Nhiều kênh YouTube kiếm tiền nhờ đăng tin giả về bầu cử Mỹ
Nhiều kênh YouTube đang kiếm bộn tiền nhờ giả mạo số liệu bầu cử tổng thống Mỹ 2020 và đính kèm quảng cáo.
Nhiều kênh YouTube đang kiếm bộn tiền nhờ giả mạo số liệu bầu cử tổng thống Mỹ 2020 và đính kèm quảng cáo.
Vài giờ trước khi các bang chính thức chốt số phiếu bầu, nhiều tài khoản đã phát sóng trực tiếp kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020 trên YouTube, thu hút hàng chục nghìn khán giả khắp thế giới. Nội dung của đa số video này là sai sự thật.
Khi tra cứu các từ khóa liên quan đến cuộc đua vào Nhà Trắng trên nền tảng video lớn nhất thế giới, 8/20 kết quả hàng đầu cho thấy số liệu ngụy tạo, được gắn quảng cáo nhằm kiếm tiền từ lượt xem của khán giả. Trong đó, một kênh sở hữu 1,4 triệu người theo dõi, 4 kênh còn lại nhận được dấu tích xác minh của YouTube.
Dù không thuộc sự quản lý của bất kỳ tổ chức chính trị hay trung tâm tin tức nào, những chương trình phát sóng trực tiếp trên dễ dàng "chiếm sóng" các đài truyền hình lớn như CNN, CBS... Theo Insider, kết quả bầu cử được các kênh này livestream là giả mạo, sai sự thật.
Nhận được thông tin từ Insider, đội ngũ YouTube đã nhanh chóng gỡ bỏ một số video trên với lý do "vi phạm chính sách về spam và lừa đảo".
"Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, chúng tôi sẽ xóa một số livestream vì vi phạm chính sách của YouTube về hành vi spam và lừa đảo. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các nội dung liên quan đến kết quả bầu cử Mỹ 2020", trích phản hồi của YouTube.
Ngoài ra, phía YouTube cũng ghim chú thích vào đầu kết quả tìm kiếm liên quan đến cuộc đua vào Nhà Trắng với nội dung: "Kết quả dưới đây chưa chính thức. Cập nhật số liệu mới nhất trên Google". Thông báo này được liên kết với một bộ đếm trực tiếp, hiển thị kết quả kiểm phiếu hiện tại.
Trước đó, khi gõ từ khóa "bầu cử Mỹ", kết quả đầu tiên là chương trình phát sóng trực tiếp của kênh Seven Hip-Hop, chuyên đăng tải video ca nhạc với 650.000 người theo dõi. Đến thời điểm bị xóa, livestream kết quả kiểm phiếu của kênh này thu hút 26.000 người xem và bình luận.
Phần lớn các kênh nói trên đều sử dụng số liệu ngụy tạo từ 270 to Win và RealClearPolitics. Theo trang tin Slate, 270toWin là "website bầu cử Mỹ hấp dẫn nhất" khi cho phép người dùng dự đoán kết quả bỏ phiếu chỉ với vài cú nhấp chuột. Vì vậy, không ít người Mỹ dùng trang này để tạo số liệu giả và đăng tải lên mạng.
Trước YouTube, các nền tảng mạng xã hội khác đã thiết lập chính sách kiểm duyệt nội dung dành riêng cho kỳ bầu cử lần này. Ví dụ, Twitter sẽ dán nhãn các bài đăng có nội dung liên quan đến cuộc đua vào Nhà Trắng, lưu ý người dùng cần đối chiếu lại với thông báo chính thức của chính quyền và các hãng thông tấn, báo chí.
Tin nổi bật
Tin Video