Nhiều biện pháp chung tay hỗ trợ công nhân, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các địa phương đang có nhiều biện pháp hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn do dịch. Nhiều tấm lòng hảo tâm vẫn đang hướng về những nơi khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Hải Dương: Gần 12.000 người lao động tự do sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68:
Theo CTV Linh Giang/VOV-Đông Bắc thông tin: Dự kiến, tỉnh Hải Dương sẽ hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số lao động đặc thù, gặp khó khăn do dịch Covid-19 với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương có khoảng hơn 11.800 người lao động tự do thuộc 6 nhóm đối tượng sẽ được đề xuất hỗ trợ gồm: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ....Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 18 tỷ đồng.
Điều kiện hưởng là đối tượng mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo theo quy định trong thời gian từ ngày 27/4 đến ngày 31/12/2021 do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch từ 14 ngày liên tục trở lên (bao gồm cả đối tượng F2 phải cách ly tại nhà) và phải cư trú hợp pháp tại địa phương.
Gần 22.000 công nhân, người lao động ở Quảng Ninh được tiêm vaccine:
Phóng viên Tiến Cường/VOV-Đông Bắc thông tin: Đến hết ngày 18/7, gần 22.000 công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 5 Khu công nghiệp đang hoạt động với tổng số trên 31.000 lao động. Trong đợt tiêm phòng Covid-19 thứ 5 của tỉnh Quảng Ninh, địa phương này ưu tiên tiêm cho công nhân tại KCN Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà); KCN Hải Yên (TP Móng Cái); KCN Đông Mai (thị xã Quảng Yên); KCN Việt Hưng (TP Hạ Long).
Tính từ ngày 10/07 đến 18/7, đã có gần 22.000 công nhân được tiêm vaccine mũi 1, đạt tỷ lệ 78% số công nhân tại 4 KCN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, KCN Việt Hưng đã có trên 2.500/4.000 công nhân được tiêm; KCN Hải Yên có gần 3.100/3.800 công nhân; KCN Đông Mai có trên 5.700/7.600 công nhân; KCN Cảng biển Hải Hà có gần 10.400/12.000 công nhân đã tiêm vaccine mũi 1.
Ngành y tế tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục phối hợp với 1 số đơn vị tiếp tục triển khai tiêm vaccine mũi 1 cho số công nhân còn lại tại KCN Cảng biển Hải Hà.
Thanh Hoá hướng về thành phố mang tên Bác:
Phóng viên Sỹ Đức/VOV1 thông tin: Với ý nghĩa chương trình tuần lễ "Hướng về Thành phố mang tên Bác", mấy ngày qua nhiều người dân Thanh Hoá đã góp rất nhiều lương thực, đồ dùng thiết yếu… đến các điểm tập kết hỗ trợ. Từ những thùng mì tôm, bao gạo, cân miến… chất chứa biết bao tình cảm sâu nặng của người dân xứ Thanh gửi gắm, chia sẻ, động viên nhân dân thành phố mang tên Bác cùng nhau đoàn kết, vững tâm vượt qua khó khăn dịch bệnh.
Chỉ ít phút sau khi nghe loa truyền thanh của thôn đọc thông báo, phát động quyên góp, ủng hộ nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, khắp các bản làng, phố phường, người dân Thanh Hoá đã mang nhu yếu phẩm đến điểm tập kết. Nhà nào có gạo góp gạo, có củ quả gì góp thứ đó, chẳng ai bảo ai nhưng cảm xúc, tình cảm trong lòng ai ai cũng dâng trào.
Nắng nóng, oi bức, nhưng lúc 10h trưa nay (19/7), tại các nhà văn hoá thôn khu vực các huyện Nông Cống, Đông Sơn, Quảng Xương… người người, nhà nhà tấp nập chuẩn bị đóng gói, phân loại các mặt hàng, nhu yếu phẩm một cách cẩn thận để gửi vào nhân dân miền nam. Điều đáng quý là cuộc sống vật chất của người dân nhiều vùng quê chưa được đủ đầy cho lắm, nhưng những tình cảm của nhân dân nơi đây hướng về TP.Hồ Chí Minh thật chân thành và thánh thiện.
Chị Lê Thị Liên ở huyện Nông Cống cho biết: Công tác quyên góp ủng hộ đến giờ này là được hơn 1 tấn gạo. Đoàn viên thanh niên của thôn chia ra mỗi túi 5kg để gửi vào TP.Hồ Chí Minh thân yêu. Mọi người ở đây đang hướng về đây.
Với tinh thần người đi trước, hàng hoá đi sau, trước đó tỉnh Thanh Hoá đã cử đoàn cán bộ, y, bác sĩ lên đường tăng cường làm nhiệm vụ phòng chống dịch tại TP.Hồ Chí Minh. Không chỉ trông ngóng, theo dõi các bản tin, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại thành phố này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá chung sức, chung lòng cùng người dân thành phố vượt qua dịch bệnh.
