Đời sống

Nhiều bà mẹ ở Anh phải sinh con thuận tự nhiên vì đại dịch

Do ảnh hưởng của Covid-19, ngày càng nhiều bà mẹ chọn sinh con thuận tự nhiên vì lo sợ bệnh viện có thể trở thành ổ dịch và khu siêu lây nhiễm.

09/12/2020 11:20

Sáng 3/5, Victoria Johnson chuẩn bị hạ sinh đứa con thứ 4 tại nhà riêng ở Anh. Cô được chồng và các con ở bên cổ vũ, động viên.

“Tôi có cảm giác như trọng lượng của vũ trụ đặt nặng lên người mình. Tất cả người thân đều ở bên tôi trong giây phút đó, ông bà ngoại thì theo dõi qua màn hình”, Victoria kể.

Không có y tá hay bác sĩ, Johnson và chồng cô đã thuê một doula - người hỗ trợ tinh thần cho mẹ bầu trong suốt quá trình mang thai và sinh nở - để giúp đỡ "vượt cạn". Chỉ sau khi thai nhi được đặt an toàn vào nôi, nữ hộ sinh mới được gọi đến để kiểm tra tình hình em bé.

Nhiều bà mẹ ở Anh phải sinh con thuận tự nhiên vì đại dịch - Ảnh 1.

Nhiều sản phụ quyết định sinh con thuận tự nhiên. Ảnh: SCMP

Sinh con thuận tự nhiên (freebirth) là quá trình lâm bồn không có sự can thiệp y tế.

Theo The Guardian, rất ít chuyên gia ủng hộ hình thức sinh nở này. Nó có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé, đe dọa đến nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong cho thai nhi, sản phụ của ngành y tế.

Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch hoành hành, khả năng lây nhiễm cao, nhiều phụ nữ đành chọn phương pháp này.

Hoàn cảnh éo le

Quỹ tín thác trên khắp nước Anh đã rút lại các dịch vụ sinh con tại gia. Trong khi đó, những trung tâm sinh sản do bà đỡ phụ trách cũng dần đóng cửa. Tình trạng thiếu nhân viên và số lượng cuộc gọi khẩn cấp ồ ạt đã gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế của xứ sở sương mù. Các bệnh viện thì vội vã đưa ra những quy định mới cho sản phụ khiến họ khó thích nghi.

Từ tháng 3-4/2020, có 14 bộ hướng dẫn của chính phủ dành cho phụ nữ mang thai ở Anh được xuất bản. Năm nay, sinh con trong bệnh viện là một viễn cảnh rủi ro và cô đơn.

Johnson đã lên kế hoạch sinh em bé thứ tư tại nhà sau những trải nghiệm tồi tệ trong bệnh viện. “Tôi biết nếu đến bệnh viện, tôi sẽ phải sinh mổ. Khi tôi mang thai được 35 tuần, các dịch vụ sinh tại nhà trong khu vực đã ngưng hoạt động”, cô giải thích.

Nhiều bà mẹ ở Anh phải sinh con thuận tự nhiên vì đại dịch - Ảnh 2.

Đại dịch khiến các bà mẹ lo lắng hơn cho ca sinh của mình. Ảnh: Freebirth Society

Trong cơn lo lắng, Johnson đã viết thư cho chính quyền và một số nơi hỗ trợ sinh sản khác. Nhưng cả hai đều không thể giúp đỡ. Cô tìm thấy một nữ hộ sinh độc lập sẵn sàng giúp đỡ, nhưng lại ở quá xa.

Bà mẹ 4 con có chút thất vọng trong hoàn cảnh hiện tại. Cô đã tham gia một nhóm gồm những phụ nữ theo hình thức sinh con thuận tự nhiên. Đây không phải là dự định đầu tiên của họ, mà vì đó là lựa chọn tốt nhất mà họ có.

Không còn lựa chọn nào khác

Thật khó để biết chính xác có bao nhiêu trẻ em được sinh ra bằng phương pháp này ở Anh hàng năm. Tuy nhiên, theo một số thống kê, số người từ chối sự trợ giúp y tế ngày càng tăng do các hạn chế của Covid-19.

Vào tháng 4, các nhà nghiên cứu tại Đại học King’s College London đã khảo sát 1.754 phụ nữ - từ 19 đến 41 tuổi khắp nước Anh - đang mang thai hoặc đã sinh con kể từ khi phong tỏa.

