Tin tức

Nhiều chợ cóc tại Hà Nội tái hoạt động khi không có lực lượng chức năng

(VOVTV) - Nhiều chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn Hà Nội vẫn hoạt động, người bán, người mua tụ tập đông đúc, không đảm bảo các quy định phòng chống dịch.

Tác giả Kim Thanh / VOV1
16/05/2021 16:45

Từ ngày 11/5, Hà Nội đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh các trường hợp nghiêm túc chấp hành thì còn nhiều chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn Hà Nội vẫn hoạt động, người bán, người mua tụ tập đông đúc, không đảm bảo các quy định phòng chống dịch.

Dù đã có quy định tạm dừng hoạt động, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên đến hôm nay (16/5), còn nhiều chợ cóc vi phạm quy định và hoạt động bình thường.

Nhiều chợ cóc tại Hà Nội tái hoạt động khi không có lực lượng chức năng - Ảnh 1.

Ngay ngã tư phố Trần Đại Nghĩa - Đại La nhiều tiểu thương vẫn bày bán hàng dù đã có lệnh cấm. Ảnh: Gia Linh - Thành Vinh

Nhiều chợ cóc tại Hà Nội tái hoạt động khi không có lực lượng chức năng - Ảnh 2.

Chợ tạm tại phố Quỳnh Mai đông đúc người mua bán. Ảnh: Gia Linh - Thành Vinh

Tại một số chợ cóc tại Hà Nội như chợ trên phố Quỳnh Mai, ngã tư phố Trần Đại Nghĩa và Đại La, quận Hai bà Trưng, chợ cóc trên đường Khương Trung, đường Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, chợ cóc trên phố Nguyễn Thiện Thuật, quận Hoàn Kiếm, các hoạt động mua bán của người dân vẫn diễn ra.

Nhiều chợ cóc tại Hà Nội tái hoạt động khi không có lực lượng chức năng - Ảnh 3.

Một góc chợ tạm ngã tư phố Trần Đại Nghĩa - Đại La. Ảnh: Gia Linh - Thành Vinh

Nhiều chợ cóc tại Hà Nội tái hoạt động khi không có lực lượng chức năng - Ảnh 4.

Cảnh mua bán ở chợ tạm Quỳnh Mai. Ảnh: Gia Linh - Thành Vinh

Các tiểu thương bày bán tràn lan trên vỉa hè, không tuân thủ quy định giãn cách. Lực lượng chức năng liên tục tuần tra, nhắc nhở, nhưng chỉ cần lực lượng chức năng rời đi thì các tiểu thương ngay lập tức bày lại hàng để buôn bán.

"Chợ không được bán, giờ này bên kiểm tra nghỉ thì mình mới ra, chứ được bán thì đã bày nhiều, khách hỏi cái gì có thể lấy ra thì lấy ra. Phải bán tranh thủ buổi trưa chứ nghỉ ở nhà không có tiền. Hàng hóa cũng không biết làm thế nào được, có những hôm chỉ có bắt và chạy"- một tiểu thương cho hay.

"Sợ lắm nhưng trưa rồi mới dám ra một tí, toàn bán mang đi, vì ế quá bán trưa tranh thủ, tối tranh thủ. Cố gắng nốt rồi cũng nghỉ thôi vì Covid-19 sợ lắm"- một tiểu thương khác trần tình.

Tuy thành phố đã có quy định tạm dừng hoạt động, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để phòng, chống dịch nhưng nhiều người dân vẫn theo thói quen đi chợ tạm, chợ cóc bởi chợ tạm luôn được mở gần khu dân cư, rất thuận tiện cho người dân mua, bán.

"Chợ họp ở gần đây, mọi người đi chợ cũng chấp hành đeo khẩu trang nên mình vẫn chọn đi chợ ở đây, mua đồ nhiều lên một chút để trong tủ lạnh và 1 tuần đi chợ 1-2 lần, ăn hết mình lại mua tiếp cho yên tâm".

"Vì chợ gần đây thấy tiện đây nên nhiều người mua, chợ bán chủ yếu cho người dân ở đây mua nhanh chóng rồi về. Bây giờ nhà nào cũng mua đồ 1 lần để tủ lạnh ăn 3-4 ngày, bao giờ bớt dịch mới mua đồ ăn từng ngày".

Đó là ý kiến của nhiều người tiêu dùng khi đi chợ cóc, chợ tạm. Do nhu cầu sinh hoạt nên dù đi chợ song nhiều người cũng thể hiện rõ sự lo lắng trước tình hình dịch bệnh bởi chợ cóc, chợ tạm luôn tập trung đông đúc người mua, người bán. Thêm vào đó, người mua bán tại chợ cóc đến từ rất nhiều địa phương khác nhau, không rõ họ đã đi và đến đâu cũng sẽ gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nhiều chợ cóc tại Hà Nội tái hoạt động khi không có lực lượng chức năng - Ảnh 5.

Tiểu thương vẫn bày bán tại khu chợ tạm trên phố Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh: Gia Linh - Thành Vinh

Nhiều chợ cóc tại Hà Nội tái hoạt động khi không có lực lượng chức năng - Ảnh 6.

Một số tiểu thương còn không đeo khẩu trang. Ảnh: Gia Linh - Thành Vinh

Hiện nay, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, điều quan trọng nhất là người dân phải nâng cao ý thức phòng chống dịch cũng như những tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp cố tình vi phạm, chống đối cần có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời, góp phần giảm sự lây lan của dịch bệnh.

Ý kiến của bạn