Ông Hà Văn Thuỷ, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thanh Hoá cho biết: Như chúng ta biết tình hình dịch bệnh tại TP.Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp. Chúng ta quyên góp, ủng hộ thành phố lúc này là việc làm thiết thực và hiệu quả, chính vì thế mà tỉnh kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết chung tay tổ chức thực hiện chương trình hướng về thành phố mang tên bác thật sự có ý nghĩa thiết thực nhất./.
Quảng Nam tạm thời chưa cách ly người lao động ra Đà Nẵng làm việc lúc trở về địa phương
Phóng viên Đình Thiệu/VOV-miền Trung thông tin: UBND tỉnh Quảng Nam vừa tiếp tục có văn bản về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Ngày hôm nay (19/7), tỉnh này vẫn tạm thời giải quyết cho những người lao động có hộ khẩu thường trú tại Quảng Nam đang làm việc tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được về nhà/nơi lưu trú và ra lại Đà Nẵng mà không phải cách ly.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu người lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Nam đang làm việc tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khai báo y tế và hạn chế tiếp xúc khi về nhà/nơi lưu trú.
Các nhà quản lý, chuyên gia, người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, các công trình xây dựng tại tỉnh Quảng Nam cư trú tại thành phố Đà Nẵng được về Đà Nẵng và quay lại nơi làm việc tại Quảng Nam mà không bị cách ly (bao gồm cả những người từ Đà Nẵng vào Quảng Nam làm việc).
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tại Quảng Nam báo cáo danh sách và cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với những người này. Đối với người lao động tự do từ Quảng Nam ra Đà Nẵng yêu cầu phải tuân thủ nguyên tắc “2 điểm, 1 tuyến”, khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc khi về nhà/nơi lưu trú và chịu sự giám sát chặt chẽ của Tổ Giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Tuỳ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 UBND, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Quảng Nam sẽ điều chỉnh kịp thời, tạo thuận lợi cho giao thương và sinh hoạt.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị mọi người dân trên địa bàn tỉnh không đến thành phố Đà Nẵng trong thời điểm này cho đến khi có thông báo mới. Nếu có việc cần thiết phải đến thành phố Đà Nẵng thì khi vào lại tỉnh Quảng Nam phải cách ly theo đúng quy định.
Người dân Quảng Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố Đà Nẵng không nên về địa phương trong lúc này, nếu về thì phải cách ly theo đúng quy định./.
Đắk Lắk: 36 sinh viên ngành y tình nguyện tham gia chống dịch COVID-19
Phóng viên Nam Trang/VOV-Tây Nguyên thông tin: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID -19 khi số ca mắc liên tục tăng trong mấy ngày qua, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã kêu gọi sinh viên y khoa tình nguyện tham gia phòng chống dịch với lực lượng y tế. Đáp lại lời kêu gọi, 36 sinh viên y khoa trường Đại học Tây Nguyên đã lên đường tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID -19 tại Đắk Lắk.
Gấp vội tư trang rồi chạy xe máy lên Trung tâm y tế thành phố Buôn Ma Thuột để họp đoàn và nhận nhiệm vụ, em Đoàn Lê Minh Nhật, lớp xét nghiệm K18, trường Đại học Tây Nguyên cho biết, ngày sau khi nhà trường thống báo công văn huy động sinh viên tham gia phòng chống dịch COVID -19 của Sở y tế em đã tình nguyện đăng ký tham gia, bởi đây chính là trách nhiệm của những sinh viên đã chọn song hành cùng tấm áo blu trắng.
Mong muốn được góp sức trong cuộc chiến chống dịch COVID -19 cũng là suy nghĩ của Trần Ngọc Hoài Hương, sinh viên năm 6, khoa y dược Đại học Tây Nguyên. Do vậy, ngay sau khi biết mình sẽ được đồng hành cùng ngành y tế trên cuộc chiến với dịch bệnh COVID -19.
“Nhiệm vụ của em hiện tại em sẽ tham gia công tác khai báo y tế, truy vết xét nghiệm cho các ca về từ vùng dịch tại Trạm y tế phường Tân Thành. Chúng em đã nhận được sự tập huấn của các thầy cô và đã chuẩn bị đầy đủ hành trang và một tâm lý vững vàng nhất để bước vào chống dịch. Em hy vọng chúng ta sẽ vượt qua được đại dịch”, Trần Ngọc Hoài Hương nói.
Trong đợt đầu này, trường Đại học Tây Nguyên đã cử 36 sinh viên y khoa năm 4,5,6 tham gia tình nguyện trong công tác phòng chống dịch COVID -19 tại Đắk Lắk. Trong đó 30 sinh viên sẽ hỗ trợ cho Trung tâm y tế thành phố Buôn Ma Thuột, 6 sinh viên hỗ trợ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Sở y tế Đắk Lắk cũng sắp xếp cho cán bộ y tế và sinh viên tình nguyện ăn nghỉ tại Trung tâm điều dưỡng người có công tại phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột.
