Nhạt nhoà những con hẻm bích hoạ ở Đà Nẵng
(VOVTV) - “Hẻm tranh bích hoạ” từng được kỳ vọng là sản phẩm du lịch mới tạo sức hấp dẫn du khách khi đến với thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn ra đời, những sản phẩm này đang dần trở nên nhạt nhòa, đìu hiu.
“Đường tranh bích họa phường Mân Thái” tại các hẻm khu vực Lăng Ông, đường Võ Nguyên Giáp, thuộc tổ 12, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng từng là điểm checkin hấp dẫn du khách. Hàng chục bức tranh tường sặc sỡ sắc màu, kể lại “Câu chuyện làng Chài”, khắc họa sinh động nét đẹp văn hóa, đời thường, cuộc sống mưu sinh của người dân ven biển Sơn Trà.
Bà Phạm Thị Thiếp, ở kiệt 4, đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà cho hay, từ tháng 8/2022, hàng chục bức tranh bích họa phủ kín những bức tường nhuốm màu thời gian, tô đẹp không gian sống của bà con làng chài. Vậy mà bây giờ, hẻm bích họa này đang dần bị lãng quên: “Hồi trước mới khai trương đông khách lắm. Họ đến đông lắm. Du khách khắp nơi về đây chụp ảnh. Bây giờ, hơi vắng khách.”
Trước đó, một con hẻm bích họa khác từng gây “sốt” cộng đồng mạng và những người thích checkin khi đến thành phố Đà Nẵng. Đó là, hẻm bích họa 75 đường Nguyễn Văn Linh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu. Con hẻm cũ trong phố trở nên thơ mộng hơn với những hình ảnh sống động, tái hiện một Đà Nẵng xưa với phong cảnh đặc trưng, các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống… Chỉ sau một thời gian rất ngắn, tất cả sắc màu của hẻm bích họa này dần nhạt phai, những bức tường dần trở nên cũ kỹ và nhem nhuốc…
Bà Nguyễn Thị Nàng Hương bán cà phê, giải khát ở hẻm bích họa này than vãn: “Hẻm bích họa này hình thành từ năm 2018. Sau thời gian, nhà của người dân xuống cấp nên họ đập những bức tường đã vẽ tranh để xây lại nhà mới cho ổn định hơn. Khi khách tới đây hỏi những bức tranh vẽ lúc đầu nhưng không còn những hình ảnh đó nữa. Cho nên, muốn duy trì hẻm bích họa này, cần phải có hướng khắc phục, vẽ lại, sửa chữa lại những bức tranh bị hỏng, bị người dân phá vỡ…”
Mỗi đường, hẻm bích họa ở thành phố Đà Nẵng được đầu tư hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn ra đời, những sản phẩm du lịch mới này không còn hấp dẫn du khách. Những tác phẩm này dần bị phai màu, nhợt nhạt.
Chị Nguyễn Thúy Vân, du khách từ thành phố Hồ Chí Minh vừa đến đây bày tỏ thất vọng khi checkin tại các hẻm bích họa ở thành phố Đà Nẵng: “Tôi đã nghe và đến nhiều làng tranh bích họa ở thành phố Đà Nẵng. Tôi cũng đã đến những điểm đó vài lần, nhưng hình ảnh không còn hấp dẫn như trước nữa. Tôi hy vọng thời gian tới, thành phố sẽ phát triển, làm mới hơn loại hình này để thu hút khách du lịch nhiều hơn.”
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống, bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống… là mục đích hướng đến của các đường, hẻm bích họa ở thành phố Đà Nẵng. Thực tế cho thấy, việc đầu tư làm du lịch theo kiểu “có sinh nhưng không có dưỡng” dẫn đến những lãng phí đáng tiếc.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Ngành Du lịch tiếp tục tiếp thu, lắng nghe ý kiến của du khách, cùng với các địa phương, các doanh nghiệp du lịch đưa ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tham quan, trải nghiệm của du khách. Trong đó, có việc thể hiện những nét văn hóa của địa phương bằng tranh bức hoạ. Qua đó, chúng tôi sẽ làm mới cũng như bổ sung những nét văn hóa độc đáo, thường xuyên quảng bá hình ảnh địa phương đến du khách, tạo sự khác biệt, hấp dẫn trong quá trình phục vụ du khách”./.
Tin nổi bật
Tin Video