Trong đó, cứ 20 mẹ bầu thì có một người đang cân nhắc sinh thuận tự nhiên. Tiến sĩ Mari Greenfield, đồng tác giả của nghiên cứu, cho hay: “Đó là một con số thực sự cao, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều phụ nữ sinh con tại nhà mỗi năm, khoảng 2% nếu tính ở Anh và xứ Wales”.

Greenfield khẳng định các lý do được đưa ra rất phức tạp. Nhiều bà mẹ lo sợ bệnh viện có thể trở thành ổ dịch và khu siêu lây nhiễm.

Nhiều bà mẹ ở Anh phải sinh con thuận tự nhiên vì đại dịch - Ảnh 3.

Nhiều mẹ bầu không muốn sự hỗ trợ của y tế. Ảnh: AP

Tuy vậy, Tiến sĩ Patrick O’Brien, phó chủ tịch của trường Royal College of Obstetricians & Gynaecologists, cho biết các đơn vị hỗ trợ sinh sản là một nơi rất an toàn cho mẹ và bé.

“Chúng tôi biết đại dịch đã khiến nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng nhưng nguy cơ nhiễm virus trong bệnh viện phụ sản thực sự là rất thấp. Hầu hết bệnh viện, cơ sở y tế đều xét nghiệm trước khi tiến hành phẫu thuật hoặc mổ đẻ. Nhân viên cũng được kiểm tra thường xuyên và luôn mang thiết bị bảo hộ cá nhân”, ông Patrick O’Brien nhấn mạnh.

Quyền lựa chọn thuộc về người mẹ

Đại dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng đến dịch vụ hộ sinh độc lập. Trước đây, Jacqui Tomkins, chủ tịch của tổ chức Independent Midwives UK, nhận hai ca đỡ đẻ mỗi tuần.

“Từ khi đất nước phong tỏa, số cuộc gọi tăng lên 20. Không chỉ tôi mà những nữ hộ sinh khác cũng vậy. Nhiều thai phụ sợ hãi sau khi dự định sinh tại nhà bị hủy bỏ và họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự ‘vượt cạn’ một mình”, Jacqui chia sẻ.

Theo The Guardian, ước tính có khoảng 150 nữ hộ sinh độc lập đã đăng ký ở Anh. Mỗi năm, họ hỗ trợ cho khoảng 2.500 phụ nữ.

Beatrice Cianchi (32 tuổi, London) đã cố gắng thuê một bà đỡ vào đầu năm nay, sau khi ca sinh tại nhà của cô bị hủy bỏ. “Nhưng phí là 4.000 bảng và tôi không đủ khả năng chi trả”.

Nhiều bà mẹ ở Anh phải sinh con thuận tự nhiên vì đại dịch - Ảnh 4.

Trong bối cảnh hiện tại, việc tìm người đỡ đẻ cũng khó khăn. Ảnh: The Guardian.

Lần mang thai thứ hai của cô đã diễn ra suôn sẻ cho đến khi gia đình ở Italy rơi vào tình trạng khủng hoảng vào đầu tháng 3. "Tôi cảm thấy hoàn toàn bị bỏ rơi”, Cianchi nói.

Đối với Cianchi, sinh con tại nhà vào khoảng thời gian này là điều bắt buộc. Cô bắt đầu nghiên cứu về việc sinh nở không cần trợ giúp y tế. “Khi tôi nói với nữ hộ sinh của mình, cô ấy muốn giúp đỡ nhưng bệnh viện không cho phép”, bà mẹ 2 con kể.

Thay vào đó, cô chuyển sang một doula, người đồng ý đỡ đẻ nhưng khẳng định chỉ có thể hỗ trợ về mặt tinh thần.

Còn với Victoria Johnson, 6 tháng sau khi lâm bồn, cô vẫn còn nuối tiếc vì kế hoạch sinh con của mình. “Tôi không tìm lại được sự thoải mái cho chính mình. Khi nói đến quyền sinh đẻ của phụ nữ, có một lượng lớn thai phụ đang bị bỏ lại phía sau. Đáng buồn là đôi khi chúng tôi không có quyền với cơ thể của bản thân”, Victoria bày tỏ./.

Ý kiến của bạn