Nhiều địa phương ở ĐBSCL bị ảnh hưởng của bão số 1
(VOVTV) - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 (Talim) nên trong những ngày qua, tại nhiều địa phương ở ĐBSCL xuất hiện mưa lớn kéo dài và kèm theo giông lốc trên diện rộng, từ đó gây không ít khó khăn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Qua tổng hợp nhanh của ngành nông nghiệp Hậu Giang, tính đến ngày 18/7, toàn tỉnh có hơn 870 ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó, lúa Hè thu trong giai đoạn trổ chín và chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã là hơn 727 ha, còn lúa Thu đông mới xuống giống và ở giai đoạn mạ bị ảnh hưởng là hơn 147 ha.
Ghi nhận thực tế, nhiều cánh đồng có lúa Hè thu bị đổ ngã trên địa bàn tỉnh thì khả năng lúa bị ảnh hưởng từ 10 - 30% khá phổ biến, nhiều nơi lúa bị sập hoàn toàn và bông lúa đang nằm vùi trong nước. Riêng lúa Thu đông mới gieo sạ và ở giai đoạn mạ có khả năng bị thiệt hại khoảng 30 – 40%, cá biệt có ruộng bị thiệt hại hơn 50%.
Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, qua thống kê toàn tỉnh có 5 căn nhà bị sập hoàn toàn và 21 căn nhà bị tốc mái. Cơ quan chức năng cũng đang triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất.
Đến thời điểm này, nông dân tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch được hơn 40.000 ha trong tổng số hơn 75.200 ha lúa Hè thu đã xuống giống, diện tích còn lại đang tập trung ở giai đoạn trổ - chín. Còn lúa Thu đông hiện xuống giống được hơn 14.000 ha, lúa chủ yếu ở giai đoạn mới gieo sạ và mạ non. Trước tình hình thời tiết phức tạp, diện tích lúa thiệt hại có thể tăng thêm, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đang tiếp tục rà soát để có giải pháp phù hợp.
Trong khi đó tại tỉnh Cà Mau vào chiều 17/7, tại khu vực cửa biển Khánh Hội, xã Khánh Hội, huyện U Minh, xuất hiện đợt triều cường dâng cao, kèm theo sóng lớn đã làm ngập hơn trăm nhà dân ở ấp 1 và ấp 3.
Ông Nguyễn Minh Thành, người dân địa phương cho biết: "Nếu nói triều cường ngày hôm qua là trên 0,5 mét so với mặt đất, có sóng phủ vô là lên tới 1 mét. Nói chung là không đứng vững được, so với mấy năm trước là mạnh hơn. So với mấy năm qua có thể là lớn nhất rồi".
Theo lời người dân địa phương, mặc dù đợt triều cường chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng nhưng đã gây nhiều thiệt hại, nhiều hộ dân bị ngập úng; các vật dụng, đặc biệt đồ điện tử bị hư hỏng. Những ngày qua, vùng ven biển huyện U Minh cũng thường xuyên xảy ra giông lốc, gây sập và tốc mái nhiều nhà dân. Tính đến trưa ngày 18/7, toàn huyện đã có 29 nhà dân bị sập và tốc mái.
Bà Huỳnh Mỹ Lệ, người dân bị sập nhà ở xã Khánh Hội cho biết: "Nhà cửa sập luôn, đồ đạc trong nhà không còn gì. Cái nào mủ thì trôi đi, cái nào miểng thì bể, không còn chén ăn cơm luôn. Nhà thì sập, gãy đổ không còn gì, giờ cũng không biết phải làm sao nữa".
Theo số liệu sơ bộ từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của bão số 1, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra mưa lớn, kèm theo giông lốc gây nhiều thiệt hại về tài sản của nhà nước và người dân. Ước tổng giá trị thiệt hại về vật chất hơn 2,2 tỷ đồng. Cụ thể mưa lớn kèm theo dông, lốc đã làm thiệt hại 69 căn nhà, trong đó có 21 căn bị sập, 48 căn bị tốc mái, ước giá trị thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, gây sóng to, gió lớn đã làm chìm 2 phương tiện, đổ ngã nhiều cây xanh trên địa bàn các huyện, thành phố và gãy 1 trụ điện trên địa bàn huyện Giồng Riềng; 200 ha lúa giai đoạn mạ bị ngập trên địa bàn xã Vĩnh Hòa Phú, xã Giục Tượng và 350 ha lúa giai đoạn thu hoạch bị đỗ ngã trên địa bàn xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành.
Do ảnh hưởng của bão số 1, những ngày qua, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL chịu thiệt hại. Những tỉnh trung tâm vùng đang trong thời điểm thu hoạch lúa Hè Thu thì bị giảm năng suất; những tỉnh vùng ven biển chịu thiệt hại bởi triều cường, giông lốc. Như tại tỉnh Cà Mau, từ ngày 16-17 đã có 33 nhà dân bị sập, tốc mái; 2 tàu cá bị chìm; hàng trăm nhà dân khu vực ven biển bị ngập úng.