Nhiều cảnh báo nhưng tai nạn thương tâm do trẻ nhỏ rơi từ chung cư cao tầng vẫn tiếp diễn
(VOVTV) - Mặc dù đã có nhiều lời cảnh báo từ cơ quan chức năng, các chuyên gia và từ chính các vụ trẻ nhỏ rơi chung cư cao tầng, song những vụ tai nạn thương tâm vẫn tiếp tục xảy ra, để lại hậu quả đau lòng.
Liên tiếp các vụ việc đau lòng
Những năm gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đau lòng liên quan tới trẻ em rơi từ trên chung cư xuống tử vong. Mới nhất, khoảng 11h00 ngày 1/7, tại khu chung cư Vinaconex 1 (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), bé trai B.P.L. (5 tuổi) thiệt mạng do rơi từ tầng 11 xuống tầng 3 của toà nhà.
Theo lời kể của chị O. (lễ tân của tòa nhà), lúc 10h ngày 1/7, nhân viên kỹ thuật của tòa nhà A1 phát hiện bé L. đi lạc tại thang bộ tầng 9 nên dẫn bé xuống khu vực lễ tân tầng 1. Lúc này chị O. đã trực tiếp thông báo cho các hộ gia đình, sau đó bố cháu bé ở tầng 11 được thông báo xuống đón con.
Đến 10h45, bố cháu bé để con lại nhà tại tầng 11 và xuống tầng 6 họp. Khoảng 15 phút sau, người bố phát hiện con đã rơi xuống sảnh văn phòng tầng 3 của tòa nhà nên lập tức chạy xuống đưa cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền nhưng không qua khỏi.
Trước đó, tối 19/4, một vụ việc tương tự đã xảy ra tại chung cư Xuân Mai Complex (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội). Bé gái 4 tuổi ở tòa G, bất ngờ bị rơi xuống từ tầng 24 của tòa nhà.
Thời điểm xảy ra sự việc, trong căn hộ chỉ có mẹ và cháu bé. Người mẹ đang dọn dẹp nhà, cháu bé chơi trong phòng ngủ. Cháu bị rơi từ tầng 24 khi trèo qua cửa sổ tại phòng ngủ, tử vong tại chỗ.
May mắn hơn hai cháu bé kể trên, ngày 28/2, cháu N.P.H. (3 tuổi) leo qua lan can rồi treo mình lơ lửng ở ban công một căn hộ ở tầng 12A thuộc chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Anh Nguyễn Ngọc Mạnh (SN 1990, ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) làm nghề chở hàng có mặt tại đó nghe thấy tiếng khóc, tiếng tri hô của người dân đã nhanh chân leo lên mái tôn ngay dưới vị trí bé gái treo mình, kịp đỡ và làm giảm lực rơi khi bé tuột tay rơi xuống. Ngay sau đó, bé gái được đưa đi bệnh viện cấp cứu, xác định chỉ bị trật khớp háng bên phải, không nguy hiểm đến tính mạng, đến nay cháu bé đã hoàn toàn bình phục.
Như vậy, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 3 vụ việc trẻ nhỏ rơi từ các tòa nhà chung cư ở Hà Nội và 2 trong số đó cha mẹ phải chịu nỗi đau mất con vĩnh viễn.
Bảo đảm an toàn tại chung cư, trách nhiệm của người lớn
Theo các chuyên gia để xảy ra các vụ tai nạn trẻ nhỏ ngã từ tòa nhà cao tầng, lỗi trước hết thuộc về người lớn khi thiếu trách nhiệm, chủ quan, lơ là trong việc trông nom con trẻ. Từng gia đình cần phải nâng cao ý thức bảo vệ trẻ khi sống ở chung cư để giảm thiểu rủi ro xảy ra tai nạn. Ở một số nước tiên tiến có quy định trẻ dưới 12 tuổi không được ở nhà một mình. Ngoài ra, vì phần lớn trẻ có tính tò mò, hiếu động, thậm chí là thích nghịch ngợm, leo trèo nên cần phải tránh tất cả những vật có thể giúp các em trèo lên ban công nhà cao tầng.
Anh Lê Văn Hoàng (32 tuổi), cư dân khu chung cư Hà Đô Park View (đường Thành Thái, quận Cầu Giấy) cho biết khi chuyển từ nhà mặt đất lên ở chung cư, anh rất chú trọng đến các khu vực ban công, lô gia, cửa sổ… vì chúng đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là với trẻ nhỏ chưa nhận thức được mối nguy hiểm.
"Những nơi nào thấy còn tiềm ẩn nguy cơ, tôi đều cố gắng tìm ra biện pháp giảm thiểu tai nạn, cụ thể là lắp đặt lưới che. Đồng thời, tôi cũng thường xuyên kiểm tra độ chắc chắn của lưới che ban công có còn đảm bảo qua mưa nắng", anh Hoàng nói.
Theo ông Khuất Mạnh Hà - giám đốc một công ty tư vấn và xây dựng trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), các chung cư phải thiết kế đúng theo Quy chuẩn xây dựng Việt nam QCXDVN 05:2008/BXD về Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khoẻ.
Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: Từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1.4m (các vị trí khác tối thiểu 1.1 m); Phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; Không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.
"Quy định là vậy nhưng người thiết kế, thi công có thực hiện đúng hay không mới là điều quan trọng. Mặt khác, đa phần trẻ nhỏ khá hiếu động, chưa có những nhận thức rõ ràng về sự nguy hiểm, nếu cha mẹ không để ý thì những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vậy nên, để đảm bảo an toàn, khi mua chung cư, các gia đình cần lắp đặt thêm rào chắn lan can, cửa sổ…", ông Hà chia sẻ.
Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật và quy chuẩn xây dựng Việt Nam cũng như các quy định trong việc quản lý, sử dụng công trình để bảo đảm an toàn cho trẻ em tại các chung cư cao tầng.
Vụ việc đau lòng mới nhất này xảy ra chưa đầy 2 tháng sau khi ngày 19/5/2021 UBND TP. Hà Nội đã ban hành công văn 1512/UBND-KGVX về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, đặc biệt phòng, chống trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố.
Công văn đề nghị đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em về phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó có phòng chống tai nạn do bị rơi, ngã từ các khu chung cư, nhà cao tầng; yêu cầu thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích; đặc biệt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật và quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 05 -2008/BXD về Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe đối với các công trình xây dựng của chủ đầu tư và đơn vị quản lý, sử dụng công trình để bảo đảm an toàn cho trẻ em.