Nhật Bản thâu tóm lợi ích nào từ khu vực Trung Đông?
(VOVTV) - Chuyến thăm của Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi tới các nước Trung Đông được xem là cơ hội giúp Nhật Bản thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao tại khu vực tiềm năng này, nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược quốc gia.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đang có chuyến công du tới Trung Đông bao gồm Ai Cập, Iran, Israel, Jordan, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar... trong 10 ngày. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh một số nước có tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực như Israel và Iran đều có chính quyền mới, hay lập trường của một số nước thay đổi vì gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Vì thế, đây có thể coi là cơ hội giúp Nhật Bản thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao tại khu vực tiềm năng này, nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược quốc gia.
Đa mục đích
Mục đích của chuyến thăm 7 nước Trung Đông lần này là tái khẳng định vai trò của Nhật Bản trong việc thúc đẩy đối thoại hướng tới giảm căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, nội dung không kém phần quan trọng là lý giải chiến lược Ấn Độ Dương tự do và rộng mở mà mấu chốt là kiềm chế hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.
Cụ thể, sáng sớm nay, Ngoại trưởng Motegi đã hội đàm lần lượt với Ngoại trưởng Ai Cập, Israel và Palestine và từ hôm nay bắt đầu thăm các nước khác.
Tại Ai Cập, Ngoại trưởng Motegi và Ngoại trưởng Ai cập đã thống nhất tăng cường hợp tác giữa hai bên hướng tới khôi phục trị an, trật tự của khu vực sau sự kiện lực lượng Taliban kiểm soát Afghanistan, mong muốn hợp tác với Ai Cập là quốc gia có sức ảnh hưởng lớn tới giới Hồi giáo làm ổn định tình hình ở Afghanitan và quan hệ giữa Israel và Palestine.
Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Palestine, Nhật Bản bày tỏ ủng hộ việc giải quyết vấn đề hai nhà nước Israel và Palestine bằng biện pháp hòa bình, đồng thời yêu cầu hai bên nỗ lực kiềm chế hành vi làm gia tăng căng thẳng, khôi phục lòng tin giữa hai bên. Nhân dịp này, Nhật Bản cũng đã đề cập tới khoản viện trợ nhân đạo với khoản tiền lên tới 23 triệu USD cho Dải Gaza, trong đó bao gồm 3,7 triệu USD viện trợ lương thực.
Thúc đẩy quan hệ với chính quyền mới của Iran và Israel
Có lẽ chuyến thăm của ông Motegi tới Iran và Israel thu hút sự chú ý nhiều nhất của giới quan sát quốc tế. Iran và Israel đối đầu trong 40 năm qua, tuy nhiên hai bên đều có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với với Nhật Bản từ trước đó.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đang mở rộng nhập dầu thô từ các nước Trung Đông. Trong khi đó, Mỹ lại tập trung chuyển trọng điểm về mặt ngoại giao, an ninh từ Trung Đông sang châu Á. Việc Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông là hiện hữu. Cả Israel và Iran vừa mới có chính quyền mới, nên cũng có nhiều lập trường chưa rõ ràng. Trong bối cảnh này, với tư cách là đồng minh của Mỹ lại có quan hệ tương đối tốt đẹp với cả Israel và Iran từ trước nên ông Motegi trong chuyến thăm lần này mong muốn xây dựng sớm mối quan hệ với lãnh đạo hai nước này, đồng thời đóng góp vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Iran thông qua thỏa thuận hạt nhân.
Nhật Bản nhận thấy rằng, con đường ngắn nhất để khôi phục nền kinh tế Iran là phải tái mở con đường buôn bán dầu thô. Nếu vậy, cần phải khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và Nhật Bản, nước có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Iran, có thể sẽ trở thành trung gian hòa giải và thúc đẩy Mỹ hạ hỏa đối với Iran.
Xét từ góc độ lịch sử, quan hệ Iran và Israel đã có thời gian rất tốt đẹp. Nhật Bản cũng tiến hành nhiều viện trợ nhân đạo cho Israel. Tận dụng việc thúc đẩy quan hệ với chính quyền mới của hai nước, Nhật Bản thừa cơ đề cập cả việc thiết lập lại không khí ấm áp giữa Iran và Israel, và thẳm sâu bên trong cũng là cân bằng các mối quan hệ ngoại giao cũng như lợi ích giữa các nước lớn mà Nhật Bản cũng được định tên.
Thách thức và cơ hội
Nhật Bản đã và đang hướng tới việc đóng vai trò là một nhà trung gian điều phối về hòa bình và ổn định ở Trung Đông, tận dụng vị thế trung lập của mình đối với tất cả các nước trong khu vực.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều quyết định của các nước Trung Đông trong thời điểm hiện tại. Các nước thân Mỹ như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab đều có hợp tác với Trung Quốc trong việc sản xuất và cung cấp vaccine. Iran cũng xoay ra ký kết Hiệp định kinh tế và an ninh với Trung Quốc vào đầu năm nay.
Iran đang bị Mỹ áp lệnh trừng phạt, nên nền kinh tế gặp khó khăn. Tỷ lệ lạm phát của nước này năm 2020 là 36,5%, dự đoán năm 2021 sẽ cao hơn lên đến 39%. Mặt khác, Iran đang đối mặt với dịch Covid-19, đứng thứ 12 và 13 trên thế giới về số người mắc và tử vong. Do đó, trong nước sự bất mãn của người dân tăng cao, biểu tình phản đối thường xuyên diễn ra. Trước tình trạng này, Iran có xu hướng “bắt tay” với Trung Quốc là điều dễ hiểu.
Trong bối cảnh trên, rõ ràng hiện nay Nhật Bản không chiếm lợi thế ở Trung Đông, mặc dù từ trước tới nay mục đích của Nhật Bản tại khu vực này rất rõ ràng. Nhưng nếu Nhật Bản thúc đẩy được các cuộc đàm phán Mỹ-Iran hướng tới ký kết thỏa thuận hạt nhân, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với Iran theo cam kết trước đó. Từ đây, Nhật Bản cũng sẽ dễ dàng thúc đẩy đầu tư, viện trợ cho Iran, ngược lại không lo lắng về nguồn cung dầu lửa.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang thúc đẩy một số dự án lớn tại Israel như hợp tác trong dự án thử nghiệm nhằm tạo oxy trên Mặt Trăng, hay cả Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Sau sự kiện tại Afghanistan, Nhật Bản đã chuyển Đại sứ quán từ Kabul về Istabul. Đây cũng là dịp để Nhật Bản tiếp xúc gần hơn với các dự án đầu tư tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù vậy, nhiều cam kết giữa Nhật Bản và các nước Trung Đông chưa được cụ thể hóa bằng văn bản. Do đó, Nhật Bản phải chạy nước rút để có thể có các văn bản ký kết, trước khi có nước khác giành trước.
Tin nổi bật
Tin Video