên tinh thần “Lời nói đi đôi với việc làm”, “việc hôm nay chớ để ngày mai”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo Bộ VHTTDL và các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp cùng tham gia phát triển du lịch nhanh và bền vững.

Thủ tướng tin rằng, với sự nỗ lực, cố gắng của ngành du lịch, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các bộ, ngành, sự liên kết và hợp tác đồng bộ, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và sự hưởng ứng tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo nên “sức mạnh tổng hợp to lớn” để Du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và “cất cánh”, đóng góp ngày càng hiệu quả, thiết thực vào sự nghiệp phát triển đất nước./.

Ý kiến của bạn