Theo bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế thành phố Buôn Ma Thuột, sáng nay, 19/7 Trung tâm đã tiếp nhận 30 sinh viên ngành y về hỗ trợ Trung tâm chống dịch. Các sinh viên này sẽ làm việc tại các Trạm y tế, phòng xét nghiệm của Trung tâm. Nhiệm vụ của các sinh viên sẽ là phối hợp cùng với nhân viên y tế làm công tác thống kê và tham gia truy vết, xét nghiệm các trường hợp F1, F2. Cũng theo ông Hùng, trước khi tham gia cùng ngành y tế để chống dịch, các sinh viên này đã được nhà trường tập huấn, đảm bảo các em có thể tiếp cận ngay được các công việc.
Đến thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 20 bệnh nhân COVID -19 tại thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện Ea Hleo, Lắk, Buôn Đôn, Krông Ana và Ea Sup. /.
"Phiên chợ online 0 đồng" đến với người trong khu cách ly ở Bình Dương
Phóng viên Thiên Lý/VOV-TP.HCM cho biết: Hôm nay (19/7), Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Dương phối hợp với VNPT Bình Dương và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện “Phiên chợ online 0 đồng” tại khu cách ly tập trung.
“Phiên chợ online 0 đồng” dành cho những người đang ở trong khu cách ly tập trung, giúp người dân ở đây mua sắm các sản phẩm thiết yếu với giá 0 đồng thông qua một ứng dụng “App” theo mã đường link hoặc mã QR Code do VNPT Bình Dương xây dựng.
Mỗi người được đăng ký mua 3 sản phẩm thiết yếu. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương sẽ tổng hợp và vận động các nguồn lực để mua hàng, chuyển cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao cho người mua. Việc tổ chức “Phiên chợ online 0 đồng” tại các khu cách ly nhằm giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc trực tiếp theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Trương Thanh Mai- Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Dương cho biết, mô hình này sẽ giúp các hoạt động chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn ra một cách khoa học, kiểm soát được nguồn hàng và phân phối chính xác.
“Trước mắt sẽ làm thử nghiệm tại 2 điểm cách ly tập trung của thị xã Bến Cát và 1 điểm ở huyện Bắc Tân Uyên. Sau đó tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để có thể vận động thêm nhiều nguồn lực triển khai tại các khu cách ly tập trung khác trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi rất mong có nhiều đơn vị cùng đồng hành với Hội”, bà Mai cho biết.
Tại buổi lễ, lãnh đạo VNPT Bình Dương tặng 20 triệu đồng cho Chương trình "Phiên chợ online 0 đồng"; Trung tâm kinh doanh VNPT Bình Dương tặng card điện thoại cho lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung trường Tiểu học Chánh Phú Hoà, thị xã Bến Cát.
Theo thống kê, từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Bình Dương có gần 2.900 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Hiện có gần 10.000 người đang được cách ly tập trung; hơn 21.000 người cách ly tại nơi cư trú./.
Cà Mau gửi 12 tấn tôm đến với người dân TP.HCM
Phóng viên Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL đưa tin: Với mong muốn cùng TP.HCM chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19, trước mắt là góp phần giải quyết bài toán về nhu yếu phẩm trong thời điểm cấp bách, tỉnh Cà Mau đã gửi số hàng hóa là 12 tấn tôm đến người dân TP.HCM.
Kinh phí để có 12 tấn tôm hỗ trợ người dân TP.HCM được trích từ nguồn cứu trợ của tỉnh Cà Mau. Sáng nay (19/7), số hàng này đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau vận chuyển lên để trao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và sẽ được bổ sung vào nguồn thực phẩm phục vụ nhân dân. Đây là một việc làm thiết thực, thể hiện tình cảm, sự chia sẻ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đối với nhân dân TP.HCM.
Những ngày qua, trong khó khăn chung vì ảnh hưởng từ dịch COVID-19, thế nhưng các cấp, các ngành chức năng và người dân Cà Mau luôn hướng về TP.Hồ Chí Minh với tình cảm tương thân, tương ái. Đơn cử như Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau đã vận động, hỗ trợ cho người dân tại TP.Hồ Chí Minh gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 700 suất quà và hàng trăm kí cá khô, tôm rang, chả cá, ba khía,...
Ngoài ra, nhiều tổ chức, đoàn thể, cơ quan đơn vị khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đứng ra vận động, quyên góp để gửi những phần quà ý nghĩa nhằm động viên kịp thời đến nhân dân TP .HCM.
Tin nổi bật
Tin Video