Nhật Bản tái ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19
(VOVTV) - Chiều 7/1, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, gồm Chiba, Kanagawa và Saitama, trong thời gian từ ngày 8/1 đến ngày 7/2.
Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi số ca nhiễm mới ở Nhật Bản lần đầu vượt ngưỡng 6.000 ca/ngày. Đáng chú ý, tổng số ca nhiễm mới ở Tokyo và ba tỉnh lân cận chiếm tới hơn 50% số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc.
Theo đó, các nhà hàng, quán ăn phải rút ngắn thời gian làm việc đến 8h tối, nhà hàng có phục vụ rượu chỉ được phép mở cửa từ 11 giờ sáng đến 7 giờ tối, phục vụ giao hàng tại nhà và mang đi được phép hoạt động. Người dân hạn chế đi lại, nếu không có việc cần thiết, ngoại trừ đến như đến bệnh viện và mua đồ thiết yếu, tuyệt đối không ra ngoài sau 8 giờ tối.
Các công ty doanh nghiệp thúc đẩy làm việc từ xa, giảm 70% số lượng nhân viên có mặt tại công ty, tạm dừng công việc sau 8 giờ tối nếu không cần thiết. Số lượng người tham gia các sự kiện tối đa là 5.000 người, hoặc bằng 50% sức chứa của cơ sở đó. Đối với trường học hạn chế các câu lạc bộ có nguy cơ lây nhiễm cao, không yêu cầu đóng cửa và kỳ thi tuyển sinh đại học vẫn tiến hành theo kế hoạch.
Tình trạng khẩn cấp lần này được chính phủ Nhật Bản ban bố khi số ca lây nhiễm tại nhiều tỉnh thành và toàn quốc liên tục ở mức cao, đẩy hệ thống y tế đứng trước tình trạng tê liệt.
Theo thống kê chiều 7/1, trong ngày tại Tokyo tiếp tục lập đỉnh mới với 2447 ca nhiễm mới, toàn quố có tới 7 nghìn ca.
Việc chỉ được áp dụng tại 4 tỉnh/thành, tình trạng khẩn cấp lần này được dư luận đánh giá là khá muộn màng, yếu ớt và nửa vời. Giới chuyên gia cho rằng các biện pháp lần này chưa đủ “mạnh tay” có thể kéo dài thời gian sống trong tình trạng “khẩn cấp ” của người dân. Đồng thời việc này không thể đưa tình trạng lây nhiễm ở thủ đô Tokyo xuống mức có thể kiểm soát được trong vòng 1 tháng và cần mở rộng phạm vi khẩn cấp ra toàn quốc để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả.
Trước đó, ngày 2/1, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, quan chức phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, những người đứng đầu của 4 tỉnh, thành trên đã kiến nghị chính phủ ban bố trình trạng khẩn cấp do lo ngại về sự lây lan của dịch COVID-19. Họ cho rằng sự bùng phát của dịch COVID-19 trong thời gian gần đây đã khiến cho hệ thống y tế bị ảnh hưởng rất lớn và đối diện với nguy cơ bị quá tải nghiêm trọng.
Ngày 7/4/2020, Chính phủ Nhật Bản cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở 7 tỉnh, thành, trong đó có Tokyo, Kanagawa, Saitama và Chiba. Sau đó, phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp đã được mở rộng ra khắp cả nước vào ngày 16/4/2020. Tình trạng khẩn cấp đã được dỡ bỏ tại 39 trong tổng số 47 tỉnh, thành vào ngày 14/5, và tại các tỉnh còn lại vào ngày 25/5. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp đã tác động rất lớn tới kinh tế Nhật Bản. Trong quý II/2020, Tổng sản phẩm (GDP) thực tế của nước này đã giảm tới 28,1% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm qua.
Tin nổi bật
Tin Video